Đạm Cà Mau (DCM) được chấp thuận đầu tư nhà máy mới tại Bình Định

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - cơ sở Bình Định.

Đạm Cà Mau đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định vừa có công văn chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - cơ sở Bình Định.

Dự án trên có diện tích gần 3 ha, tại Khu công nghiệp Long Mỹ, TP.Quy Nhơn, với tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng. Trong đó, 100% vốn đầu tư sẽ đến từ Đạm Cà Mau. Đạm Cà Mau sẽ triển khai dự án ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý 1/2025.

Dự kiến nhà máy mới của Đạm Cà Mau tại Bình Định sẽ đi vào hoạt động từ quý 1/2025.

Dự kiến nhà máy mới của Đạm Cà Mau tại Bình Định sẽ đi vào hoạt động từ quý 1/2025.

Nhà máy này sẽ sản xuất, phối trộn các loại phân bón NPK+TE, công suất khoảng 50.000 tấn/năm; đóng gói các loại phân bón với công suất khoảng 50.000 tấn/ năm; lưu trữ, kinh doanh các loại phân bón, nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm.

Đây là động thái mới nhất của Đạm Cà Mau trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 10/1, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, công ty dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng trong năm 2024.

Trong đó, khoảng 600 tỷ đồng được dùng để mua lại Nhà máy Phân bón Hàn - Việt (KVF). Dự án này sẽ giúp nâng gấp đôi tổng công suất sản xuất NPK của Đạm Cà Mau lên mức 660.000 tấn/năm.

Khoảng 900 tỷ đồng vốn đầu tư còn lại sẽ được Đạm Cà Mau dùng để thực hiện loạt dự án lớn, bao gồm: việc phát triển hạ tầng kho bãi tại một số vùng miền để gia tăng khả năng tích trữ nguyên liệu và hàng hóa nhằm gia tăng lợi thế kinh doanh; Dự án thu hồi CO2 để chế biến thành CO2 thực phẩm; Dự án sản xuất khí công nghiệp tại nhà máy hiện hữu; đầu tư hệ thống xuất hàng xá để tiết kiệm chi phí bốc dỡ, bao bì khi thực hiện xuất khẩu…

Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau nhận định: “Công ty đang trong thời điểm thuận lợi để thực hiện công tác đầu tư, mở rộng sản xuất, hoàn thiện hệ thống tồn trữ và phân phối, đảm bảo nguồn hàng luôn sẵn sàng và kịp thời ở các thị trường trọng điểm. Việc đầu tư sẽ mang lại hiệu quả và tạo lợi thế để công ty phát triển bền vững trong thời gian tới”.

Dự báo lãi ròng năm 2024 có thể tăng tới 111%

Diễn biến giá ure thế giới (USD/tấn) trong thời gian qua. (Nguồn: tradingeconomics.com)

Diễn biến giá ure thế giới (USD/tấn) trong thời gian qua. (Nguồn: tradingeconomics.com)

Xét về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu cả năm 2023 của Đạm Cà Mau ước đạt 13.572 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.031 tỷ đồng. Tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 khi giá phân bón các loại đã tạo đáy vào tháng 6/2023 và đang trong chu kỳ phục hồi nhờ Nga và Trung Quốc đã kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu phân bón.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đồng thời, các tổ chức lớn như Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) cùng dự báo nhu cầu phân bón từ nông dân phục hồi trên toàn cầu, và sản lượng phân bón toàn cầu ước tăng 1,8% trong năm 2024.

Hiện Mirae Asset Vietnam Research (MAVN) dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau trong năm 2024 lần lượt tăng 24% và 111% so với mức thực hiện của năm 2023.

Theo MAVN, với vị thế là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ure lớn nhất tại Việt Nam, Đạm Cà Mau sẽ hưởng lợi trực tiếp khi giá ure thế giới dần phục hồi.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/dam-ca-mau-dcm-duoc-chap-thuan-dau-tu-nha-may-moi-tai-binh-dinh-116456.htm