Đậm 'hơi thở' cuộc sống từ những vấn đề thực tiễn
Theo dõi phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước hôm qua, 1.6, cử tri và Nhân dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu, không chỉ thẳng thắn thảo luận, hiến kế những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, nhiều vấn đề cử tri đã và đang rất quan tâm, bức xúc ở cơ sở cũng được đại biểu đặt ra, làm cho nghị trường phiên họp đậm 'hơi thở' cuộc sống. Đồng thời, cử tri cũng cung cấp thêm những thông tin từ thực tế ở cơ sở và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Điển hình như với vấn đề dạy và học môn lịch sử hay những bất cập trong việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua.
Làm cho môn học lịch sử hấp dẫn hơn
Lịch sử là “gốc tích nước nhà”. Lịch sử làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn và tính cách của dân tộc. Quá khứ luôn là điểm tựa, là bệ phóng cho hiện tại. Bài học từ quá khứ sẽ là hành trang tinh thần cho thế hệ hôm nay bước đến tương lai. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử. Đây cũng chính là lý do dư luận thời gian qua xôn xao với đề xuất đưa lịch sử thành một học tự chọn. Thay vì đề xuất không hợp lòng dân đã bị bác bỏ đó, hầu hết ý kiến đều cho rằng, cần nghiên cứu để môn học quan trọng này thực sự hấp dẫn với học sinh.
Đem tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân vào nghị trường phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử sao cho hấp dẫn hơn đối với học sinh, chú trọng hơn việc dạy học sinh kỹ năng tìm hiểu, phân tích các thông tin về lịch sử thay cho phương pháp học còn khá nặng hiện nay là học sinh phải cố học thuộc để nhớ; biến những bài học lịch sử thành những câu chuyện sinh động dễ nhớ, nhớ lâu, khơi gợi và hình thành ở các em sự yêu thích môn học. Theo ĐBQH, giáo dục về lịch sử nói riêng và giáo dục nói chung còn là trách nhiệm toàn xã hội và mỗi gia đình, cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Đánh giá cao đề xuất tâm huyết của đại biểu, cử tri Nguyễn Vân Hậu (Lâm Đồng) cho rằng: Hiện nay, tư liệu, thông tin (kể cả hình ảnh, hiện vật thật và ảo...) cũng như trang thiết bị công nghệ dạy học rất hiện đại, phong phú, đầy đủ... Vấn đề đặt ra là giáo viên bộ môn cần đầu tư cho bài giảng sinh động và dễ nhớ hơn bằng kết hợp thuyết trình với trình chiếu; có thể khuyến khích cho học sinh, nhóm học sinh tự tìm hiểu trước bài học, tự thu thập thêm hình ảnh, tư liệu chính thống, xây dựng thành các bài thuyết trình ngắn, giáo viên chọn bài tiêu biểu để cho học sinh thuyết trình trước lớp, khối lớp...
Và để giáo viên thực sự tâm huyết, toàn tâm nâng cao chất lượng giảng dạy môn học lịch sử nói chung và các môn học trong chương trình học, chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên các cấp học cần sớm được quan tâm cải cách thực chất hơn nữa. Sớm khắc phục tình trạng giáo viên phải lo đi dạy thêm hoặc làm công việc khác để bảo đảm cuộc sống, nhất là tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành giáo dục như đã và đang xảy ra hiện nay - cử tri nhấn mạnh.
Ở góc nhìn trách nhiệm của gia đình, cử tri Nguyễn Thị Oanh (Đồng Nai) đem đến một ví dụ rất đáng để suy ngẫm: Gia đình tôi là một gia đình nông dân nhưng có nhiều đời mê và hiểu môn lịch sử Việt Nam. Lý do là bởi trong nhà luôn có nhiều người kể chuyện. Nếu một đứa trẻ tiếp cận những trang sách viết về lịch sử sẽ thấy khô khan, khó tạo hứng thú ngay. Nhưng nếu trước khi đọc, đứa trẻ đã được tiếp cận câu chuyện lịch sử đó bằng một giọng kể thì việc đọc sẽ hứng thú hơn rất nhiều. Đơn cử như trước khi đọc về khởi nghĩa Lam Sơn, con cháu chúng ta được nghe về cuộc tình của Nguyễn Phi Khanh, về con rắn trả thù, về diệu kế dùng mỡ viết lên lá cây... tôi tin rằng, nhiều bạn nhỏ sẽ phải đi tìm sách mà đọc.
