Đạm Ninh Bình xin Chính phủ hỗ trợ trả nợ 162 triệu USD
Trước khó khăn do hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, đắp chiếu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép khoanh nợ và hỗ trợ trả khoản vay 162 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để triển khai dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Xin Chính phủ gánh hộ nợ
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án tài chính cho dự án, Bộ Tài chính cho biết, dự án được triển khai với vốn tự có của Vinachem 100 triệu USD. Để vay được 250 triệu USD với lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm của Eximbank Trung Quốc, chủ đầu tư phải ký hợp đồng với nhà thầu với HQC của Trung Quốc. Dù được đưa vào vận hành từ năm 2012 nhưng nhà máy liên tục thua lỗ và phải tạm dừng chạy trong một thời gian để tìm phương án hiệu quả hơn. Tính đến cuối tháng 3/2017, Vinachem đã trả nợ gốc tổng cộng 7 lần với số tiền 87,5 triệu USD và đến nay dư nợ vay còn 162,5 triệu USD.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, tổng tài sản Công ty Đạm Ninh Bình đạt 10.075 tỷ đồng, giảm 8,65% so với năm 2015, nhà máy đã vận hành ổn định, tình hình sản xuất, tiêu thụ đã khả quan hơn. Cũng trong năm qua, Vinachem đã phải hỗ trợ Đạm Ninh Bình thanh toán nhiều khoản nợ đến hạn, trong đó có 25 triệu USD để trả China Eximbank.
“Lợi nhuận trong năm 2016 sụt giảm do doanh thu bán hàng giảm mạnh, giá phân bón trên thị trường quốc tế giảm sâu dẫn đến doanh thu không bù đắp được chi phí. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ thêm 1.132 tỷ đồng. Công ty chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay”, Bộ Tài chính cho biết.
Về đề xuất của Vinachem, Bộ Tài chính cho biết, khoản vay của Dự án Đạm Ninh Bình thuộc nguồn tín dụng ưu đãi bên mua, không phải khoản vay ODA và có tính ưu đãi hạn chế. Theo Bộ Tài chính, qua trao đổi sơ bộ với phía China Eximbank, phía Trung Quốc cho biết, không có chính sách hỗ trợ dự án sử dụng vốn vay khó khăn và đối với phía Trung Quốc, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp, mà là Chính phủ Việt Nam.
“Nếu theo phương án đề xuất của Vinachem, từ năm 2017-2022, ngân sách nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem 125 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nguồn thu của quỹ tích lũy trả nợ rất hạn chế, trong khi đang phải định kỳ trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp khó khăn như Giấy Phương Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (tức Vinashin trước đây, nay là SBIC). Việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là chưa phù hợp”, Bộ Tài chính nêu quan điểm và đề nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc, vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ, cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.
Cả tập đoàn làm việc không đủ trả nợ hộ Đạm Ninh Bình
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, với gánh nặng các dự án thu lỗ nghìn tỷ, năm 2016, Vinachem lỗ tổng cộng 895 tỷ đồng do giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp tăng cao, chi phí lãi vay tăng 346 tỷ đồng, trong khi các doanh thu và thu nhập khác đều giảm. Tổng tài sản năm 2016 của tập đoàn giảm 1,68%. Trong đó riêng khoản lỗ lũy kế của Đạm Ninh Bình đến nay đã lên tới trên 3.058 tỷ đồng.
Để giải cứu cho đơn vị thành viên, Vinachem đã nhiều lần phải đứng ra trả nợ thay những khoản vay của Đạm Ninh Bình tại Eximbank Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển – VDB, Ngân hàng Vietinbank với số tiền hơn 2.211 tỷ đồng. Để Đạm Ninh Bình có thể hoạt động trở lại được, thậm chí Tập đoàn hóa chất còn phải nhiều lần hỗ trợ vốn ngắn hạn cho công ty với số tiền xấp xỉ 400 tỷ đồng.
Cụ thể, trong 2 năm 2016, tổng số tiền Vinachem cho Đạm Ninh Bình vay dài hạn để trả nợ Eximbank Trung Quốc lên tới hơn 1.105 tỷ đồng, chưa kể phần hỗ trợ trả nợ dài hạn hơn 140 tỷ đồng. Vinachem cũng đứng ra trả nợ thay khoản vay của Đạm Ninh Bình tại VDB Ninh Bình 242 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này cũng phải bỏ ra hơn 428 tỷ đồng để cho Đạm Ninh Bình vay ngắn hạn trả nợ gốc và lãi hai ngân hàng là VDB Ninh Bình và Vietinbank Hà Nội.
Trong văn bản gửi Chính phủ về việc giải cứu, Đạm Ninh Bình cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng với VDB thành 20 năm. Cùng với đề xuất cân đối trả nợ gốc theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ tài trợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án, Đạm Ninh Bình cũng đề xuất được điều chỉnh lãi suất tiền vay trong giai đoạn 2017 đến 2021 giảm xuống còn 3%/năm. Từ năm 2022 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55% được điều chỉnh về mức lãi suất công bố của Bộ Tài chính.
Cũng theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Đạm Ninh Bình thua lỗ nặng nhiều năm do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, việc Vinachem cho nghiệm thu nhà máy dù không đạt theo quy định của hợp đồng EPC được coi là những lỗ hổng lớn trong việc nhà máy không đạt hiệu quả về sau. Theo đó, lãnh đạo Vinachem đã chấp nhận cho đối tác Trung Quốc bồi thường các thông số không đạt với số tiền 1,62 triệu USD. Cụ thể, tiền bồi thường chất lượng nước thải xưởng tổng hợp Urê là 160.973 USD. Bồi thường tiêu hao than cho các lò hơi nhiệt điện hơn 1,09 triệu USD, bồi thường tiêu hao ký mới cho sản xuất NH3 275.765 USD, bồi thường tiêu hao NH3 82.383 USD.
“Vinachem cần tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ”.
Bộ Tài chính yêu cầu