Đầm lầy thị phi

Đầm lầy là chỗ trũng nhất để mọi nguồn chảy trong rừng nguyên sinh dồn tụ lại. Nơi đó muôn loài túm tụm, hào hứng hoặc nghiến răng xuất hiện cho những mục đích khác nhau trong sinh tồn.

Đầy phú dưỡng, sinh động ngọt ngào và đầy những gì dơ dáy nhất, man rợ nhất. Nhưng thuở đó xưa rồi. Tới kỷ nguyên này, với loài người, xuất hiện một loại đầm lầy khác, khác với thực thể sinh khối ở trong rừng già kia. Em à, không chừng cái đầm lầy đây còn “đầm lầy” hơn thực thể cũ xưa kia.

Từ khi có cái mạng xã hội, cứ như phơi bày ra một đặc tính chung trong “máu” ẩn nhiều ngàn năm chờ đủ cơ thời để phát tiết, bung rõ ra. Hở là lôi nhau lên mạng. Hóng chuyện và “tám chuyện”, mà không chỉ “tám”, sẵn sàng ném “củi”, đổ “xăng”, bắn “tên” vào. Đời sống vắng chuyện, lắng chuyện thì ngồi một chỗ “xuất xưởng” ra “trend”, “drama” để gây chú ý, bêu riếu, chỉ trích, làm xấu ai đó. Cả dựng chuyện, vạch trần, lột mặt, làm tình làm tội, xả ân oán, giận hờn, chợ búa, cay cú, hồ đồ, khiêu khích, vu khống, quy kết, hạ nhục, đấu tố, tẩy chay, “xử”, triệt đường. Tất cả những biểu lộ trạng thái, xúc cảm, hành vi đó gọi dân dã dễ hiểu là... chửi, hoặc có chung “họ hàng” của chửi.

Danh lợi

Hằng ngày chửi nhau. Nhảy lên mạng để chửi nhau. Mặc veston, đeo cravat vào để (lên sóng) chửi. Tô son điểm phấn trước khi chửi. Vừa ăn vừa chửi. Vừa uống vừa chửi. Mặc quần short mà chửi. Ngồi bên vỉa hè chửi. Ngồi trong văn phòng chửi. Nằm gối đầu trên giường đệm mà chửi. Vừa nhậu bia bọt, lẫn vừa bán hàng vừa chửi. Vừa rửa chén bát trong xó bếp vừa chửi. Cởi trần chửi. Vừa dạy dỗ con cái vừa chửi. Vừa lái xe hơi vừa chửi. Vừa đi du lịch vừa “tranh thủ” chửi. Cạo đầu xuất gia rồi vẫn chửi.

Chửi từ làng ra phố.

Chửi nhau từ đồng bằng lên núi, từ ruộng đến rẫy, từ chợ búa vào công sở, từ thủ đô xuyên qua cố đô mà đến miền châu thổ.

Chửi từ đầu lãnh thổ xuống cuối lãnh thổ, hoặc ngược lại.

Chửi từ quốc nội ra hải ngoại. Chửi từ hải ngoại về quốc nội.

Chửi là một “sinh hoạt cộng đồng”. Như một “lối sống mới”, phương cách, thủ thuật, lựa chọn, chiến lược, và... số phận. Em quán chiếu được thời đại này các phương tiện truyền thông số là một phần của sự sống rồi mà. Thì tất nhiên thiên hạ phải hẳn quần thảo nhau bằng miệng, ân ái nhau bằng bàn phím. Chửi trực tiếp và chửi gián tiếp, chửi bằng “sản xuất chương trình”, câu chuyện, dòng trạng thái, hình ảnh, “sáng tạo”.

Các nhà cung ứng dịch vụ mạng, Facebook, YouTube, TikTok... gộp chung mọi sản phẩm kia là “sáng tạo nội dung” mà. Trong khi những “nhà sáng tạo nội dung chửi” thì biết cách tìm mánh lới “lách” những quy định về chuẩn mực cộng đồng bằng cách đổi âm, giọng, điệu, biến ép từ vựng, cố viết sai hoặc thiếu âm tiết, thiếu chữ (cho dù có phải tạo ra thứ phát âm hoặc từ ngữ sai bậy, phá đi văn hóa ngôn ngữ) để vidéo, clip hoặc status của mình công phát được. Bốc nhất là chửi bằng “livestream”, truyền trực tiếp.

