Đắm mình cùng thảo nguyên xanh

Trong những năm gần đây, những tour du lịch trải nghiệm vườn hồng, vườn cam, hay mùa hoa mận hoa đào... làm tăng sức hút cho du lịch, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao chất lượng sống cho bà con nông dân trên cao nguyên Mộc Châu.

“Em yêu màu xanh, yêu thiên nhiên cỏ cây hoa trái của thảo nguyên và luôn trăn trở về những câu chuyện của nông trường xanh qua lời bà ngoại. Và em đã quyết định dừng công việc giảng dạy, trở về nông trường – nơi em sinh ra và lớn lên, nơi mà cả thiên nhiên và con người đều thân thiện để được cống hiến”. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hoàng Lan, chủ nhà hàng Gia Nguyễn Mộc Châu, thị trấn nông trường Mộc Châu - Mộc Châu (Sơn La).

Cô kỹ sư rẽ ngang làm du lịch

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp chuyên ngành kỹ sư, Hoàng Lan trở thành giảng viên Bộ môn Khoa học Môi trường tại trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Sơn La. Do có tình yêu tha thiết với Mộc Châu – nơi mình sinh ra và lớn lên, năm 2011, cô gái trẻ đã quyết định chuyển công tác về Mộc Châu, làm công việc đúng với chuyên môn đó là kỹ sư môi trường nông lâm trường tại Quỹ Bảo vệ rừng chi nhánh Mộc Châu (Sơn La).

Đồi chè Mộc Châu xanh dài ngút mắt.

Đồi chè Mộc Châu xanh dài ngút mắt.

Nhận thấy Mộc Châu là mảnh đất được thiên nhiên ưu ái, ngoài những nông trường xanh trải dài, khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ đã thu hút nhiều du khách ghé thăm và thích thú với những tour du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp, năm 2017, Hoàng Lan chính thức nghỉ công việc nhà nước, chuyển sang gắn bó với mô hình cộng tác viên kinh doanh du lịch Mộc Châu.

Một góc cao nguyên xanh Mộc Châu

Một góc cao nguyên xanh Mộc Châu

“Rất nhiều du khách từ nhiều địa phương trong và ngoài nước đến với Mộc Châu, yêu quý Mộc Châu. Vậy, tại sao mình là người con sinh ra và lớn lên ở nơi này lại không làm gì để có những sản phẩm đặc trưng – như một món quà tặng để tri ân tới những người bạn yêu quý Mộc Châu” – Hoàng Lan kể. Và, cô đã tự tay làm ra loại trà mang tên “trà thảo nguyên” với mùa nào thức nấy (trà vị đào, trà vị dâu tây)... Đó là những hương vị thuần khiết mộc mạc được tạo nên từ chính những hoa, quả, cây trái, thiên nhiên của Mộc Châu gồm trà Shan tuyết, quả dâu tây, quả đào,... tạo nên hương vị đặc trưng rất riêng của nơi này.

Đặc biệt, Hoàng Lan cho hay, khi xác định trở về gắn bó với nông trường, cô may mắn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của bà ngoại – một người phụ nữ từng là kiện tướng cắt cỏ tại nông trường Việt Nam - Cu Ba tại Mộc Châu.

“Bà thường kể cho em nghe những câu chuyện ở nông trường. Theo lời bà, ngày xưa những con bò sữa đầu tiên ở nông trường thường cho 20-30 lít sữa; trong khi ngày nay, bò sữa có thể cho tới 70 lít sữa. Bà lo lắng, bởi nhiều sữa cũng mừng, nhưng làm cách nào để tiêu thụ hết chỗ sữa đó...", Hoàng Lan kể.

Từ câu chuyện của bà, Hoàng Lan - người con gái của Mộc Châu quyết định xây dựng thương hiệu "vua bê" tại cao nguyên.

Từ câu chuyện của bà, Hoàng Lan - người con gái của Mộc Châu quyết định xây dựng thương hiệu "vua bê" tại cao nguyên.

Từ đó, ngoài phát triển các mô hình du lịch, người con gái của Mộc Châu quyết định xây dựng thương hiệu "vua bê" trên đất Mộc Châu. Cô tận dụng những con bê đực non từ các trang trại để tạo nên các món ăn sạch, lành mà có lẽ chỉ riêng ở Mộc Châu mới có, như bê chao, bê tươi nướng, gỏi vó bê tiến vua, lẩu bê sữa (món ăn được kết hợp bởi bê tươi, sữa tươi và các loại rau sạch trên nông trường Mộc Châu,... rất nhiều du khách sau khi thưởng thức món ăn đặc trưng trên đều thích thú.

