Dám làm để thay đổi

Nghĩ thì dễ, nói cũng không khó, nhưng dám làm hay không và làm như thế nào mới là khó. Chỉ khi bắt tay vào thực hiện, triển khai bằng những hành động cụ thể thì những suy nghĩ, lời nói mới được kiểm chứng trong thực tế. Nếu không làm, không hành động thì tất cả những lời nói, ý nghĩ cũng chỉ là lý thuyết, không tạo ra được sự thay đổi trong cuộc sống. Chính vì vậy, dám làm thể hiện quyết tâm, dũng khí rất cao của người cán bộ, đảng viên.

Xuất phát từ thực tiễn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn đã xây dựng phần mềm ứng dụng quét mã QR, phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát, quản lý đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu. Ảnh: Bích Nguyên

Xuất phát từ thực tiễn, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn đã xây dựng phần mềm ứng dụng quét mã QR, phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát, quản lý đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu. Ảnh: Bích Nguyên

Đây cũng là một trong những yêu cầu mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương yêu cầu và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân khi thực hiện tinh thần “7 dám”.

Dám làm khác với có làm, dám làm khác với làm liều, làm một cách mù quáng, mang tính áp đặt định kiến, chủ ý cá nhân. Tinh thần dám làm đó là sự quyết đoán, mạnh dạn trong những thời điểm khó khăn, thách thức, cần phải có những quyết sách táo bạo, quan trọng của người đứng đầu.

Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có người đứng đầu, người chỉ huy đơn vị mới có thực hiện được tinh thần dám làm. Với mỗi người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, tùy theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ đảm nhiệm đều có thể thực hiện tinh thần dám làm cho phù hợp. Dám làm từ việc nhỏ, dám làm những việc lớn. Miễn sao, tinh thần đó là vì nhiệm vụ chung, lợi ích chung của tổ chức, cơ quan, đơn vị, của đất nước, dân tộc.

Nếu nhận thấy việc mình làm là đúng và nhất thiết phải làm để tạo ra sự thay đổi, để hoàn thành nhiệm vụ, thì bản thân mỗi người ai cũng có thể thực hiện theo tinh thần dám làm. Tấm gương của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc là một trong những ví dụ điển hình cho tinh thần táo bạo, đột phá, quyết đoán, dám làm vì đất nước. Dù trong thời điểm đó, việc thực hiện giao khoán ruộng đất cho người dân là trái với nghị quyết của Đảng. Nhưng điều mà ông làm lúc bấy giờ mang lại hiệu quả thực tiễn, nông dân hăng hái lao động, năng suất tăng cao, đời sống cũng vì thế mà được cải thiện tốt hơn. Nếu người cán bộ, đảng viên không có một tầm nhìn xa rộng, không có tinh thần trách nhiệm, không có bản lĩnh thì không thể có được một việc làm mang tính đột phá như thế.

Dám làm nhưng tất cả đều phải nằm trong những quy định của pháp luật, dám làm không đồng nghĩa với việc làm trước báo cáo sau, hoặc làm mà không báo cáo. Mỗi cán bộ, đảng viên đều sinh sống, làm việc trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị..., ở đó có tổ chức đảng, tổ chức chính quyền... Do đó, mỗi cá nhân đều chịu sự quản lý của tổ chức, chịu sự chi phối, ràng buộc của luật pháp. Không thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lạm quyền, làm bừa, làm ẩu, dẫn đến vi phạm pháp luật. Điều đó hoàn toàn trái ngược với tinh thần dám làm.

Nói đến tinh thần dám làm, đó là nói đến những thời điểm quan trọng, đặt ra nhiều thách thức. Ví dụ như đang trong tình huống chiến tranh, thiên tai, bão lũ; cơ quan, đơn vị đang trong tình trạng yếu kém, nhiều vi phạm kỷ luật, hay như những tình huống phát sinh đột xuất... Trong những tình huống đó, rất cần sự quyết đoán, hành động ngay tức thì của người chỉ huy, người đứng đầu đơn vị. Bởi, nếu không làm, hoặc quyết đoán chậm sẽ không thay đổi được thực tế, không làm biến chuyển được tình hình. Vì vậy, người đứng đầu cần có bản lĩnh vững vàng để đưa ra quyết định, dám làm để thay đổi.

