Người gốc Ấn có thị thực H-1B không dám rời Mỹ vì sợ chính sách nhập cư thay đổi

Trang Straits Times cho biết bất chấp Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng bảo vệ chương trình thị thực H-1B cấp cho lao động nước ngoài tay nghề cao, nhiều người gốc Ấn vẫn không dám rời Mỹ vì sợ chính sách nhập cư sắp có thay đổi lớn.

Khi kỹ sư thiết kế ô tô gốc Ấn Kumar đến từ thành phố Santa Clara (bang California) đang đi nghỉ tại thành phố Mumbai, luật sư di trú nhắc nhở ông quay về Mỹ trước ngày 20.1 – thời điểm Tổng thống Trump làm lễ nhậm chức. Không chỉ Kumar mà rất nhiều người có H-1B cũng được bên sử dụng lao động hay luật sư của mình yêu cầu tránh rời Mỹ nhằm tránh tình huống quy định về nhập cư thay đổi khiến họ khó nhập cảnh.

Chương trình H-1B cho phép 65.000 lao động tay nghề cao nhập cư vào Mỹ mỗi năm để đảm nhận một số công việc cụ thể, đồng thời cấp thêm 20.000 thị thực khác cho trường hợp lấy được bằng cấp cao hơn tại Mỹ. Giới chuyên gia kinh tế nhận định chương trình giúp doanh nghiệp Mỹ duy trì năng lực cạnh tranh đồng thời tạo ra nhiều việc làm hơn. Công ty công nghệ có nhu cầu cao về lao động lành nghề nên hưởng lợi lớn từ H-1B.

Là nhóm nhập cư vào Mỹ lớn thứ hai chỉ sau người gốc Mexico, người gốc Ấn đang là tâm điểm của cuộc tranh luận gay gắt xoay quanh H-1B. Trong năm 2023, hơn 72% số thị thực loại này được cấp và gia hạn (278.148 trường hợp) dành cho người gốc Ấn, xếp sau là người gốc Trung với 12%. Gần 2/3 người có H-1B làm công việc liên quan đến máy tính và nhận mức lương trung bình 118.000 USD/năm.

Người gốc Ấn có H-1B thường làm bác sĩ, y tá, giáo sư, học giả, nhưng họ thiết lập nên ảnh hưởng mạnh mẽ trong trong ngành công nghệ Mỹ do nắm giữ loạt vị trí lãnh đạo ở công ty hàng đầu như Google, Microsoft, Apple. Tuyển thủ bóng gậy Saurabh Netravalkar - nổi tiếng nhờ chơi cho đội tuyển Mỹ tại World Cup T20 năm ngoái - là kỹ sư phần mềm có H-1B.

Vài tuần qua, nhà phát triển hệ thống kinh doanh thông minh Vasanth Kalyan (làm việc cho một bệnh viện ung thư trên địa bàn bang Florida) cảm thấy bị xúc phạm và bất an khi đọc những bình luận trực tuyến lẫn bình luận tin tức gọi người có H-1B như ông là “lao động giá rẻ” hay “kẻ xâm lược”. Thậm chí bình luận còn leo thang thành lời chế giễu phân biệt chủng tộc nhắm vào văn hóa Ấn Độ và tuyên bố cáo buộc người nước ngoài đánh cắp việc làm của người Mỹ.

“Đây là lần đầu tiên tôi thấy lực lượng cánh hữu ở Mỹ chuyển từ thù ghét người Hồi giáo, người gốc Mexico sang người gốc Ấn”, ông Kalyan chia sẻ.

Cuộc tranh luận xoay quanh H-1B bùng lên sau khi Tổng thống Trump thông báo chọn nhà đầu tư mạo hiểm Sriram Krishnan làm cố vấn trí tuệ nhân tạo (AI). Nhân vật này sinh ra và học tập tại Ấn Độ, năm 2007 chuyển đến Mỹ làm việc cho Microsoft, sau đó đảm nhiệm vị trí cấp cao ở Snap, Facebook, Yahoo, Twitter, năm 2016 thì chính thức trở thành công dân Mỹ.

Hàng loạt nhân vật cánh hữu ủng hộ Tổng thống Trump lập tức lên tiếng chỉ trích cố vấn AI tương lai vì ông từng kêu gọi “xóa bỏ giới hạn quốc gia trong cấp thẻ xanh (H-1B)” hay “mở cửa đón lao động có tay nghề”. Tỷ phú công nghệ Elon Musk cùng doanh nhân y dược Vivek Ramaswamy - hai người được giao lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ - cũng hứng chịu phản ứng mạnh mẽ do đăng bài ủng hộ chương trình H-1B.