Hoa thơm, trái ngọt hút du khách

Cũng là một người con của Mộc Châu, chị Hoàng Thùy Dương – chủ vườn hồng Lan Dương tại thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) lại định hướng phát triển du lịch từ chính những cây trái trong vườn của gia đình.

Chị chia sẻ: “Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, thời điểm cuối năm, nhiều nhà vườn tại Mộc Châu lại có những vườn hồng giòn chín đẹp, trở thành điểm du lịch trải nghiệm thú vị của nhiều du khách gần xa, như Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác”...

Chị Dương cho biết, trong tiết trời se lạnh, nhiều vườn hồng Mộc Châu rụng gần hết lá chỉ còn lại những quả chín màu vàng cam, màu đỏ treo lơ lửng trên cành cây khẳng khiu, rất bắt mắt. Thời tiết Mộc Châu thời điểm này không nóng và cũng không quá lạnh, nên đã trở thành điểm du lịch trải nghiệm lý tưởng của nhiều người.

Vườn hồng chín tại thị trấn Nông trường Mộc Châu hút du khách.

Vườn hồng chín tại thị trấn Nông trường Mộc Châu hút du khách.

Cũng làm về trái hồng, nhưng với anh Phạm Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, tại tiểu khu Khí tượng, thị trấn nông trường Mộc Châu lại tập trung đầu tư dây chuyền sấy khô các loại hoa quả, trong đó có hồng.

Nói về ý tưởng hình thành cơ sở chế biến quả sấy khô, anh Quyết cho hay, nhận thấy Mộc Châu có rất nhiều loại quả ngon và chất lượng, năm 2020, anh đầu tư hệ thống sơ chế, chế biến, đóng gói quả sấy khô, thuê kỹ sư chuyên về chế biến thực phẩm tới hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nên sản phẩm sấy khô cho chất lượng cao, mẫu mã bắt mắt và được thị trường đón nhận.

Việc đầu tư chế biến quả sấy khô của HTX Nông nghiệp Quyết Thanh đã góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị nông sản địa phương. “HTX không sử dụng đường hay chất bảo quản trong quá trình sấy nhằm bảo đảm độ ngọt tự nhiên, chú trọng sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện nay, HTX đang duy trì 6 dây chuyền chế biến, sấy khô các loại quả với công suất 1,2 tấn quả tươi/ngày; từ đầu năm đến nay, HTX đã đưa 130 tấn mận, 30 tấn dâu tây, 10 tấn chuối, 8 tấn xoài vào chế biến sấy khô”, anh Quyết chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Khu du lịch Happy Land Mộc Châu, để đáp ứng du nhu cầu khách tham quan, tại khu du lịch hiện có nhiều gói trải nghiệm nhịp sống vùng cao Tây Bắc, như khu farm gồm chăn cừu, cưỡi ngựa, đặc biệt vào mùa trái cây cuối năm, du khách được tự tay trải nghiệm công việc hái quả, thưởng thức sản phẩm ngay tại các vườn cam, vườn dâu tây, hồng và nhãn,...

Có thể thấy, trong những năm gần đây, những tour du lịch trải nghiệm vườn hồng, vườn cam, hay mùa hoa mận hoa đào... làm tăng sức hút cho du lịch, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao chất lượng sống cho bà con nông dân trên cao nguyên Mộc Châu.

“Mộc Châu – địa danh được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, trong lành. Song, Mộc Châu dường như vẫn là địa danh còn khá mới mẻ với nhiều du khách. Rất mong, trong thời gian tới những hình ảnh đẹp về Mộc Châu như con người thân thiện, thiên nhiên, khí hậu, đặc sản nông sản đặc trưng của Mộc Châu,... sẽ được nhiều người biết hơn nữa. Đặc biệt, khi cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đi vào vận hành thì Mộc Châu sẽ trở thành điểm đến gần hơn với du khách”, chị Hoàng Lan bày tỏ.

Huyện Mộc Châu (Sơn La) với hơn 2.150ha chè, hơn 3.000ha rau màu, trên 10.400ha cây ăn quả cùng với vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Chính quyền huyện Mộc Châu tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình dịch vụ nhằm phát triển du lịch sinh thái với nhiều địa điểm được du khách biết tới, như: Du lịch trải nghiệm vùng chè tại Làng chè của Vinatea Mộc Châu, đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, đồi chè Mộc Sương; trải nghiệm hái dâu tây tại Chimi Farm, Hoa Mộc Châu Farm; trải nghiệm mùa hoa, mùa hái quả tại thung lũng mận Nà Ka, thung lũng mận Mu Náu; trải nghiệm chăm sóc bò sữa tại Dairy Farm,...

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/dam-minh-cung-thao-nguyen-xanh-1104463.html