Mạng xã hội từng lan truyền một bức hình chụp cảnh gia đình có 13 đứa cháu về mừng thọ ông 80 tuổi, nhưng cả 13 cháu đều cúi mặt bấm điện thoại. Ảnh: P.T.N

Mạng xã hội từng lan truyền một bức hình chụp cảnh gia đình có 13 đứa cháu về mừng thọ ông 80 tuổi, nhưng cả 13 cháu đều cúi mặt bấm điện thoại. Ảnh: P.T.N

Cái thế kỷ ra đời “nghề chửi nhau chuyên nghiệp”. Thường nhân cũng chửi mà đây đó trí thức nô tì, nửa mùa hoặc bình dân cũng chửi. Nhiều người không nghề nghiệp, thất nghiệp, rỗi nghề, và cả đương tuổi lao động lẫn về hưu hàng ngày cũng chồm miệng lên mạng, lập tràn lan kênh YouTube, TikTok thật giả để kiếm tiền, quấy nhiễu hoặc để thực hiện vô vàn những mục đích khác. Nghĩa là “truyền thông” và “tri thức” dơ, dỏm, giả tung hoành náo loạn cái thế giới ta bà ảo này hơn cả cõi ta bà ngoài đời kia.

“Chiến” môi miệng, bàn tay và… ngón tay

Đầm lầy đẻ ra bao nhiêu là loại từ ngữ khác mà tự điển không có, vô cùng mới lạ và quái dị. Thế mới thỏa mãn cho không gian chửi quá mênh mông, “bạt ngàn”. Cứ thế săm soi, rình rập, tọc mạch, tủn mủn, cấu cào, mổ xẻ, phanh phui, banh nóc, banh chành. Lập bè, lập cánh, lập nhóm, lập phe, bầy để chửi nhau.

Tợ như những bầy dã thú đi bằng hai chân và nói được tiếng người.

“Liên minh” của miệng.

Đủ hình thái chửi. Chửi vặt, chửi dạo, chửi rong, chửi theo kế hoạch, chửi chiến lược... “Chửi” vì nghĩa lớn và chửi vì bản năng phàm phu, cùng mục tiêu giải trí. Chửi vào cuối tuần và chửi đều đặn hàng ngày. Chửi từ sáng sớm cho đến khuya, và cả thức xuyên đêm để “tấu”. Chửi như thể không chửi thì không thể sống được. Chửi như sống giữa đời nhưng không còn kiểm soát được cảm xúc lẫn hành vi. Chửi như... “thở”. Chửi từ sự bất hạnh lẫn nụ cười. Chửi giàu sang đến chửi đói nghèo, từ sự phải đạo lẫn vô đạo.

Loài nhiều nanh, và nanh nhiều chức năng nhất là loài người. Chửi để trút hồn và chửi để thương đời. Cứ lòng vòng như thế, quẩn quanh như thế.

Anh không còn thấy những phẩm chất thuần hậu, tinh tế, từ tốn, mộc mạc, khiêm cung của tiền nhân. Người Việt giờ cứ luôn muốn sát thương nhau. Dấu răng người in cả trong cái thế giới ảo kia.

Sức “quyến rũ” của thị phi

Một thế giới hoang dã mới mà con người mông muội mới đã nhầm lẫn nó là “thời buổi hiện đại”, “hiểu biết”. Nhìn ánh mắt cùng nét mặt những người ngày nào, giờ nào cũng lồm chồm trên mạng để chửi hẳn em nhận ra thần sắc, phẩm khí âm u nhưng ảo tưởng, hung tợn chung ở họ. Người hiền lương chánh trực họ nói, bày tỏ hiểu biết, thái độ, hay phản đối một chuyện gì cũng đều bằng trò chuyện, diễn trình, chứng minh, thuyết phục chứ không “chửi”. Hình như cái cộng đồng này có khi nghĩ rằng: chửi mới “giải quyết” được vấn đề!

Quy luật nhân gian xa xưa đã chỉ ra rằng, người thường soi mói “chửi” người chỉ thấy người khác mà không thấy mình.

“Đầm lầy” là “Trời” cho, của chung.

Anh không còn thấy những phẩm chất thuần hậu, tinh tế, từ tốn, mộc mạc, khiêm cung của tiền nhân. Người Việt giờ cứ luôn muốn sát thương nhau. Dấu răng người in cả trong cái thế giới ảo kia.

Họ chửi nhau, trong tính toán ranh mãnh đủ để làm tưng bừng, xao động cả cộng đồng nhưng vẫn “lách, lọt” khe để chưa chạm đến giới hạn cuối cùng của pháp luật khiến phải bị xử lý thành tội phạm. Nhưng đủ để làm đau điếng, chới với, điên đảo đối phương. Chửi thiên hạ, chuyện lơn tơn, ta bà, chuyện nhiễu nhương, riêng riêng, chung chung. Như những bầy kền kền đang ngồi rình rập chờ đồng loại bị tai tiếng, để sẽ lao vào, luận, bình, nhai lại, hạ nhục, trút giận, phỉ báng, nguyền rủa. “Chưa chết”, vẫn có thể làm cho thối rữa...

