Đám cưới dễ trở thành ổ bệnh siêu lây nhiễm
Mọi cô dâu, chú rể đều mong muốn có ngày cưới hạnh phúc, trọn vẹn nhất. Song, trong bối cảnh hiện tại, chúng lại biến thành môi trường thuận lợi cho virus phát tán ra cộng đồng.
“Đám cưới siêu lây nhiễm”, “Hàng chục ca nhiễm mới xuất phát từ một đám cưới địa phương”, “Ngăn chặn thành công một đám cưới có hàng trăm khách mời giữa mùa dịch”,….
Kể từ khi đại dịch hoành hành khắp thế giới, tin tức trên truyền thông về những ca nhiễm bệnh mới xuất phát từ các đám cưới tụ tập đông người cũng xuất hiện nhiều hơn.
Dù đã có lệnh cấm hay khuyến cáo của chính quyền, nhiều cặp vẫn chủ quan bỏ qua một loạt rủi ro tiềm tàng để tiến hành hôn sự.
Ngày cưới là dịp trọng đại trong cuộc đời. Mọi cô dâu, chú rể đều mong muốn được trải qua ngày vui theo cách trọn vẹn nhất song trong bối cảnh hiện tại, nó lại biến thành môi trường thuận lợi cho virus phát tán.
Sau những đám cưới linh đình và lời chúc phúc từ dàn khách mời, nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới xuất hiện.
"Hạnh phúc trong đám cưới, tôi quên mất sự tồn tại của Covid-19"
Tháng 6 năm ngoái, lễ cưới của một kỹ sư phần mềm 30 tuổi ở thành phố Paliganj (Ấn Độ) bị coi là ổ lây nhiễm khiến 113 khách mời nhiễm virus SARS-CoV-2.
Vài ngày trước lễ cưới, chú rể xuất hiện nhiều biểu hiện như sốt và tiêu chảy song không đến kiểm tra y tế.
Đám cưới diễn ra đúng theo kế hoạch với hơn 350 khách đến chung vui. Hai ngày sau đó, chú rể qua đời.
Người thân nhanh chóng hỏa táng chàng trai xấu số một cách kín đáo. Chính quyền chỉ ra tay ngăn chặn mối nguy hiểm sau khi một khách dự tiệc báo cáo sự việc.
Tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, nhiều đám cưới siêu lây nhiễm xuất hiện như một hệ quả tất yếu của việc chủ quan trước dịch bệnh.
Tháng 10 năm ngoái, đám cưới được tổ chức ở quận Suffolk, Long Island là sự kiện “siêu lây nhiễm” virus SARS-CoV-2 khi 41 người dính bệnh trong số 113 khách tham dự.
"Việc cố tình tổ chức hôn lễ có nhiều khách tham dự sau những gì New York phải trải qua là hành động ích kỷ, vô trách nhiệm”, Thống đốc Andrew Cuomo nhấn mạnh.
Dịp Halloween năm ngoái, đôi Anthony và Mikayla Bishop (bang Ohio, Mỹ) mời 83 người đến tham dự lễ cưới. Một tuần sau đó, gần một nửa số khách mời dương tính với Covid-19, trong đó có ông bà của họ.
Bản thân cặp vợ chồng cũng nhận kết quả dương tính khi đang tận hưởng kỳ trăng mật ở bang khác. "Khi bạn đang ở trong thời điểm hạnh phúc này, bạn không nghĩ về Covid-19 nữa”, Mikayla nhớ lại.
“Mỗi ngày chúng tôi đều nhận được một cuộc gọi thông báo có người quen nhiễm bệnh, khiến chúng tôi thấy tồi tệ”, người vợ nói.
Michael Masi, một nhà tổ chức đám cưới ở Miami (Mỹ), vẫn tiếp tục làm việc với khách hàng, cho hay mình khuyên các đôi uyên ương tổ chức theo quy mô nhỏ hơn, chỉ có 16-20 người thân thiết nhất tham dự.
Nhưng kể cả vậy, tình hình vẫn không khả quan hơn.
Tháng 11 năm ngoái, cụ bà Mary Hughgill (82 tuổi) qua đời tại một viện dưỡng lão ở bang Maine (Mỹ) sau khi mắc Covid-19.
Theo điều tra, một nhân viên phụ trách chăm sóc đã vi phạm lệnh giãn cách và đến dự đám cưới có 55 khách mời. Người nhà bệnh nhân tin rằng cụ bà bị nhiễm bệnh từ sự bất cẩn của nhân viên đó và đã thuê luật sư kiện viện dưỡng lão.
Không tin có thể nhiễm bệnh từ người quen
Số ca nhiễm gia tăng từ các đám cưới từng khiến lực lượng nhân viên y tế cộng đồng ở Mỹ khẩn cầu người dân nói “không” với việc dự hôn lễ trong mùa dịch.
“Đám cưới rất nguy hiểm trong giai đoạn này. Thành thật mà nói, bạn chỉ tự chuốc thêm rủi ro khi đến nơi đông người”, Ali H. Mokdad, giám đốc chiến lược về sức khỏe dân số tại Đại học Washington, nói.
