Đam mê chậu cổ Nam Bộ

Xuất phát từ niềm đam mê cây cảnh, cách đây 3 năm, anh Nguyễn Đình Luân, Hội phó Hội quán cây cảnh thiên nhiên phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước bén duyên với đồ cổ Nam Bộ. Ban đầu, anh chỉ đơn giản là tìm mua những chậu, đôn để làm tăng thêm giá trị, vẻ đẹp của những cây cảnh trong vườn nhà. Tuy nhiên, càng tiếp xúc, tìm hiểu anh Luân càng yêu điều giản dị, xưa cũ từ những chiếc chậu, đôn của vùng đất phương Nam.

Từ thích đến đam mê

Ngay từ khi còn là học sinh, anh Nguyễn Đình Luân đã đam mê vẻ đẹp dịu dàng của hoa lan, vẻ cổ kính của bonsai. Từ tình yêu cây cảnh, anh đã biết đến những chiếc chậu, đôn cổ Nam Bộ, để rồi “yêu say đắm” lúc nào không biết. “Cách đây 3 năm, tôi được một người anh giới thiệu về những chậu, đôn cổ Nam Bộ. Sau đó, tôi bắt đầu tìm kiếm khắp nơi để sưu tầm. Tôi mua về không trồng cây mà vệ sinh cho sạch đẹp, trưng bày để ngắm” - anh Luân chia sẻ.

“Có những lần vô tình biết đến món đồ mà mình thích, thế là tôi tức tốc chạy xe đến tận nơi dù ở rất xa. Bởi, gặp được là duyên. Chơi đồ cổ là thế, có duyên thì tự nó tìm đến mình, còn không thì dù có nhiều tiền cũng không mua được” - anh Luân bộc bạch.

Mỗi khi có dịp nói đến bộ sưu tập đồ cổ của mình, nét mặt anh Nguyễn Đình Luân luôn ánh lên niềm vui, hạnh phúc

Mỗi khi có dịp nói đến bộ sưu tập đồ cổ của mình, nét mặt anh Nguyễn Đình Luân luôn ánh lên niềm vui, hạnh phúc

Từ niềm đam mê và nhờ “duyên” mà đến nay, sau 3 năm, anh Luân đã sở hữu bộ sưu tập chậu, đôn gốm sứ cổ Nam Bộ với hơn 100 hiện vật. Trong đó, những kiểu chậu xưa phần nhiều là kiểu chậu rồng, chậu múa lân, đều có giá trị thời gian. Anh Luân cho biết: “Đa số hiện vật sưu tầm là đồ trước giải phóng. Tôi có được chủ yếu nhờ giao lưu với anh em ở xa, chứ trong tỉnh rất ít, hầu như không có. Rất may, vợ tôi cũng có cùng sở thích đã giúp tôi thêm đam mê và gắn bó với đồ cổ”.

Với anh Luân, chơi đồ cổ không nhất thiết phải có nhiều tiền mà quan trọng là đam mê theo đuổi. Sau 1 ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, với anh khi ngồi ngắm nhìn cổ vật trong nhà thấy lòng an yên, thư thái hơn.

Ngoài trưng bày, anh Nguyễn Đình Luân còn ghi lại những khoảnh khắc đẹp của từng kiểu chậu, đôn để giới thiệu đến mọi người

Ngoài trưng bày, anh Nguyễn Đình Luân còn ghi lại những khoảnh khắc đẹp của từng kiểu chậu, đôn để giới thiệu đến mọi người

Hiểu thêm về cội nguồn

Gốm Nam Bộ có sức hấp dẫn bởi nước men láng đẹp, kỹ thuật thủ công, hiện rõ vẻ hoa mỹ, bay bổng của những nét bút tài tình, điêu luyện mà qua năm tháng vẻ đẹp ấy càng hút hồn người thưởng thức bởi sự phong hóa, rạn men. Anh Luân cho biết: “Các họa tiết, hoa văn trên những chậu, đôn đều do các nghệ nhân xưa làm thủ công nên không cái nào giống cái nào. Tất cả đều có giới hạn, không phải đại trà nên cũng hiếm. Vì vậy, tôi càng đam mê sưu tầm hơn”.

