Đàm phán ba bên Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan rơi vào bế tắc

Các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các phái đoàn từ Thụy Điển và Phần Lan trong tuần này về chuyện gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu đạt được rất ít tiến triển và vẫn chưa rõ khi nào các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ diễn ra.

"Đó không phải là một quá trình dễ dàng. Họ cần phải thực hiện các bước cụ thể và khó khăn. Các cuộc đàm phán sâu hơn sẽ tiếp tục. Nhưng có thể trong một ngày dường như không gần lắm", một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters hôm thứ Sáu (27/5).

Phái đoàn Thụy Điển đàm phán với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hồi giữa tuần này. Ảnh: Reuters

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO vào tuần trước để tăng cường an ninh của họ sau khi chiến sự xảy ra giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, đơn xin gia nhập của 2 nước nói trên chỉ có thể được thông qua nếu nhận được sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên NATO hiện tại.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai phản đối khi nói rằng Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp những người mà họ gọi là các nhóm khủng bố. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm thứ Sáu vừa rồi cho biết đất nước của ông hy vọng Thụy Điển và Phần Lan sẽ có hành động cụ thể và ngừng hỗ trợ cho các “nhóm khủng bố”.

Một nguồn tin thân thuộc tình hình cho biết cuộc đàm phán ba bên không đạt được tiến triển rõ ràng và kết thúc mà không có thời hạn để tiếp tục, làm dấy lên triển vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể vẫn đưa ra phản đối khi NATO tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 29-30 tháng 6 tại Madrid.

Nguồn tin thứ khác cho biết thêm với Reuters rằng các cuộc thảo luận kéo dài 5 giờ diễn ra thân mật và bao gồm các phiên họp riêng giữa các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và những người đồng cấp từ hai nước Bắc Âu, sau đó là các cuộc đàm phán ba bên.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thụy Điển nói với Reuters trong tháng này rằng việc trục xuất những người không nằm trong danh sách khủng bố của Liên minh châu Âu là "hoàn toàn không thể tưởng tượng được".

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cho biết trên Twitter hôm thứ Sáu vừa qua rằng các báo cáo nói rằng các chính trị gia Thụy Điển đại diện cho PKK, tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, là không chính xác.

Thụy Điển và Phần Lan đã cấm xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc tấn công năm 2019 của Ankara vào Syria chống lại lực lượng dân quân người Kurd YPG. Thổ Nhĩ Kỳ coi cả hai nhóm YPG và PKK là tổ chức khủng bố.

Bùi Huy (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dam-phan-ba-ben-tho-nhi-ky-thuy-dien-va-phan-lan-roi-vao-be-tac-post196804.html