Chung quan điểm, Karen Potts, Giám đốc Sở Y tế Quận Adams ở phía đông Washington D.C, cho biết đám cưới là thứ gây sợ hãi cho cơ quan chức năng bởi quá nhiều rủi ro có thể nhìn thấy trước.
Chúng bị coi là môi trường dễ lây lan virus hơn cả nhà hàng, quán ăn. Trong khi nhà hàng chỉ được phép đón tiếp một lượng khách hạn chế và tuân theo lệnh giãn cách xã hội, tiệc cưới là nơi khách mời hòa mình với bạn bè.
“Khi đại dịch xuất hiện, các đám cưới chuyển sang diễn ra trong nhà, thay vì ngoài trời như trước. Tỷ lệ truyền nhiễm cũng vì thế tăng lên”, Mokdad bày tỏ.
“Để thể hiện tình cảm, chúng ta ôm hôn bạn bè, người thân trong gia đình, lại gần những người đã lâu không gặp. Chúng ta cười nói vui vẻ mà không biết mầm bệnh đang len lỏi xung quanh”, ông nói thêm.
“Đó là một sự kiện hạnh phúc, khi cô dâu và chú rể đến gần, việc nói rằng 'đừng ôm tôi' trở nên kỳ cục, gây mất vui", Debra Goff, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trung tâm Y tế Wexner, Đại học bang Ohio (Mỹ), nói.
Theo các chuyên gia y tế, mối đe dọa từ đám cưới siêu lây nhiễm đến từ tâm lý cơ bản của con người. Đó là niềm tin rằng việc tiếp xúc với người thân quen không đem lại tác hại.
"Nhiều người không tin rằng có khả năng nhiễm bệnh từ gia đình và bạn bè. Nói cách khác, họ cảm thấy an toàn khi ở gần những người quen biết. Đó là lý do họ vẫn tụ tập cạnh nhau”, Pott nói.
Tại các vùng nông thôn ở nước Mỹ, cảm giác an toàn sai lầm này càng xuất hiện phổ biến hơn.
“Mọi người thường nghĩ ‘Ai mà biết chúng ta tổ chức cơ chứ’. Nếu ca nhiễm mới không xuất hiện, họ càng chủ quan hơn”, Pott giải thích.
Theo Goff, sự nguy hiểm sẽ tăng lên khi mọi người ngồi ăn và bỏ khẩu trang.
Hơn nữa, uống rượu bia làm suy giảm khả năng phán đoán, khiến mọi người nhiều khả năng sẽ chấp nhận những rủi ro. Khiêu vũ, nhảy nhót cùng nhau cũng dẫn đến chuyện tiếp xúc ở khoảng cách gần.
"Nếu chỉ một người trong đám cưới bị nhiễm bệnh, họ có thể truyền bệnh cho hàng chục, hàng trăm người khác ở đám cưới lẫn ở nhà. Sự kiện siêu lây lan ra đời từ đó", nữ chuyên gia đánh giá.
Cách tốt nhất là hoãn cưới
Dù bác sĩ, chuyên gia y tế cảnh báo người dân không nên tham dự đám cưới trong thời kỳ đại dịch, việc từ chối lời mời từ người thân hay bạn bè thân thiết là điều khó xử với đa số.
“Nếu tôi có một người anh kết hôn, tôi sẽ rất muốn đến dự. Chúng ta đều muốn trở thành một phần của những sự kiện kiểu vậy", Shobha Swaminathan, phó giáo sư tại trường Y khoa Rutgers New Jersey (Mỹ) nói.
Trước khi nhận lời đến dự đám cưới, các chuyên gia khuyên mọi người nên hỏi trước người chủ trì về các biện pháp an toàn, số lượng người tham dự dự kiến, có yêu cầu đeo khẩu trang không hay bàn ăn có được đặt cách xa nhau.
Ngoài ra, cần lưu ý đến tiền sử bệnh lý của bản thân. Bản thân cô dâu chú rể cũng phải cân nhắc đến mức độ rủi ro của đám cưới trước khi tổ chức và chuẩn bị sẵn phương án tuân theo nguyên tắc phòng dịch.
Ngày 20/12/2020, đám cưới của Tengku Muhammed Hafiz Tengku Adnan và Oceane Cyril Alagia diễn ra tại Putrajaya (Malaysia) trong sự chúc mừng của khoảng 10.000 quan khách.
Không có bàn tiệc. Hai nhân vật chính đứng trên một sân khấu được dựng ngay trước hôn trường và vẫy chào khi quan khách lái xe chạy qua sân khấu, gửi lời chúc mừng đôi trẻ mà không cần kéo cửa xe xuống.
Sau đó, mỗi xe nhận một túi đồ ăn ở lối ra và đi về. Không một sự tiếp xúc ở khoảng cách gần nào diễn ra.
Trong mùa dịch, nhiều cô dâu chú rể cũng chấp nhận làm đám cưới từ xa, mời người thân, bạn bè “đến chung vui” qua livestream, video call. Nhưng cách vẫn được ủng hộ nhiều nhất là hoãn đám cưới và chờ đến thời điểm thích hợp để tổ chức.
“Bạn cần phải có trách nhiệm xã hội với cộng đồng, bao gồm cả những người thân trong gia đình bạn", Goff nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dam-cuoi-de-tro-thanh-o-benh-sieu-lay-nhiem-post1179699.html