Vậy, làm thế nào để tinh thần dám làm đi đúng hướng, không bị biến tướng thành lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ luật, vun vén cho lợi ích cá nhân. Trước hết, là tinh thần dám làm phải xuất phát từ động cơ trong sáng. Nhìn từ bài học lịch sử: Đại tướng Võ Nguyên Giáp dám làm việc quyết định hoãn thời gian nổ súng, kéo pháo ra chuẩn bị lại trận địa cũng là để có thể giành được thắng lợi mà hạn chế được thấp nhất thương vong bộ đội. Hay như câu chuyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông còn làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định “xé rào” lập tổ công tác về miền Tây mua gạo cứu đói cho 4 triệu dân thành phố Hồ Chí Minh, điều đó cũng là xuất phát từ tấm lòng yêu thương nhân dân, không nỡ để nhân dân bị đói.

Ngược lại, nhìn lại một số vụ án tham nhũng trong thời gian gần đây, nhiều cán bộ có chức, có quyền đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn, làm liều, làm sai dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, nếu đi chệch khỏi đường ray của đạo đức, không xuất phát từ động cơ trong sáng, thì tinh thần dám làm sẽ không còn tác dụng, ngược lại còn gây nên những tổn hại nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị và đất nước.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, BĐBP Quảng Nam luôn đồng hành cùng đồng bào dân tộc trên địa bàn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Bích Nguyên

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, BĐBP Quảng Nam luôn đồng hành cùng đồng bào dân tộc trên địa bàn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Bích Nguyên

Cùng với đó, khi thực hiện tinh thần dám làm, cần báo cáo và xin ý kiến kịp thời. Có thể vừa làm, vừa báo cáo, vừa xin ý kiến của cấp trên, để đảm bảo việc làm của mình được triển khai kịp thời, đúng hướng, nếu có sai sót thì cũng nhận được chỉ đạo, góp ý của cấp trên. Vì vậy, việc dám làm sẽ liên tục được điều chỉnh cho phù hợp. Và như vậy sẽ không có tình trạng mất phương hướng trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, hiện nay, cũng đang diễn ra ở một số đông cán bộ, đảng viên đó là tình trạng e ngại, né tránh, không dám làm. Một số nơi còn có tình trạng trì trệ, nghe ngóng tình hình, chờ chỉ thị cấp trên, chờ hướng dẫn của các cấp mới làm, mới triển khai. Vì thế, tinh thần dám làm cần được quán triệt và triển khai cấp thiết hơn lúc nào hết. Nhưng cũng xin lưu ý, dám làm không phải là làm theo lối mòn, theo tư duy cũ, mà đòi hòi cao hơn, đó là tinh thần sáng tạo, đổi mới trong cách làm, cách thức triển khai công việc.

Tất nhiên, trong công việc không ai có thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Tinh thần dám làm không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng mà luôn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, rào cản. Thậm chí, những người tiên phong dám làm còn bị mọi người hiểu nhầm, cơ quan, tổ chức phê bình, khiển trách, nhất là khi tinh thần dám làm chưa mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Có những vấn đề mà chỉ qua thực tiễn lâu dài kiểm nghiệm, mới có thể chứng minh nó là đúng. Nhưng xin được nhắc lại, tinh thần dám làm vì tập thể, vì nhân dân sẽ luôn được ghi nhận, thực tiễn sẽ luôn là câu trả lời công bằng, khách quan và chân thực nhất cho những người có tinh thần dám làm vì đất nước.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dam-lam-de-thay-doi-post464563.html