Đậm đà hương vị bánh ống quê nhà

Vài năm trở lại đây, góp mặt với các thức 'ăn vặt'… tân thời tại trung tâm TP. Sóc Trăng, có một loại bánh dân gian mang đậm bản sắc văn hóa địa phương đã 'tái xuất'. Dọc trên đường Trần Hưng Đạo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hùng Vương, Nguyễn Trung Trực… và ngay cả phố Hai Bà Trưng, cứ chiều chiều là có thể thấy những quầy hàng bánh ống trên xe hay bày bên vỉa hè.

Gọi là bánh ống vì nó có hình… ống, từ khuôn bằng tre già. Nhớ lại những ngày tôi còn bé, chị em tôi hay để dành tiền mẹ cho ăn sáng để cứ mỗi xế trưa vừa ngủ dậy là chạy ù qua cầu sang xóm chùa mua vài chiếc bánh ống thơm phức nóng hôi hổi.

Ăn bánh ống phải ăn nóng mới thưởng thức hết hương vị của nó.

Ăn bánh ống phải ăn nóng mới thưởng thức hết hương vị của nó.

Dù đã lâu không có dịp trở về thăm quê nhưng trong tâm tưởng tôi vẫn mãi nhớ cái “quầy hàng” bánh ống của bà cụ Khmer ngồi bán ở gần chùa Ông Bổn xóm tôi. “Quầy hàng” ấy chỉ là một cái gánh, một bên là chiếc thúng được xếp gọn nào là thau bột gạo xay mịn, lọ muối mè, tô dừa nạo sẵn trắng tinh như bông bưởi, keo đường cát trắng đặt cạnh xấp lá chuối đã lau sạch sẽ. Bên kia có chiếc nồi đất mà nắp nồi là một miếng gỗ tròn bên trên “mọc” 2 cái ống bằng tre đường kính cỡ lòng bàn tay trẻ em, dài khoảng một gang tay, ở giữa có cái que tre lú lên - có gắn vào cái đồng xu làm đáy khuôn. Bà cụ vốc một nắm bột gạo xay nhuyễn trong lòng bàn tay, mấy ngón bàn tay kia khéo léo khều cho bột lọt gọn vào lòng ống rồi đậy “nắp” ống bằng miếng thiếc có xoi lỗ vừa lọt chiếc que tre. Khói bếp bay tản mạn quanh cái gánh bánh của bà và hơi nước trong chiếc nồi đất bốc lên một mùi thơm nức mũi. Bánh chín, bà cụ kéo nhẹ chiếc que, cả chiếc bánh ra theo, đặt nằm hờ trên tấm lá chuối bà đang cầm sẵn. Chiếc bánh tròn dài, nằm nổi bật trên nền miếng lá chuối xanh tươi mởn. “Mổ” dọc bụng chiếc bánh, rắc thêm ít dừa nạo, đường cát trắng, chút muối mè đã chuẩn bị sẵn.

Nồi hấp bánh ống bây giờ đã có nhiều cải tiến. Thay cho chiếc nồi đất là chiếc xoong nhôm bắt nhiệt nhanh hơn. Nắp nồi bằng gang hay bằng nhôm dày có hàn nhiều khuôn bánh ống hơn và cũng bằng nhôm cuốn. Qua thời gian, chiếc bánh nhỏ xinh ngày xưa nay đã thay hình đổi dạng: có đường kính to gấp đôi, gấp ba lần. Ăn cũng ngon nhưng ngán vì chiếc bánh quá to và giảm đi nhiều so với mùi vị nguyên thủy vốn đằm thắm, mộc mạc khi được hấp bằng nồi đất, ống tre. Nhớ mỗi lần nghỉ hè, nghỉ tết về Sóc Trăng thăm quê, thi thoảng tôi mới lại có dịp thưởng thức hương vị của chiếc bánh ống quyến rũ ngày nào.

Có lần rủ đám bạn về chơi lễ Oóc om bóc, cả nhóm vây quanh “quầy” của một chị ngồi bán bánh sau phía khán đài xem đua ghe ngo. Vừa nhấm nháp chiếc bánh xốp như chiếc bánh bò bông tan dần trên đầu lưỡi, vừa nghe chị ấy kể: muốn chiếc bánh thơm ngon, vừa độ dẻo, vừa có độ xốp thì phải chọn đúng thứ gạo đặc sản Tài nguyên để làm bột. Ăn bánh ống phải ăn nóng mới thưởng thức hết hương vị của nó. Dừa nạo sợi cho vào chiếc bánh cũng phải chọn loại dừa rám vỏ, cơm còn mềm mà vẫn béo thanh chứ không ngậy và khô.

Ngắm chiếc bánh thuôn dài trắng xốp như bông bưởi nằm gọn trên miếng lá chuối xanh màu ngọc thạch, chưa cầm lên đã thoang thoảng mùi thơm của bột gạo. Nếu cho nhiều lá dứa, sẽ có chiếc bánh màu xanh ngọc bắt mắt và thơm hơn. Cắn một miếng, vị beo béo của dừa hòa trong vị ngọt không thể thiếu của đường cát trắng xen chút mằn mặn của muối mè từ từ thẩm thấu trong vòm miệng. Mùi thơm của nước dừa ngào ngạt, hương lá dứa bay thoang thoảng. Ăn một cái chưa đã, phải ăn thêm vài ba cái nữa mới thưởng thức được trọn vẹn hương vị hấp dẫn của món quà dân dã của bà con Khmer ở xứ Sóc Trăng mình.

TẠ VĂN

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dam-da-huong-vi-banh-ong-que-nha-46118.html