Dám nghĩ, dám làm, hành động quyết liệt vì mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm 2026

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị và địa phương không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, không để lãng phí thời gian và cơ hội, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của mọi chính sách, đồng lòng, hành động quyết liệt để tăng trưởng cả nước năm 2026 đạt 2 con số và hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Chỉ thị số 14 ngày 28/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026.

Chỉ thị nêu rõ: Năm 2025, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ và cạnh tranh chiến lược nước lớn, triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, mang lại cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia.

Trong nước, tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực; chủ động ứng phó từ sớm, kịp thời, hiệu quả với chính sách thuế của Mỹ và thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững. Đồng thời hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, tạo không gian phát triển mới. Đẩy mạnh 3 đột phá, "bộ tứ trụ cột" và các chiến lược về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng và thi hành pháp luật, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo.

Năm 2026 là năm diễn ra Đại hội lần thứ XIV của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng là năm đầu triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2026 - 2030, bước vào Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tăng trưởng hai con số ngay từ năm 2026. Tuy nhiên, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những thay đổi sâu sắc, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế tập trung giải quyết các điểm nghẽn, vấn đề nội tại, đồng thời thích ứng hiệu quả hơn với bối cảnh toàn cầu mới.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) không ngừng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để lãng phí thời gian và cơ hội, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của mọi chính sách, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để tăng trưởng cả nước năm 2026 đạt hai con số và hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo đà thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2026 - 2030...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Kế hoạch phát triển KTXH năm 2026 được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, thực chất kết quả thực hiện Kế hoạch năm 2025 và dự báo tình hình thế giới, trong nước; phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng năm 2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý.

Trong đó, tập trung làm rõ một số vấn đề: Công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn;

Giải quyết các dự án tồn đọng; xây dựng khung khổ pháp lý để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo... Hoàn thiện các quy định về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...

Điều hành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa, hiệu quả các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, làm rõ công tác điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá, quản lý thị trường vàng; thu chi ngân sách; điều hành giá; các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất...

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; kỷ luật, kỷ cương, hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh sắp xếp, xử lý hiệu quả tài sản công sau sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án quy mô lớn. Thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển...

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dam-nghi-dam-lam-hanh-dong-quyet-liet-vi-muc-tieu-tang-truong-2-con-so-nam-2026-post550025.html