Từ 2 niềm đam mê lớn (cây cảnh và đồ cổ), anh Nguyễn Đình Luân đã cho ra những sản phẩm góp phần làm đẹp thiên nhiên

Từ 2 niềm đam mê lớn (cây cảnh và đồ cổ), anh Nguyễn Đình Luân đã cho ra những sản phẩm góp phần làm đẹp thiên nhiên

Chỉ vào bộ sưu tầm những chiếc chậu rồng trưng bày trước nhà, anh Luân chia sẻ: Mấy chậu rồng này cũng có nhiều truyền thuyết và khi sưu tầm chúng tôi mới biết, hiểu thêm nhiều hơn. Tôi sưu tầm được mấy bộ chậu rồng tái hiện hình ảnh múa lân của ngày tết xưa rất độc đáo. Mỗi chậu có cách thể hiện khác nhau. Khi ngắm chúng, tôi luôn có cảm giác bồi hồi, như được sống lại không khí của tết cổ truyền ngày xưa.

Điều quý giá nhất với người chơi đồ cổ chính là niềm vui được khám phá những đặc trưng về văn hóa của các thời kỳ lịch sử, chứ không phải là giá trị tài sản từ những món đồ đó. Tôi cho rằng, đây cũng là cách chúng tôi góp phần lưu giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Anh NGUYỄN ĐÌNH LUÂN
Hội phó Hội quán cây cảnh thiên nhiên phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long

Hiện nay, bộ sưu tập chậu, đôn cổ Nam Bộ của anh Luân được trưng bày trước nhà để mọi người yêu thích có thể thuận tiện ghé thăm và thưởng thức vẻ đẹp, nét độc đáo cùng những câu chuyện cổ xưa. Ngoài những người có chung niềm đam mê đồ cổ như anh Luân, thành viên Hội quán cây cảnh thiên nhiên phường Phú Thịnh cũng như người dân xung quanh đã tìm đến để khám phá.

Ngày càng thêm nhiều người có cùng niềm đam mê đồ cổ Nam Bộ từ sự chia sẻ của anh Nguyễn Đình Luân

Ngày càng thêm nhiều người có cùng niềm đam mê đồ cổ Nam Bộ từ sự chia sẻ của anh Nguyễn Đình Luân

Ông Đào Lê Xuân Thái, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thịnh cho biết: Biết đến bộ sưu tập đồ cổ của anh Luân, tôi và người dân ở đây rất ấn tượng. Ngoài trưng bày ở nhà thì vào một số dịp, anh Luân cũng đem bộ sưu tập trưng bày tại các sự kiện của địa phương nên mọi người có nhiều cơ hội biết đến. Qua lời chia sẻ nhiệt tình của anh Luân, mọi người có thêm hiểu biết về thú chơi tao nhã này nên ngày càng có nhiều người đam mê.

Hiện nay, những người sưu tầm đồ cổ Nam Bộ như anh Luân còn rất ít. Hy vọng, từ thú chơi tao nhã của anh Luân sẽ ngày càng có nhiều người cùng sưu tầm, chia sẻ đam mê chậu, đôn Nam Bộ cổ để những giá trị truyền thống tốt đẹp, tinh hoa văn hóa cha ông để lại trong lao động, sản xuất sẽ được lưu truyền, gìn giữ mãi về sau.

Sau 1 ngày làm việc mệt nhọc, ngồi uống ly trà, ngắm những chậu hoa, chậu cổ và kể câu chuyện về những đồ vật này giúp tinh thần thêm thư thái. Một cảm giác như được phiêu du trong thiên nhiên và đời sống xưa của người dân Việt Nam, mang lại nhiều kiến thức và cảm giác hoài niệm cổ xưa cho người thưởng thức.

Anh Lê Trung
Hội trưởng Hội quán cây cảnh thiên nhiên phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long

Hồng Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/143153/dam-me-chau-co-nam-bo