Sớm rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai
Vấn đề không mới nhưng đã và đang gây nhiều bức xúc ở cơ sở hiện nay là những bất cập trong thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Tiếp tục mang tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường phiên thảo luận, ĐBQH nhấn mạnh: Những chiêu trò “quân xanh quân đỏ”, thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao… đã gây hệ lụy rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nên phải mạnh tay xử lý. Đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra hơn nữa hoạt động này; Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá quyền sử dụng đất có nhiều dư luận vừa qua xác minh điều tra làm rõ nhằm tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động này.
Tán thành với phản ánh và đề xuất của ĐBQH, cử tri Dương Thị Thanh Hiền (Quảng Nam) cung cấp thêm thông tin về một thực tiễn khá phổ biến ở cơ sở hiện nay: Quyền sử dụng đất đưa vào đấu giá tại địa phương chủ yếu thông qua việc giao đất và cho thuê đất, phần nhiều là các dự án đầu tư khai thác quỹ đất theo hình thức khu dân cư, khu đô thị do cơ quan nhà nước thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu đất ở, đất thương mại - dịch vụ theo tốc độ đô thị hóa. Nhu cầu có đất để xây dựng nhà ở khá cao, nhất là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, số người tiếp cận được và đủ điều kiện mua đất lại ít hơn nhiều, trong đó có nguyên nhân giá đất ở sau đấu giá đất quá cao, vượt xa khả năng của người dân, gây khó khăn, thậm chí bức xúc đối với người có nhu cầu thực sự về đất ở và là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng lợi dụng đấu giá đất trục lợi.
“Một trong những nguyên nhân do công tác thẩm định phương án tài chính dự án khai thác quỹ đất chưa chặt chẽ, việc định giá quyền sử dụng đất làm cơ sở đưa ra đấu giá mặc dù có quy trình, thủ tục đầy đủ nhưng vẫn bị chi phối, can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền đối với việc định giá” - cử tri nhấn mạnh.
Cử tri Phần Ngọc An (Hà Tĩnh) cũng khá thẳng thắn khi cho rằng: Công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở cơ sở hiện nay có tình trạng “móc ngoặc”, lợi ích nhóm. Cán bộ “móc ngoặc” chủ yếu là cán bộ địa chính. Khi giá đất bị thổi lên chủ yếu do “cò đất” giao dịch, dân thường không có tiền mà mua, “trót” tin lời cò mà mua thì cũng… khốn đốn. Do đó, giải pháp căn cơ là phải tăng cường thanh tra, giám sát trách nhiệm của chính cán bộ địa chính, thực hiện luân chuyển vị trí công tác. Cơ quan dân cử phải thường xuyên giám sát công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, đặc biệt là công tác quy hoạch.
Cử tri Ngô Quyền (Lào Cai) thì cho rằng: “Lỗ hổng” nằm ngay trong hệ thống pháp luật, từ quyền sở hữu đất đai đến các quy định trong Luật Đất đai. Đơn cử như việc Nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng cả những dự án phát triển kinh tế. Về chuyện thắng thầu bỏ cọc, chiêu trò “bẩn” ở đây là: Doanh nghiệp thổi giá đất để bán đất xung quanh, xong thì họ bỏ thầu, nộp tiền phạt... đúng luật! Lỗi ở chỗ là luật cho họ thời gian nộp tiền vào ngân sách sau khi thắng thầu quá dài nên có thời gian “thổi giá” và bỏ cọc… Vì vậy, phải rà soát lại hệ thống pháp luật về đất đai để sửa đổi bài bản, căn cơ, theo đúng nguyên tắc của thị trường.