Cứ thế, hóa đầm lầy. “Chửi” trên mạng, một thứ sinh hoạt/công việc mà những động vật khác chúng không cần phải sống mọi rợ như thế.

Chúng ta từ đây phải cân não, cố mà tự “đãi” cho ra sự thật ở cái đầm lầy mới.

Tá túc “sự vui”

Nhu cầu “nhiều chuyện” lan truyền, đẩy trôi con người. Chửi và nghe - xem - đọc rung lắc mọi chiếc điện thoại trên tay, máy tính trên bàn, ti vi trên tường. Vừa uống vừa nghe chửi, vừa ăn vừa nghe chửi, vừa ngủ vừa nghe chửi. Thiếp đi vào giấc ngủ bằng ... thị phi, chửi. Và đón bình minh cũng từ thị phi. Công chức trộm thời gian của nhà nước để tranh thủ lướt ngón tay vào điện thoại nghe thiên hạ “buôn chuyện”. Thợ thuyền, nông dân lúc giải lao nghỉ mệt để... nghe chửi. Giờ ai cũng có chiếc điện thoại, và chỉ cần chiếc điện thoại thì đã có thể xem - nghe cả “thế giới chửi” rồi. Bá tánh bỗng ưa xem chửi hơn xem phim điện ảnh kinh điển đoạt giải Oscar hay Cannes được làm công phu, trách nhiệm tri thức và văn hóa rõ ràng.

Những “vở đời” bi hài dị hợm cứ kích thích đám đông và dẫn dắt thiên hạ lao vào xem với chiếc điện thoại đa chức năng trên tay.

Giải trí hạ cấp. Giải trí đáng thương. Giải trí quá xót.

Những vết thương tập thể.

Tính “hoang dã” đã trở lại, kiểu hoang dã mới, xấu xí, mông muội, mọi rợ hơn. Đầm lầy thị phi - không có khái niệm nào tuyệt hơn để khả dĩ thay thế. “Dùng” công nghệ nhân tạo để hình thành nên một thế giới hoang dã mới đầy kinh hãi và man rợ, với sự kinh hãi và tính man rợ hơn triệu tỷ lần thuở hồng hoang tự nhiên. Bởi nó không còn quy luật, trật tự và quyền năng đạo đức, cũng như chẳng có điều gì thiêng liêng nữa. Ăn xổi, sống xổi, yêu xổi, tiền xổi, địa vị xổi, kết hôn xổi, chiến hữu xổi, thành đạt xổi, nổi tiếng xổi, đồng minh xổi... Thông tin độc hại đi nhanh đến từng giây và lan tức khắc khắp nơi - tác dụng ngay, xộc thẳng vào chiếc điện thoại trên tay/tâm trí của mỗi người. Nó tàn sát loài người, hủy diệt nhân tính, sinh thái văn hóa, không gian sinh tồn của con người.

Chưa ai “đo”, lượng hóa, tính sổ hậu quả của nó, nhưng cảm giác lung lay mọi thứ giá trị nền tảng thì đã quá rõ. Cộng đồng bị kéo vào theo sóng gió đó, mất hết an nhiên, tự tại, điềm tĩnh, lắng đọng, khiêm cung, thuần lành, thực thà, nhuận hòa và năng lực sống coi nhẹ vật chất, hư vinh mà trọng danh dự và đức hạnh. Người ta không còn dùng phương thức ngồi lại, trao đổi, chuyện trò, ý kiến, luận bàn tử tế mạch lạc để nói về một nội dung mà dùng cách la ó, tấn công, quy kết, chụp mũ, hù dọa. Chắc như thế mới “đã”, mới thỏa, “giải quyết” nhanh. Cho thỏa sự thô lỗ và thỏa cái bản năng “thú” luôn dư âm trong cơ thể sinh vật Người.

Truyền thông bá dơ, truyền thông bá tạp đang khỏe và... “quyền năng” như mãnh thú. Văn hóa truyền thông sự thật và học thuật đang bị trúng thương, phỉ nhổ, hoặc phỉ báng. “Sinh hoạt chửi” trong cộng đồng, biểu hiện rõ ra của sự suy thoái văn hóa, thế giới tinh thần của xã hội.

Trên mặt đất này, là con người, ai cũng phải có quyền được phát ngôn, luận bàn mọi sự, cũng như “sáng tạo ra nội dung giải trí phẩm”, nhưng lạy người, rằng phải chịu trách nhiệm về văn hóa, sự thật, đạo đức cộng đồng, nghĩa là nhân tính.

