Một tập tục cổ xưa của Trung Quốc gọi là đám cưới ma đã tồn tại hàng thế kỷ. Không giống như truyền thống hôn nhân thông thường, đám cưới kiểu này yêu cầu ít nhất một trong hai bên đã chết.
Không rõ chính xác tập tục này bắt nguồn từ đâu. Có người tin rằng nó có từ 3.000 năm trước, trong khi nguồn khác nói rằng nó có từ thế kỷ 17 trước Công nguyên.
Tại sao những cuộc hôn nhân với ma này diễn ra? Lý do khá đa dạng. Với phụ nữ đã đính hôn và vị hôn phu của họ chẳng may qua đời, đám cưới được tổ chức để cô dâu chuyển đến sống cùng gia đình chồng
Nhà nào có con gái chửa hoang sẽ bị coi là điều đáng xấu hổ nên cần có một đám cưới ma để hợp thức hóa
Một lý do khác khiến đám cưới kiểu này diễn ra là để đảm bảo rằng em trai sẽ không kết hôn trước anh trai.
Về nghi thức, người chết được tượng trưng bằng hình nộm bằng tre, giấy hoặc vải, khoác bên ngoài trang phục cưới truyền thống. Trong trường hợp hai người đã chết, cả hai sẽ được đại diện bằng bài vị và thi thể của họ sau đó sẽ được chôn cùng nhau
Ông Huang Jingchun, Trưởng khoa tiếng Trung tại Đại học Thượng Hải, cho biết: “Người ta tin rằng người chết tiếp tục cuộc sống của họ ở thế giới bên kia. Vì vậy, nếu ai đó chưa kết hôn khi còn sống, họ vẫn cần phải kết hôn sau khi chết”.
Đây là một ví dụ về lời cầu nguyện được nói trong đám cưới ma: “Anh chết trẻ, chưa từng kết hôn nên cũng sợ cô đơn. Không ngờ gia đình họ lại có một cô con gái vừa ra đi. Chúng tôi đã chọn ngày tốt lành này để cử hành nghi thức kết hợp đôi bên”.
Theo ông Ping Yao, giáo sư lịch sử tại Đại học bang California, những cuộc hôn nhân này được tổ chức vì “nghĩa vụ của cha mẹ đối với đứa con đã mất, phản ánh các giá trị Nho giáo trong gia đình”.
Tập tục cưới ma trong thời phong kiến đã bị cấm và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cấm một lần nữa vào năm 1949.
Tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại bất hợp pháp ở một số vùng nông thôn Trung Quốc và thực sự được một số cộng đồng chấp nhận.
Tìm một cô dâu ma phù hợp đặc biệt khó khăn vì đàn ông ở Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ. Nhất là đối với vùng nông thôn, việc đó càng khó vì những nơi đó, phụ nữ xa quê để đi học, làm việc và bắt đầu cuộc sống mới ở thành phố.
Vì thế, ở những nơi như tỉnh Sơn Tây và Thiểm Tây, nơi chủ yếu sống nhờ khai thác than và khan hiếm phụ nữ, thi thể phụ nữ trở thành món hàng bị săn lùng.
Đến nỗi khi một phụ nữ trẻ qua đời, nhiều gia đình có con trai đã chết đổ xô đi đấu giá xác.
Được biết, khoảng 30 năm trước, một thi thể phụ nữ có giá khoảng 5.000 nhân dân tệ, nhưng giá tăng chóng mặt, dẫn đến các vụ cướp mộ và giết người.
Tờ South China Morning Post đưa tin rằng vào năm 2009, một người cha ở Thiểm Tây đã trả 33.000 nhân dân tệ (4.896 USD) cho những kẻ trộm mộ để tìm cô dâu cho đứa con trai đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi.
Vào năm 2013, 4 người đàn ông đã bị bắt vì đánh cắp 10 xác phụ nữ để bán ở "chợ đen" phục vụ đám cưới ma với tổng giá trị khoảng 30.800 USD.
Tháng 10-2014, 11 người bị bắt ở miền Đông Trung Quốc vì đào xác phụ nữ từ một ngôi làng ở tỉnh Sơn Đông.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Thượng Hải, giá trả cho một tử thi nữ vào thời đó sẽ vào khoảng 30.000 đến 50.000 nhân dân tệ (khoảng 4.400-7.400 USD).
Vào năm 2016, một người đàn ông tên Ma Chonghua đã giết hai người phụ nữ và bán thi thể của họ với giá 40.000 nhân dân tệ (5.934 USD) mỗi người cho đám cưới ma.
Tập tục này ngoài phổ biến ở các vùng nông thôn phía Bắc và miền Trung Trung Quốc còn xuất hiện trong cộng đồng người Hoa ở Singapore và Đài Loan.