Đạm Cà Mau (DCM): Hoàn thành 77% kế hoạch xuất khẩu ure cả năm, kỳ vọng lãi năm nay tăng mạnh

Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) cho biết đã hoàn thành 77% kế hoạch xuất khẩu ure cả năm nay chỉ sau 6 tháng đầu năm. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ NPK trong tháng 6/2024 của doanh nghiệp này đã bật tăng mạnh.

Nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh của Đạm Cà Mau trong thời gian tới ở mức tích cực.

Nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh của Đạm Cà Mau trong thời gian tới ở mức tích cực.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa cho biết đã sản xuất được 83.590 tấn ure và 12.620 tấn NPK trong tháng 6/2024, lần lượt giảm 2,2% và 50% so với tháng 5/2024.

Về tiêu thụ, Đạm Cà Mau đã bán được 58.010 tấn ure trong tháng 6/2024. Trong đó, tiêu thụ trên thị trường nội địa giảm 30% so với tháng 5/2024, còn 43.340 tấn, nhưng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu tăng tới 74%, đạt 14.680 tấn.

Đối với sản phẩm NPK, lượng tiêu thụ NPK trong tháng 6/2024 của Đạm Cà Mau đạt 42.020 tấn, tăng 58% so với tháng 5/2024.

Như vậy, lũy kế nửa đầu năm nay, Đạm Cà Mau đã sản xuất được 502.080 tấn ure, hoàn thành 56% kế hoạch năm và 98.490 tấn NPK, hoàn thành 54% kế hoạch năm.

Sản lượng tiêu thụ đạt 453.210 tấn ure, bao gồm tiêu thụ trong nước đạt 278.970 tấn, hoàn thành 53% kế hoạch năm và 174.240 tấn xuất khẩu, hoàn thành 77% kế hoạch năm. Lượng tiêu thụ NPK trong nửa đầu năm 2024 đạt 76.880 tấn, hoàn thành 42% kế hoạch năm.

Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, một số tổ chức tài chính hiện kỳ vọng kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau nói riêng và các doanh nghiệp phân bón trong nước nói chung sẽ được hỗ trợ bởi việc phân bón có thể được chuyển từ diện không chịu Thuế Giá trị Gia tăng (VAT) sang danh mục chịu thuế VAT 5%.

Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) đã được thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội thứ 7 (từ 20/05/2024 đến 28/06/2024), và sẽ được biểu quyết để thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Hiện tại giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% (do không được khấu trừ). Nếu Luật thuế VAT (sửa đổi) được thông qua, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Nếu dự thảo luật được thông qua vào tháng 8/2024, các quy định có thể có hiệu lực từ đầu năm 2025. Trong kịch bản này, sản phẩm của Đạm Cà Mau sẽ cạnh tranh tốt hơn so với các mặt hàng phân bón nhập khẩu. Đồng thời, theo tính toán của hãng Chứng khoán BIDV, Đạm Cà Mau sẽ được hoàn thuế VAT đầu vao, ước tính khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm từ đó giúp giảm giá thành đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh.

Xét về mặt kỹ thuật, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau còn được hỗ trợ nhờ việc Nhà máy Đạm Cà Mau đã hết khấu hao trong quý 4/2024, theo đó chi phí khấu hao trong năm nay dự kiến có thể giảm tới 67%, từ 1.084 tỷ đồng trong năm 2023 về còn 359 tỷ đồng trong năm nay, theo Chứng khoán BIDV.

Chứng khoán BIDV hiện dự phóng lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau trong năm nay sẽ đạt 1.621 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2023. Đồng thời, Đạm Cà Mau được nhận định đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với kỳ vọng lợi nhuận hàng năm sẽ duy trì ổn định từ 1.700 - 2.000 tỷ đồng/năm, cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 (loại trừ giai đoạn lợi nhuận tăng đột biến 2021 - 2022).

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm-hoan-thanh-77--ke-hoach-xuat-khau-ure-ca-nam--ky-vong-lai-nam-nay-tang-manh-123691.htm