Đam mê sưu tầm nhạc cụ dân tộc
Ngày nay, việc lưu giữ các nhạc cụ truyền thống dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Vì vậy, việc sưu tầm, lưu giữ các nhạc cụ dân tộc là rất cần thiết nhưng không phải ai muốn cũng có thể làm được.
Tại KP.12, P.An Bình (TP.Biên Hòa), bà Đỗ Thị Lan thời gian qua đã dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm các nhạc cụ dân tộc truyền thống, gìn giữ và phát huy trong đời sống hôm nay.
* Lưu giữ hàng chục nhạc cụ dân tộc
Căn nhà của bà Đỗ Thị Lan nằm trong một con hẻm nhỏ của KP.12, P.An Bình. Nhiều người đến đây không khỏi ngạc nhiên trước những nhạc cụ truyền thống của các dân tộc anh em được bà dày công sưu tầm, gìn giữ suốt gần 10 năm qua.
Bà Lan cho biết, bà sinh ra và lớn lên trên quê hương quan họ, vùng đất Kinh Bắc đã nuôi dưỡng trong bà tình yêu nghệ thuật truyền thống gắn với những làn điệu dân ca sâu lắng, da diết đi vào lòng người. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, đời sống của người dân còn rất khó khăn, bà cũng như bao nhiêu người trẻ khác không lựa chọn con đường học tập, theo đuổi nghệ thuật mà chủ yếu tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Khi cuộc sống đã ổn định, các con đã trưởng thành, bà mới có nhiều thời gian sưu tầm các loại nhạc cụ, trở lại với tình yêu, đam mê âm nhạc, nghệ thuật.
Bà ĐỖ THỊ LAN quê gốc ở Bắc Ninh. Hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, bà âm thầm lưu giữ những nét văn hóa của dân tộc. Qua âm nhạc phần nào giúp các dân tộc và những người con ở khắp các vùng miền xích lại gần nhau hơn.
“Tôi vào Đồng Nai làm việc, sinh sống đến nay đã hơn 20 năm. Với mong muốn lưu giữ những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc và lan tỏa những làn điệu dân ca trên vùng đất mới này, tôi đã dành nhiều thời gian sưu tầm, tìm kiếm các nhạc cụ trên khắp vùng miền. Có nhạc cụ được tặng, có cái phải mua hay bạn bè mang đến bổ sung vào bộ sưu tập. Hiện, hơn 10 loại nhạc cụ đang được tôi trưng bày, phục vụ cho các sinh hoạt văn nghệ như: đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu, đàn tính, đến khèn, sáo trúc, đàn chinh k’la, trống...” - bà Lan chia sẻ.
Để thu thập được một số loại đàn, không phải cứ đi là sẽ có bởi ngoài am hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc, còn phải biết xuất xứ của nó. Cũng nhờ chịu khó đi sâu tìm hiểu, bà Lan mới biết được cùng một loại đàn mà tùy địa phương khác nhau có cách gọi và kích thước khác nhau. Như đàn nhị được người Mường gọi là đàn cò ke, còn người Nam bộ gọi bằng cái tên dân dã là đàn cò. Hay cây đàn chinh k’la - một loại nhạc cụ làm từ ống tre “đặc trưng” của đồng bào Chơro thường được sử dụng trong các lễ hội Sayangva trên địa bàn tỉnh.
* Phát huy giá trị nhạc cụ trong đời sống
Sau nhiều nỗ lực, bà Lan cũng thỏa lòng mong mỏi khi bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của mình được đưa vào sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của địa phương. Những năm qua, bà cùng với những người dân trong khu phố có chung đam mê nghệ thuật thành lập đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập và biểu diễn.
Bà Lan bộc bạch: “Trong đội văn nghệ của KP.12 may mắn có rất nhiều người đam mê ca hát và biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Người này hướng dẫn người kia học, từ chỗ không biết hoặc biết ít, nhiều người đã sử dụng thành thạo một loại đàn nào đó. Ai nấy đều mong muốn góp sức phát huy âm nhạc của dân tộc thông qua các loại nhạc cụ. Từ đó, xây dựng môi trường biểu diễn đa dạng, tạo nên sức sống mới cho âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện đại”.
Là một trong những thành viên sinh hoạt văn nghệ tích cực, ông Tô Vinh Dinh (ngụ tại KP.12, P.An Bình) cho biết, đến nhà bà Lan như bước vào không gian nghệ thuật. Ở đó không chỉ trưng bày, giới thiệu đa dạng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mà còn là điểm đến để người cao tuổi trong khu phố sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, luyện tập và giao lưu. Bà Lan rất tích cực tham gia hoạt động phong trào, cùng đội văn nghệ đưa các nhạc cụ đi biểu diễn ở nhiều nơi, làm sống lại giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vốn đang dần bị mai một.
Theo bà Lan, giá trị của các loại nhạc cụ truyền thống vô cùng lớn lao. Đó không chỉ là loại hình biểu diễn, giải trí mà còn chứa đựng cả bản sắc văn hóa, cội nguồn dân tộc. Do vậy, việc phát huy các nhạc cụ này trong đời sống, tạo sân chơi cho người yêu thích âm nhạc được biểu diễn, được say sưa với cây đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh hay sáo trúc… là cách để những thanh âm này được gìn giữ và lan tỏa ngày một rộng hơn, xa hơn.
“Ở tuổi 65, tôi đang cố gắng thực hiện thêm những chuyến đi về những vùng đất mới, sưu tầm, tìm kiếm để làm đầy thêm bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh đó, tôi sẽ tiếp tục cùng với đội văn nghệ của khu phố hướng dẫn, truyền dạy âm nhạc truyền thống, các làn điệu dân ca đến với người trẻ, nhất là đối tượng công nhân lao động ở địa phương có tình yêu và đam mê nghệ thuật” - bà Lan nói.