Đam mê dẫn lối hành trình khoa học
Thầy giáo Nguyễn Anh Long, Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Nghi (TP. Huế) đã nghiên cứu thành công thiết bị dạy học số, phục vụ dạy học môn toán ở các trường phổ thông.
Từ lâu, những thiết bị hỗ trợ dạy học luôn rất cần thiết đối với các giáo viên, đặc biệt trong những bài học có những ví dụ minh họa mang tính hình ảnh. Trong đó, môn toán nói chung và phần kiến thức về xác suất, thống kê nói riêng đòi hỏi những hình ảnh minh họa cụ thể để giúp học sinh hiểu được bản chất của những vấn đề trong môn học. Trong một lần nghe câu chuyện của bố (cũng là một nhà giáo dạy môn toán) kể lại, các em học sinh không hiểu được những ví dụ về đồng xu sấp – ngửa, những con xúc xắc có 6 mặt thì tỉ lệ ra sao... được nêu trong sách giáo khoa, thầy Nguyễn Anh Long đã băn khoăn về một phần mềm có thể sử dụng để giúp các em học sinh dễ hiểu hơn.
“Trong thực tế hiện nay thiết bị dạy học môn toán quá ít ỏi, những dụng cụ thực hành hiện có không đáp ứng yêu cầu, hình ảnh đưa ra làm cho học sinh khó tiếp thu và lúng túng khi tiếp thu kiến thức. Từ góc nhìn của một nhà giáo, tôi cũng muốn mình truyền thụ kiến thức cho học sinh được trực quan sinh động hơn. Từ đó, học sinh của mình có thể hiểu được những kiến thức mà giáo viên truyền đạt. Trong đầu tôi lóe lên một câu hỏi: liệu có thiết bị nào mà dạy nhiều bài, giáo viên tùy ý chọn, đáp ứng được tiến trình dạy của giáo viên mà các phần mềm khác không thực hiện được?”, thầy Nguyễn Anh Long chia sẻ.
Từ năm học 2006 – 2007, thầy Nguyễn Anh Long đã bắt đầu mày mò nghiên cứu về giải pháp thiết bị dạy học số, phục vụ dạy môn toán ở các trường phổ thông cùng với sự giúp đỡ của người thân và cộng sự. Vốn là một giáo viên dạy tin học, thầy Long mày mò sử dụng phần mềm Geogebra làm nền tảng để phát triển cho chương trình của mình. “Geogebra không phải là phần mềm xa lạ đối với các giáo viên, khi đây là phần mềm đã được giới thiệu đến giáo viên và học sinh thông qua chương trình giảng dạy của môn tin học lớp 8. Ưu điểm của phần mềm này là có mã nguồn mở, cho phép người sử dụng có thể thay đổi và tái thiết lập phần mềm để phù hợp với mục đích sử dụng”, thầy Nguyễn Anh Long cho biết.
Thuận lợi là thế, nhưng quá trình phát triển của phần mềm “Thiết bị dạy học số: Thống kê – xác suất” (TBDHS: TK – XS) cũng gặp không ít trở ngại. Theo thầy Nguyễn Anh Long, có lúc thầy và những cộng sự gặp phải những bài toán khó minh họa, phải thảo luận, trao đổi suốt nhiều ngày để tìm được phương án thích hợp. Hoặc lắm khi cũng là vấn đề về lập trình phần mềm khi thiết kế giao diện của bài giảng, các nút chức năng chưa đẹp, chưa tối ưu khiến thầy mày mò hàng đêm để chỉnh sửa.
“Nhớ lại khoảng thời gian gần 13 năm nghiên cứu về phần mềm, buổi sáng và chiều tôi đi dạy, đến tối về nhà cơm nước xong lại cùng bố làm phần mềm. Chỗ nào còn vướng mắc, hai bố con lại thảo luận để tìm cách giải quyết. Cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cộng sự, cũng như học hỏi thêm về cách xử lý lập trình trên các diễn đàn trên internet, phần mềm được hoàn thiện dần. Đến nay, phần mềm TBDHS: TK – XS đã có nhiều bài giảng minh họa môn toán từ lớp 2 đến lớp 12 với nhiều ví dụ sinh động, như biểu đồ hình cột, biểu đồ hình tròn, biểu đồ đoạn thẳng, gieo xúc xắc, gieo đồng xu… Phần mềm cũng đã được ứng dụng vào giảng dạy tại các Trường THCS Hàm Nghi, Nguyễn Văn Trỗi, Chu Văn An (TP. Huế). Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật những bài giảng mới và đăng tải clip hướng dẫn sử dụng bài giảng trên kênh YouTube để các giáo viên có thể tham khảo”, thầy Trần Anh Long nói.
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, mong muốn đem đến một giải pháp tốt cho các giáo viên và học sinh, phần mềm TBDHS: TK – XS của thầy giáo Nguyễn Anh Long và cộng sự đã đạt giải ba tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm 2022. Thầy giáo Nguyễn Anh Long đồng thời được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng bằng khen Lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022 vào tháng 7 vừa qua.