Dám nghĩ - yêu cầu căn bản để tạo ra đột phá
Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã có chỉ đạo rất sâu sắc về công tác cán bộ. Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu, cần phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần '7 dám': 'Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung'. Trong tinh thần '7 dám', thì dám nghĩ là yêu cầu căn bản, quan trọng đầu tiên để có thể tạo nên bước đột phá thay đổi trong tư duy, nhận thức.
Dám nghĩ được hiểu một cách đơn giản là sự mạnh dạn thay đổi trong tư duy, nhận thức và tư tưởng theo chiều hướng tích cực, là sự nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách tổng quan, toàn diện, khoa học và tích cực để đưa ra biện pháp khắc phục khó khăn, đưa đơn vị phát triển đi lên. Tinh thần dám nghĩ đối lập với sự chây ì, ỷ lại, bảo thủ trong tư duy và nhận thức. Người cán bộ có tinh thần dám nghĩ sẽ luôn nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, luôn trăn trở, đau đáu vì nhiệm vụ của đơn vị, vì lợi ích của tập thể để tìm ra cách làm, biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Người cán bộ có tinh thần dám nghĩ cũng luôn có tinh thần cầu thị, không bằng lòng, không tự mãn với kết quả của bản thân và đơn vị, mà luôn có chiều hướng phấn đấu, tiến về phía trước. Người cán bộ có tinh thần dám nghĩ sẽ luôn thường trực trong suy nghĩ câu hỏi: Phải làm như thế nào để đơn vị mình hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn? Phải làm gì để đơn vị khắc phục khó khăn, chấm dứt hạn chế, khuyết điểm?
Sự thay đổi trong tư duy, nhận thức sẽ là bước khởi đầu, dẫn đến những thay đổi trong thực tại. Bài học lịch sử của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đã cho thấy điều đó. Chỉ một bước thay đổi trong tư duy, trong nhận thức, nắm bắt thời cuộc đã giúp cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vượt lên bứt phá, trở thành cường quốc về kinh tế và công nghiệp điện tử. Ngược lại, nhiều quốc gia "ngủ quên" trên chiến thắng, trì trệ, chậm đổi mới, đã dẫn đến những kết cục thất bại.
Lịch sử đất nước ta cũng đã cho thấy, bài học về tinh thần dám nghĩ và dám nghĩ lớn đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước. Đó là câu chuyện về tinh thần đổi mới đất nước. Chỉ một thay đổi về tư duy, cách nghĩ thay đổi cơ chế quản lý, điều hành đất nước từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã "cởi trói" cho nền kinh tế. Từ sự thay đổi về tư duy ranh giới bạn - thù sang thành đối tượng - đối tác đã giúp chúng ta phá thế bao vây cấm vận, mở cửa giao lưu hội nhập sâu rộng với thế giới.
Trong chiến tranh, tinh thần dám nghĩ của bộ đội trên chiến trường đã được phát huy cao độ. Trước tiên, đó là tinh thần dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận hi sinh để đánh thắng quân xâm lược. Với tinh thần dám nghĩ, cán bộ, chiến sĩ đã tìm ra những biện pháp hiệu quả để khắc chế vũ khí của địch, tìm ra điểm yếu của đối phương để giải quyết trận đánh. Với tinh thần dám nghĩ mà chúng ta không sợ kẻ địch mạnh, không sợ chúng có vũ khí nhiều, quân số đông, mà còn biết cách để buộc quân thù phải đánh theo cách đánh của ta. Quyết định thay đổi phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trước giờ nổ súng của Chiến dịch Điện Biên Phủ là một ví dụ.
Trong thực tế hoạt động của bộ đội, mỗi cán bộ, chiến sĩ có trình độ hiểu biết, kinh nghiệm và thế mạnh khác nhau. Mỗi người có một suy nghĩ, cách nghĩ và cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Vì thế, nếu người chỉ huy biết tận dụng, phát huy được hết những suy nghĩ của bộ đội, sẽ có được những ý tưởng hay, kinh nghiệm phong phú để vận dụng vào quá trình lãnh đạo, chỉ huy và điều hành đơn vị. Nhiều đơn vị quân đội hiện nay đã làm được việc đó.
Trong các buổi giao ban, hội ý, sinh hoạt đơn vị, thay vì kể lể thành tích, cấp ủy, chỉ huy đơn vị yêu cầu cán bộ, chiến sĩ suy nghĩ, đề xuất biện pháp khắc phục khó khăn của đơn vị. Chính với cách làm này, mà người chỉ huy tập hợp được những biện pháp để giải quyết các vấn đề đơn vị đang đặt ra. Đây cũng là biện pháp để phát huy trí tuệ tập thể, phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Nghĩ thì dễ, nghĩ cũng không khó, suy nghĩ luôn tồn tại trong mỗi người. Nhưng dám nghĩ theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là một bước phát triển cao hơn. Đó là dám nghĩ, dám mơ ước, dám kỳ vọng và dám tin tưởng vào sự lớn mạnh của đất nước, của Quân đội và đơn vị. Không những dám nghĩ một cách thông thường, mà phải dám nghĩ lớn để vượt lên những tầm nhìn, tư duy hạn hẹp.
Vì thế, tinh thần dám nghĩ cũng chính là đưa ra được những dự báo mang tính dài hơn, chiến lược, căn bản. Mỗi người, tùy theo chức trách nhiệm vụ của mình, nếu chịu khó đào sâu, tìm tòi suy nghĩ, chúng ta sẽ luôn có được cho mình sự trưởng thành trong tư duy và nhận thức. Khi nhận thức ngày càng được bồi đắp và định hướng đúng, khi tư duy càng được "cởi trói", thông thoáng thì những ý tưởng mới, những biện pháp hay sẽ được hình thành.
Thấu suốt trong tinh thần chỉ đạo "7 dám" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó không chỉ là yêu cầu, mà còn là kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Với tinh thần dám nghĩ và dám nghĩ lớn, cán bộ, chiến sĩ toàn quân sẽ có những bước đột phá, đổi mới trong tư duy, nhận thức về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những kế sách đối phó, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xung đột, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Và điều đó bắt đầu từ tinh thần dám nghĩ.