Đi trên đường nhưng hồn trên mạng. Ảnh: Tư Dung

Đi trên đường nhưng hồn trên mạng. Ảnh: Tư Dung

Chiếc gương

Trên cõi mạng, giới tinh hoa, đàng hoàng và đạo đức bị đẩy lùi về phía sâu, bởi họ không thể sống hỗn láo, trơ tráo, vô lễ với nhân quần và hung tàn như muôn trùng những đàn kền kền bay khắp trên mạng như thế được. Họ chỉ xuất hiện, nói, viết, quay phim, chụp ảnh khi cần phải, và có nơi có chỗ nghiêm túc. Và bởi xứ sở này hình như đang quá ít lớp người tinh hoa, còn trọng tài văn hóa thì không có, hoặc không đủ, hoặc không thể phổ độ trên cõi mạng đó. Mà cuộc đời này giờ đây, sức mạnh và lý lẽ nằm ở “chỗ” hổ lốn, đông, nhanh, mạnh, không nghiêm túc. Chiếc “phanh” thần nào mà đủ sức để “thắng lại” sự nhiễu nhương trên cõi mạng, cái cõi mênh mông đó.

*

À, mà cũng nhờ internet khiến toàn bộ “chân dung” trong ngoài của loài người giờ hiện rõ, vỡ òa. Cái hình thù ấy. Cái cấu trúc ấy. Cái khối tâm ấy. Rõ ra bản chất tham, sân, si; hiền, dữ, tốt, xấu; thiện, bất thiện; đàng hoàng, dối gian, chánh, tà. Tham - sân - si là xấu xí, nhưng con người thì không sợ xấu xí. Bởi nếu đó là lợi ích, là sinh tồn. Rằng giữa sạch và dơ, giữa “tính người” và “không phải tính người”. Nhưng lạ là con người thích xem biết cái “dơ” hơn cái “sạch”; cái ồn ào, tai ương, tàn khốc hơn cái êm đềm, thanh thiện, chơn chánh.

Chân - ái - thiện - mỹ khó mà kỳ vọng nơi cái đầm lầy đắm say cầu lợi, hư vinh và đầy “trình diễn” này. Đây là một thế giới mà tắt điện thoại, gấp máy tính là “khép”- nhưng thời nay mấy ai tắt điện thoại, máy tính, và quên được những gì vừa dội ra từ trong đó. Nên nó là một thế giới tàn khốc nhất, giữa tốt và xấu, xây dựng và hủy diệt.

Dù có khiếp hãi thì cũng là một bức tranh đời, về cõi người, thế gian. Thời buổi mà người làm việc ô uế cũng ngửa mặt đi trên đường.

“Nghiệp” tập thể.

Công nghệ số là thành tựu độc đáo, tuyệt vời của loài người, rằng là sử dụng nó ra sao, cho việc gì, có tăng trưởng được nhân tính hơn trước. Bởi, có một điều chắc chắn và phổ quát rằng, giá trị của một cộng đồng thanh cao, vĩ đại không bao giờ xây dựng trên chửi rủa, loạn chuẩn, đe dọa, hay cảm tính, mà bằng trí, chánh kiến, thiện tri thức, trung thực, sự tử tế và đức hạnh nguyên khối.

Tầng dưới của bộ mặt đầm lầy là âm ỉ những rạn vỡ cốt cách của một xứ sở, một nền văn minh, và nội lực tâm hồn của cộng đồng lâu đời. Nó quất vào cốt cách xứ sở, nền văn minh, thế giới tinh thần kia vô vàn những nhát roi. Rồi em sẽ mang nỗi niềm về nền văn hóa của một xứ sở tươi đẹp tinh tế lâu đời bị khô gầy, thui chột, bị “đầm lầy” kia đánh bạt, hất sang bên lề, “biến mất”, bật khỏi tâm trí người đời, không còn là mạch thường nhật chính yếu của đời sống tinh thần người đời.

Đề cập một lần duy nhất về cái đầm lầy nhiễu nhương đương thời này vậy, em nhé. Là đàn ông, sau tuổi hai mươi bảy, nói chuyện gì, chỉ cần một lần. Vì nó đang là “sinh thái” thế giới chúng ta đang chung sống.

Em, cũng như không một ai có thể “thoát” được mạng xã hội, kênh xã hội đâu. Cực “đầm lầy” của nó dìm chúng ta vào đó, nhưng cực “tốt đẹp” của nó sẽ cho ta chút hy vọng “bay lên”. Em sẽ phải vẫy vùng trong đó để thoát vòng trói, những “rừng người sân si như lau sậy âm u nhiều độc tố”, mà hướng thiện, chọn những gì tử tế tinh hoa, thuần khiết; tự nhắc lòng chớ tham lam và chớ xao động. Mà để được thế, em sẽ bị trúng thương nhiều, thua thiệt - phải là người đặc biệt, phi thường.

Em ơi đừng khóc/ Em ơi đừng khóc, bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi (ca từ của nhạc sĩ trẻ Tăng Duy Tân).

Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dam-lay-thi-phi-48904.html