Đam mê sưu tầm cổ vật

Từng đam mê, sưu tầm nhiều thứ nhưng anh Nguyễn Tuấn Thủ ở thôn 2, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước lại bị câu chuyện và vẻ đẹp của những cổ vật mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cuốn hút. Càng tìm hiểu về những cổ vật, chàng trai này càng đam mê và quyết tâm sưu tầm thêm, dù biết rằng thú chơi này tốn nhiều tâm sức và lắm công phu.

“Đây là một cái ché Quảng Đức của làng Quảng Đức xưa sản xuất. Ché này có cách đây 300 năm. Giá trị của ché ở chỗ được nung từ những vỏ sò tươi chảy ra tạo thành men sò huyết. Trên thành ché còn lưu lại những dấu tích xưa, những cái vân vỏ sò và có màu hơi ngả đỏ” - anh Thủ say sưa nói về cổ vật. Tuy chỉ mới sưu tầm cổ vật khoảng 5 năm trở lại đây, thế nhưng anh đã có một gia tài đồ sộ với hơn 100 chiếc tố, ché, xà lung và nhiều loại cồng chiêng.

Anh Nguyễn Tuấn Thủ giới thiệu về chiếc ché Quảng Đức 300 năm tuổi

Anh Nguyễn Tuấn Thủ giới thiệu về chiếc ché Quảng Đức 300 năm tuổi

Để có những cổ vật này, anh Thủ không tiếc công đi sưu tầm khắp nơi, từ những vùng lân cận như Bù Gia Mập, Bù Đăng cho đến các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên hay Tây Bắc. “Cứ có dịp đi du lịch là tôi lại đến các buôn, sóc tìm hiểu. Những cái tố, ché bây giờ đồng bào dân tộc thiểu số không còn lưu giữ nhiều… Tôi thích sưu tầm những đồ hiếm, những thứ đang dần mai một để lưu giữ, bảo tồn” - anh Thủ kể.

Trả lời câu hỏi tại sao đam mê với việc sưu tầm cổ vật, anh cho biết, sưu tầm cổ vật có những cái khó rất riêng. Và càng khó thì anh càng đam mê chinh phục. Tố, ché, xà lung hay cồng chiêng là những vật dụng tâm linh, không thể thiếu trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhiều dân tộc nói chung và đồng bào S’tiêng nói riêng. Đến nay, những vật dụng này không còn quá nhiều và được đồng bào gìn giữ cẩn thận. Do đó, để có được các vật dụng giá trị bổ sung vào bộ sưu tập không phải là chuyện dễ.

Một góc trong bộ sưu tập của Nguyễn Tuấn Thủ

Một góc trong bộ sưu tập của Nguyễn Tuấn Thủ

Anh Thủ chia sẻ: Có những thứ tôi muốn mua mà người ta không bán. Thích quá nên tôi cứ tới lui hoài rồi năn nỉ người ta. Có những cái chum, cái ché hiếm mà sưu tầm được thì có khi cả đêm tôi không ngủ được, cứ ngồi ngắm vậy thôi.

Ngoài vẻ đẹp hiếm có bên ngoài, cổ vật còn níu giữ người sưu tầm bởi những câu chuyện mang giá trị văn hóa đi cùng năm tháng. Mỗi cổ vật lại có một câu chuyện riêng, buộc người sưu tầm phải bỏ thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Không chỉ trên internet mà còn từ sách vở, người dân... “Trên facebook, tụi mình có một hội chuyên sưu tầm đồ cổ. Mọi người cùng lên đó chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sưu tầm” - anh Thủ chia sẻ. Qua đó, anh biết thêm được nhiều câu chuyện xung quanh những cổ vật mà mình sưu tầm: “Có những câu chuyện hay lắm. Mình không ngờ là cái ché, cái xà lung mà ngày xưa phải đánh đổi bằng cả con người hay bằng trâu, bò. Trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số xưa, các vật dụng như tố, ché tại các dịp lễ hội là không thể thiếu”.

Sống với đam mê, mong ước của Thủ là xây dựng được một không gian cổ vật với đa dạng các loại, từ những cổ vật có giá trị cao đến vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, để nhiều người có chung đam mê đến sinh hoạt, chiêm ngưỡng và thêm trân trọng, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Quang Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142702/dam-me-suu-tam-co-vat