Dầm mưa, leo nóc nhà tác nghiệp ở Điện Biên

Là phóng viên thường trú tại miền Trung và Đông Bắc nhưng chúng tôi may mắn được trực tiếp lên Điện Biên tác nghiệp dịp diễu binh, diễu hành nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trèo nóc nhà ghi hình ảnh độc quyền

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024), chúng tôi được Ban biên tập Báo Giao thông điều động tác nghiệp tại sự kiện trọng đại này. Đây là một cơ hội quý đối với bất kỳ phóng viên nào.

PV Nguyễn Văn Thương trèo lên mái nhà để tác nghiệp tại Điện Biên Phủ.

PV Nguyễn Văn Thương trèo lên mái nhà để tác nghiệp tại Điện Biên Phủ.

Do ban tổ chức hạn chế lượng người tham dự sự kiện, mỗi cơ quan báo chí chỉ được cử từ một đến hai phóng viên.

Để bảo đảm bao quát toàn bộ sự kiện trọng đại này, nhóm phóng viên thống nhất chỉ phân công một người vào sân vận động tỉnh Điện Biên – nơi diễn ra đại lễ. Những người còn lại sẽ ở vòng ngoài ghi nhận không khí, khi các đoàn diễu binh đi qua các tuyến phố trung tâm TP Điện Biên Phủ.

Với chúng tôi, được trải nghiệm tại sự kiện lớn, trọng đại của đất nước là một vinh dự lớn. Việc vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền này đã giúp chúng tôi tự tin, trưởng thành hơn trên chặng đường phía trước.

Phóng viên Văn Thương

Sau khi khảo sát địa hình, chúng tôi xác định ngôi nhà 4 tầng, nằm cạnh sân bay Điện Biên là vị trí thuận lợi nhất để ghi nhận thời điểm 11 máy bay trực thăng cất cánh đưa cờ Đảng và cờ Tổ quốc tiến vào lễ đài, mở màn cho cuộc diễu binh, diễu hành.

Dù đã được chủ nhà tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhưng căn nhà không có lối dẫn từ tầng 4 lên mái tôn nên việc di chuyển rất khó khăn, trong khi chỉ còn vài phút nữa là diễn ra sự kiện.

Trước tình thế này, tôi "đánh liều" buộc máy ảnh, máy quay vào người rồi đu chấn song cửa sổ, trèo lên mái nhà.

Sau khoảng 5 phút loay hoay, lấm lem bụi bẩn, tô lên được điểm cao nhất của ngôi nhà. Lúc này, 11 chiếc máy bay trực thăng cũng đồng loạt cất cánh từ sân bay Điện Biên, tiến về sân vận động tỉnh và bay biểu diễn nhiều vòng trên bầu trời. Đây gần như là những hình ảnh chỉ có trên Báo Giao thông, được bạn đọc đón nhận, chia sẻ.

Dầm mưa giữa sân vận động

Lúc làm tường thuật trực tiếp sự kiện trong sân vận động tỉnh Điện Biên, PV Cao Sỹ Hòa và nhiều phóng viên ảnh báo bạn gặp khó khăn rất lớn khi trời đổ mưa to, gió lớn giữa thời điểm đang diễn ra sự kiện.

PV Cao Sỹ Hòa dầm mưa tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

PV Cao Sỹ Hòa dầm mưa tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dẫu vậy, những hình ảnh đẹp vẫn được gửi về tòa soạn nhanh nhất.

Tất nhiên nguy cơ hỏng máy ảnh lên tới 90%. Dù đã chuẩn bị trước áo mưa nhưng sau sự kiện trên, cả máy và người đều ướt sũng.

Mặc dù hoàn thành nhiệm vụ Ban biên tập giao nhưng phóng viên thì ốm còn máy ảnh phải gửi gấp về Hà Nội sửa vì ngấm nước .

Khổ công tìm nhân chứng lịch sử

Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng trong những ngày tác nghiệp tại Điện Biên Phủ, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của cơ quan chức năng trên địa bàn.

PV Nguyễn Văn Thương tác nghiệp tại thời điểm máy bay trực thăng đem theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành trên bầu trời Điện Biên Phủ.

PV Nguyễn Văn Thương tác nghiệp tại thời điểm máy bay trực thăng đem theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Trong đó, dù du khách đổ về Điện Biên Phủ tăng đột biến, nhiều thời điểm vượt quá công suất phục vụ, nhưng lãnh đạo Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn sắp xếp người hướng dẫn giúp PV tìm hiểu thông tin, tư liệu, hình ảnh.

Những tài liệu lưu trữ tại bảo tàng đã giúp chúng tôi có nguồn tư liệu quý để tái hiện lại tuyến đường vận chuyển quân lương huyền thoại, giúp làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" cách đây 70 năm.

Đặc biệt, các nhân chứng, cựu chiến binh Điện Biên giờ đều đã ngoài 90 tuổi nên việc liên hệ, tìm nhân vật từng tham gia mở đường đến Điện Biên Phủ rất khó khăn.

Hầu hết danh sách nhân chứng ban tổ chức cung cấp đều không có số nhà, tuyến đường và số điện thoại.

Dù phóng viên đã có số điện thoại nhưng gọi mãi cũng không ai bắt máy. Sau hỏi ra mới biết vì số lạ nên nhiều cụ không nghe, vì… sợ bị lừa đảo qua mạng.

Nhiều thời điểm dù đã hẹn trước nhưng khi đến nơi, nhân vật lại đi vắng vì có người thân của chiến sỹ, đồng đội cũ đến đón, không thể liên lạc được.

Có lúc phóng viên phải mượn xe máy, đi vào các bản nằm sâu phía sau sân bay Điện Biên để tìm gặp, phỏng vấn nhân vật.

Rất cảm động vì đi đến đâu, bà con cũng nhiệt tình chỉ dẫn, trợ giúp, thậm chí nhiều đồng nghiệp của chúng tôi còn được mời ngủ lại khi không tìm được khách sạn để thuê tại Điện Biên.

Kết thúc chuyến công tác, chúng tôi ai cũng cảm thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là được góp mặt tại một sự kiện trọng đại của đất nước mà bất cứ ai cũng mong muốn.

Văn Thương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dam-mua-leo-noc-nha-tac-nghiep-o-dien-bien-192240618202603198.htm