Đậm nét văn hóa Việt Nam tại Saudi Arabia
Những ngày này, sự kiện Những ngày văn hóa Việt Nam đã và đang giới thiệu, quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế tại Saudi Arabia.
Chiếc trống đồng Đông Sơn được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng Ithra đã được bạn tiếp nhận và trưng bày trang trọng trong đại sảnh.
Từ ngày 3-15/2, Trung tâm Văn hóa thế giới Quốc vương Abdulaziz (tên địa phương là Ithra) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia tổ chức sự kiện Những ngày văn hóa Việt Nam tại thành phố Dhahran, miền Đông Saudi Arabia.
Sự kiện diễn ra cách thủ đô Riyadh hơn 400 km, nhưng vẫn thu hút thành viên một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở sở tại, và công dân nước láng giềng Bahrain.
Nhân sự kiện này, chiếc trống đồng Đông Sơn được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng Ithra đã được bạn tiếp nhận và trưng bày trang trọng trong đại sảnh.
Theo Đại sứ Vũ Viết Dũng, “đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, khi ngày khai mạc diễn ra đúng ngày kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia coi đây là một đóa hoa tươi thắm dâng lên Đảng nhân sự kiện vô cùng ý nghĩa của đất nước”.
Lãnh đạo Ithra chia sẻ, việc quyết định chọn Việt Nam làm nước đầu tiên để giới thiệu văn hóa bởi họ nhận thấy trải qua bao thế kỷ thăng trầm của lịch sử, Việt Nam vẫn giữ được bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, không hề bị đồng hóa. Vượt qua những đau thương mất mát của chiến tranh, Việt Nam hiện có một nền kinh tế năng động, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, thịnh vượng.
Sau một ngày tham dự sự kiện, Đại sứ Philippines tại Saudi Arabia Adnan Alonto cảm nhận: “Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một sự kiện văn hóa nước ngoài được tổ chức ở Saudi Arabia lại có nội dung phong phú, quy mô, tầm vóc và thời gian kéo dài như sự kiện này. Chân thành chúc mừng Đại sứ quán Việt Nam! Chúc mừng Việt Nam!”.
Các tình nguyện viên hõ trợ công tác chuẩn bị sự kiện.
Sự kiện gây được tiếng vang lớn ở sở tại, thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan mỗi ngày. Để có được sức thu hút như thế, các lãnh đạo, nhân viên của Ithra cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đã tích cực làm việc nhiều tháng liên tục để mang Việt Nam đến gần hơn với người dân của Vương quốc dầu mỏ – một quốc gia có vị thế và tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Đông và trong thế giới Hồi giáo. Những ngày diễn ra sự kiện, luôn có khoảng 300 tình nguyện viên đến Ithra để hỗ trợ.
Với các vị khách tham dự sự kiện, ấn tượng đầu tiên sẽ là hình ảnh cờ Việt Nam và cờ Saudi Arabia cùng hàng chục nghìn đèn lồng nhiều màu trang trí hai bên đường vào cổng chính dài mấy km của Trung tâm văn hóa thế giới Quốc vương Abdulaziz. Buổi tối, tòa tháp chính của Ithra được chiếu các hình ảnh về trống đồng, Văn miếu… có thể nhìn thấy được từ xa.
Tiếp đến không gian trong nhà và ngoài trời rộng tới 85.000 m² là nơi trưng bày, giới thiệu về Việt Nam với các chủ đề đa dạng như lịch sử, di sản, đất nước, con người. Các hoạt động như chiếu phim; biểu diễn nhạc cụ dân tộc; múa lân; trình diễn kịch xiếc mới múa tre; nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật khắc gỗ; giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt cũng đã đến được với công chúng tại Vương quốc dầu mỏ này.
Bên cạnh đó, các trang phục truyền thống đặc biệt tiêu biểu của các dân tộc Kinh, Thái, Dao, Mông, Khơ mú, Ba Na, Lô lô… cũng được trưng bày, thể hiện tính đa văn hóa, đa dân tộc. Nhà gỗ mái lá, cà phê Việt Nam mang thêm không gian và hương vị Việt tới bạn bè Saudi Arabia.
Các hình ảnh về trống đồng, Văn miếu… được chiếu lên Tòa tháp chính của Ithra.
Ngay lối vào đại sảnh là Góc giới thiệu về ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng, bằng tiếng Ả rập và tiếng Anh. Sát đó có góc thư pháp Việt Nam. Thật xúc động khi thấy những người đàn ông áo dài khăn vấn thobe, những người phụ nữ choàng abaya đen, những cô bé, cậu bé rõ là người A rập, Hồi giáo nắn nót cố gắng viết từ trái sang phải các chữ tiếng Việt có đủ dấu như “đất nước”, “gia đình”, “học vấn”, “giáo dục”, “xin chào”, “tạm biệt”, “cám ơn”.