Phía Tổng thống Trump lại thể hiện lập trường mâu thuẫn nhau. Trước đây ông từng chỉ trích gay gắt chương trình H1-B, xem đây là “công cụ” mà doanh nghiệp Mỹ lợi dụng để tuyển dụng lao động nước ngoài rẻ hơn lao động trong nước. Ở nhiệm kỳ đầu tiên năm 2020, ông từng hạn chế cấp thị thực loại này.

Nhưng khi tranh cử năm 2024, Tổng thống Trump lại tỏ ra khoan dung hơn, thậm chí còn cam kết cấp quyền thường trú cho bất kỳ công dân nước ngoài nào tốt nghiệp đại học tại Mỹ. Ông sau khi đắc cử còn khẳng định đất nước cần chương trình H-1B.

Người đang có H-1B lo bị ảnh hưởng

Bất chấp Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ H-1B, người gốc Ấn có H-1B vẫn lo nhà lãnh đạo đắc cử sẽ phải nhượng bộ trước áp lực, thực thi chính sách nhập cư cứng rắn với cả trường hợp sở hữu thị thực hợp pháp.

Ông Kalyan nói với Straits Times: “Toàn bộ cuộc sống của chúng tôi dựa trên nền tảng H-1B đang bất ổn. Tổng thống Trump là người khó đoán nên tôi rất lo lắng”.

Ở nhiệm kỳ thứ hai, cố vấn cấp cao Stephen Miller - người soạn thảo chính sách siết chặt việc cấp H-1B, khiến tỷ lệ từ chối ở nhiệm kỳ đầu tăng vọt lên 24% - sẽ quay trở lại, dự kiến đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ phụ trách vấn đề nhập cư.

Nhiệm kỳ đầu tiên cũng chứng kiến số năm được tuyển dụng tạm thời theo chương trình đào tạo thực hành sau tốt nghiệp (OPT) của sinh viên quốc tế khối ngành khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học bị điều chỉnh. Số lượng sinh viên quốc tế sang Mỹ trong ba năm tính từ năm 2016 sụt giảm liên tiếp.

Một giáo sư y tế gốc Ấn tại Đại học bang California (lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ) cho biết thay đổi của H-1B lẫn OPT từng khiến bà phải trải qua quá trình tìm việc vô cùng căng thẳng. Tuy hiện tại đã có công việc ổn định, bà vẫn lo con mình phải sống trong một môi trường phân biệt chủng tộc nặng nề.

Lựa chọn khác ngoài Mỹ

Thuộc số 12.000 nhân viên bị Google sa thải năm 2023, kỹ sư phần mềm Shaunak Pagnis phải vội vã tìm việc mới trong vòng 60 ngày để tránh bị trục xuất. Hiện anh làm việc cho một công ty kinh doanh.

Còn nhà phân tích kinh doanh Pavan Nagaraj phải cố ở lại Mỹ bằng cách xin thị thực người phụ thuộc vợ làm bác sĩ vào năm 2018. Thị thực loại này không cho phép làm việc nên khiến ông bị trầm cảm thời gian dài, 6 năm sau ông mới được phép làm việc.

“Không ngày nào mà tôi không nghĩ cuộc sống của mình sẽ khác biệt ra sao nếu đến châu Âu, Úc hay Canada, nơi bạn bè nhanh chóng được cấp tư cách thường trú và hiện đã hòa nhập”, Nagaraj chia sẻ.

Nếu quá chán ngán phải chờ đợi, người gốc Ấn hoàn toàn có thể lựa chọn đến Dubai, Singapore, Hồng Kông, Canada hay thậm chí về Ấn Độ. Ngày nay cơ hội việc làm trong loạt lĩnh vực phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu, AI và an ninh mạng ở những nơi này cũng rất nhiều. Đặc biệt ngành công nghệ Ấn Độ đã tuyển dụng đến 424 triệu lao động, mức lương khoảng 8.100 - 50.000 USD cho công việc từ cấp độ đầu vào đến cấp độ trung bình.

Nhưng vẫn có người mong muốn di cư sang Mỹ để hưởng mức lương cao hơn, cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn, cuộc sống thoải mái hơn cũng như triển vọng con cái được mang quốc tịch Mỹ khi sinh ra trên đất Mỹ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nguoi-goc-an-co-thi-thuc-h-1b-khong-dam-roi-my-vi-so-chinh-sach-nhap-cu-thay-doi-228174.html