Đam mê cùng thảo dược 'đen'
Trong một xưởng nhỏ ở thôn Xuân Ngọc (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), một phụ nữ vẫn đang miệt mài nghiên cứu về các loại thảo dược lên men hữu cơ. Tỏi đen, gừng đen, hành đen, chanh đen, tắc đen, ô mai tỏi đen, cam đen… đã trở thành những thảo dược quý đối với sức khỏe cộng đồng.
. Vượt khó
Người phụ nữ ấy là chị Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đức Hà Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu, thể nghiệm, chị đã cho ra đời sản phẩm tỏi đen lên men thành công ở quy mô công nghiệp. Nữ giám đốc trẻ này đang tiếp tục ấp ủ các nghiên cứu về thảo dược lên men hữu cơ, nhằm phục vụ tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng. Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ sinh học và Nuôi trồng thủy sản vào năm 2012, con đường sự nghiệp sáng rỡ mở ra trước mắt Thu Hà. Tuy nhiên, ước mơ trở thành một nhà khoa học và niềm đam mê được làm ra những sản phẩm chế biến an toàn, không sử dụng chất bảo quản và có thành phần 100% từ thiên nhiên vẫn luôn thôi thúc chị. Sau đó, cô gái sinh năm 1987 này đã quyết tâm từ bỏ công việc ở một cơ quan nhà nước, tự một mình dấn thân vào con đường nghiên cứu, chế biến nông sản.
Cơ duyên đưa chị đến với thảo dược lên men bắt đầu từ tỏi đen, khi tình cờ được một người bạn Hàn Quốc mời dùng thử tỏi đen của đất nước họ. Chị mê mẩn khi nghe người bạn kể về tác dụng của tỏi đen. Tuy nhiên, khi thử thì thấy có vị caramel và hơi đắng. “Khi đó tôi chợt nghĩ, sao mình không dùng tỏi Việt Nam nghiên cứu lên men thử xem có ngon hơn không. Vùng trồng tỏi của đất nước mình trải dài từ Bắc - Trung - Nam, đâu có sợ thiếu vùng nguyên liệu. Thế là tôi bắt tay vào làm. Lúc đó là vào khoảng năm 2014”, chị Thu Hà nói.
Sau một thời gian mày mò nghiên cứu và thử nghiệm, chị phát hiện tỏi Việt Nam sau lên men có vị thơm, ngọt như trái cây và hợp khẩu vị hơn so với tỏi Hàn Quốc. Mất hơn 1 năm, qua nhiều lần test mẫu ở các viện nghiên cứu, chị đã cho ra đời sản phẩm tỏi đen lên men thành công. Tuy nhiên, khi bắt đầu nâng công suất, lên men tỏi đen ở quy mô công nghiệp thì chị lại gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư máy móc, nhà xưởng, chất lượng nguyên liệu đầu vào. Khó nhất là giữ cho cả mẻ tỏi sản xuất đạt chất lượng đồng đều và bảo quản tự nhiên sau lên men. Do chưa có kinh nghiệm, liên tiếp nhiều tháng, chị phải đổ bỏ hàng tấn tỏi. “Cạn vốn, tôi mượn sổ đỏ của nhà đi “cắm” ngân hàng để đầu tư nghiên cứu tiếp và cho ra đời thành công sản phẩm tỏi đen ở quy mô công nghiệp. Giai đoạn này tôi có đầu tư trồng tỏi sạch ở Lâm Đồng, nhà xưởng nhỏ để sản xuất. Nhưng sau đó tôi đã thất bại, tỏi trồng không đạt, xưởng thì bị bão Damrey 2017 quét sạch. Tay trắng, tôi bắt đầu cảm thấy rất nản, rồi đặt câu hỏi tại sao mình làm cái gì cũng thất bại và không biết phải làm lại như thế nào, bắt đầu từ đâu”, chị Hà chia sẻ.
. Theo đuổi con đường sản xuất xanh
Sau một thời gian buồn chán, chị bắt đầu tĩnh tâm lại, mày mò nghiên cứu tiếp về thực phẩm lên men. Trong khoảng thời gian này, chị phát hiện ngoài tỏi đen ra, có thể lên men tự nhiên được rất nhiều thảo dược khác như: hành, gừng, chanh, tắc… Đặc biệt các nguyên liệu này sau khi lên men đều có mùi vị thơm hơn rất nhiều lần so với nguyên liệu thô, vị cũng ngon hơn, thời gian bảo quản dài hơn. Thành phần vitamin C và các chất chống oxy hóa sau khi lên men tăng nhiều hơn so với nguyên liệu tươi, rất tốt cho sức khỏe. Điều này khiến chị quyết tâm theo đuổi cho bằng được quy trình sản xuất thảo dược lên men.
Bà Lê Thị Mai Liên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Thu Hà xứng đáng là tấm gương về vượt khó khởi nghiệp cho các bạn trẻ học tập. Đặc biệt là khởi nghiệp theo hướng sạch, hướng đến sức khỏe cộng đồng. Ý tưởng khởi nghiệp của Thu Hà khi trở thành hiện thực đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.
Vấp ngã từ những thất bại khiến chị thêm vững vàng, từng bước, từng bước, những thành công đã bắt đầu xuất hiện. Vừa nghiên cứu vừa tiếp thị sản phẩm, hiện nay sản phẩm tỏi đen của chị đã bán chạy ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Công ty của chị đã ký kết hợp đồng bao tiêu với Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng, cùng thực hiện dự án “Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỏi VietGAP”; kết hợp trồng luân canh tỏi với các loài gia vị thảo dược khác để tận dụng nguồn đất và tăng hiệu quả kinh tế cho vùng trồng của hợp tác xã. Bên cạnh dòng sản phẩm tỏi đen, công ty chị hiện còn nghiên cứu quy trình lên men các loài gia vị thảo dược khác như: gừng đen, hành đen, chanh đen, tắc đen, ô mai tỏi đen, cam đen… Các sản phẩm này vừa mới ra thị trường ở quy mô nhỏ, nhưng đã đón nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng, đặc biệt là các khách hàng từ nước ngoài như: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore bởi tính mới lạ trong công nghệ chế biến và đặc thù của nông sản Việt Nam. Hiện công ty đang đàm phán và gấp rút hoàn thiện thêm máy móc cũng như nhà xưởng đạt chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường quốc tế và đang trong quá trình nghiên cứu các dòng sốt lên men như: sốt tỏi đen, sốt hành đen, sốt chanh đen và sốt ớt đen… “Tôi có một mơ ước luôn đau đáu, tất cả sản phẩm tôi tạo ra phải dùng nguyên liệu tại chỗ của Việt Nam, phải sạch và tốt cho sức khỏe người sử dụng. Và tôi đang hướng đến xây dựng cho bằng được chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ từ chính các nguyên liệu của tỉnh nhà, làm sao để tình trạng “được mùa mất giá” trên chính đồng ruộng của người nông dân không còn nữa”, chị Hà chia sẻ.
Minh Thiết
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202001/dam-me-cung-thao-duoc-den-8147142/