Có những người địa phương trầm ngâm trước các bộ trang phục truyền thống được mang từ Việt Nam sang, nhận xét chất liệu và văn hoa có những nét giống với các trang phục truyền thống của người Saudi Arabia. Các workshop vẽ trên nón lá, mặt nạ các con thú… lúc nào cũng đầy ắp người. Các gian hàng để chụp ảnh Việt Nam luôn xếp hàng dài, với các cô bé, cậu bé cùng bố, mẹ kiên nhẫn chờ đến lượt.
Ẩm thực Việt cũng đã gây được ấn tượng mạnh đối với các thực khách. Nhà hàng Hương vị Việt Nam ở tầng 14 luôn có thực khách đặt kín chỗ, phục vụ thực đơn của cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Các nhân viên quầy ẩm thực Việt luôn tất bật chuẩn bị món ăn Việt.
Trong khu vườn rộng ngay lối vào Ithra, Góc ẩm thực Việt ngoài trời do Đầu bếp Ngọ Văn Chung dẫn đầu luôn bận bịu phục vụ các món ăn truyền thống như phở, nem cuốn, chả cá, tôm bao mía, xôi, cùng các món ăn đường phố của người Việt. Các góc bán cà phê Việt cũng luôn “cháy hàng”.
Được biết, để góp phần quảng bá văn hóa Việt, gần 50 người gồm nhóm các nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện Hà Nội; nhóm Võ đường Vệ sỹ Thăng long võ đạo thuộc Hội Võ thuật Việt Nam; Đại diện của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; nhóm các đầu bếp, phụ bếp; nhóm xiếc kịch tre hiện đại À Ố cùng nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân thuộc các đơn vị khác nhau của Việt Nam đã sang nơi đây.
Theo Nghệ sĩ ưu tú Bùi Lệ Chi, Trưởng bộ môn Đàn Bầu, Nhạc viện Hà Nội, đoàn nhạc cụ dân tộc biểu diễn trung bình 6 suất/ngày, 8 suất vào ngày cuối tuần. Tần suất biểu diễn của nhóm múa lân của Võ đường Vệ sỹ Thăng long võ đạo cũng vậy; không khí thật náo nhiệt, nhất là với các khán giả nhỏ tuổi.
Đoàn nghệ thuật múa xiếc tre của Công ty Làng Phố mỗi ngày diễn 1 suất, ngày cuối tuần 2 suất, khán phòng 900 ghế luôn luôn bán hết vé. Phim Việt Nam được công chiếu có phim tham dự giải Oscar “Cha cõng con”; phim tư liệu “Hà Nội” được các bạn Saudi Arabia đích thân vào Việt Nam thực hiện.
Khách tham quan cùng xem các chương trình biễu diễn.
Khách địa phương tham dự sự kiện, có người đã đến Việt Nam nhưng cũng có người mới chỉ nghe đến tên Việt Nam. Tất cả đều có điểm chung là rất thích những món ăn mang đậm hương vị Việt, những sản phẩm trang trí tại sự kiện được mang trực tiếp từ Việt Nam sang.
Đặc biệt, họ rất thích các show diễn đậm chất truyền thống, văn hóa Việt. Một khách đến từ Bahrain (nước láng giềng của Saudi Arabia) nói: “Tôi đã đọc, tìm hiểu về Việt Nam và rất ấn tượng với quá khứ hào hùng trong thời kỳ chiến tranh của đất nước các bạn. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt trải nghiệm không gian, món ăn của Việt Nam. Quả thực, đất nước bạn rất đẹp, nhiều món ăn ngon và nghệ thuật thì phong phú và đa dạng…”.
Mang tâm trạng chung của người Việt tại Saudi Arabia, Chị Phạm Thị Mây, anh Đỗ Văn Chương đều rất “xúc động” và “cảm thấy tự hào dân tộc” khi thấy hàng dài cờ Việt Nam ở lối vào, khi được hòa mình vào sự kiện mang đậm nét Việt Nam, với không gian kiến trúc, món ăn và đặc biệt là âm nhạc.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Đại sứ Vũ Viết Dũng giới thiệu với khách mời trang phục dân tộc.
Đại sứ Vũ Viết Dũng và phu nhân tham quan các gian hàng.
Cùng trò chuyện với khách mời.
Các em bé Saudi Arabia thực hành tô tượng.
Ithra là trung tâm Văn hóa đầu tiên và lớn nhất tại Saudi Arabia, được thành lập năm 2016 với sự đỡ đầu của Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Saudi ArabiaSaudi Aramco. Ithra đi tiên phong trong cuộc cách mạng văn hóa của Saudi Arabia, bước đầu đưa văn hóa truyền thống nước này ra với thế giới và đưa nghệ thuật, tinh hoa các nước trên thế giới đến Saudi Arabia.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-net-van-hoa-viet-nam-tai-saudi-arabia-109340.html