Đàm phán bế tắc, đâu là 'con đường mới' của Triều Tiên?

Tháng 4 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã kêu gọi Mỹ đưa ra 'đề xuất mới' vào cuối năm nay nhằm thúc đẩy đàm phán hạt nhân đang bế tắc, nếu không Triều Tiên sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn 'con đường mới'. Mới đây nhất, Triều Tiên tiếp tục cảnh báo thời hạn chót đang đến gần và sẽ tặng 'quà Giáng sinh' cho Mỹ, nhưng đó là món quà gì thì tùy thuộc vào quyết định của Washington.

Năm 2019 sắp hết, thời điểm tặng “quà Giáng sinh” đã qua, khả năng cao Bình Nhưỡng sẽ không nhận được điều mong muốn từ Washington. Diễn biến này làm dấy lên những nghi vấn về “con đường mới” mà ông Kim nhắc đến ở đây sẽ như thế nào? Liệu Triều Tiên có từ bỏ cam kết tạm dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), quay trở lại con đường phát triển đồng thời cả vũ khí hạt nhân và kinh tế?

Bởi như năm ngoái, sau phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thông báo ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, động thái mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2018 tại Singapore.

Và trong năm nay, như thông báo của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 29-12, Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên đã tiến hành họp để thảo luận về “các chính sách quan trọng cho chiến thắng mới trong cuộc cách mạng”, đồng thời “xác định hướng đi của Đảng Lao động Triều Tiên cũng như của đất nước và các chính sách quan trọng cho chiến thắng mới trong cuộc cách mạng của chúng ta trong tình hình hiện nay là những nội dung được đưa ra thảo luận trong ngày họp đầu tiên”.

Ngay trước thềm của Hội nghị Trung ương này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp Quân ủy Trung ương mở rộng, với mục đích thảo luận về "các biện pháp chính trị và cơ cấu tổ chức quan trọng cũng như các bước đi quân sự nhằm tăng cường" các lực lượng vũ trang, đồng thời đưa ra nhiều vấn đề trọng yếu định hướng củng cố nền quốc phòng và những vấn đề cốt lõi để phát triển năng lực của quân đội trong phòng vệ một cách nhanh chóng và liên tục.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 22-12-2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 22-12-2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN.

Còn trước đó, năm 2013, Triều Tiên đã thông qua quyết định về việc phát triển đồng thời cả vũ khí hạt nhân và kinh tế. Năm 2018, khi các cuộc tiếp xúc với Mỹ được nối lại, thì Triều Tiên cũng có hành động nhượng bộ, khi tuyên bố tạm dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, tập trung mọi nguồn lực vào xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tháng 2 năm nay, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 kết thúc mà không đạt kết quả gì, Hội nghị Trung ương 4 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên đã nhấn mạnh: “Cần giương cao hơn nữa ngọn cờ tự lực cánh sinh trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế tự chủ, giáng đòn mạnh mẽ vào các thế lực thù địch có ý đồ dùng bao vây cấm vận để khiến Triều Tiên phải khuất phục. Tháng 4 vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong Un yêu cầu Mỹ đưa ra phương án đàm phán trước cuối năm nay, nếu không Triều Tiên sẽ lựa chọn “con đường mới”.

Về phía Mỹ, từ giữa tháng 12 đến nay, Washington liên tục điều động máy bay trinh sát tới Bán đảo Triều Tiên để thực hiện các phi vụ giám sát. Có thời điểm Mỹ đã cùng lúc điều động 4 máy bay do thám RC-135W Rivet Joint, E-8C, RQ-4 Global Hawk và RC-135S Cobra Ball hoạt động trên vùng trời Bán đảo Triều Tiên. Trong đó, E-8C là loại máy bay trinh sát chuyên giám sát các mục tiêu mặt đất. Nhờ được trang bị Hệ thống radar tấn công mục tiêu giám sát liên quân, E-8C có thể phân biệt chính xác các mục tiêu mặt đất của Triều Tiên như tên lửa đất đối đất, xe phóng tên lửa, bộ đội dã chiến, căn cứ phóng vệ tinh..., từ độ cao 9000 – 12.000km. Điều đáng nói là, các máy bay trinh sát của Mỹ khi thực hiện nhiệm vụ luôn bật hệ thống định vị, cố ý để lộ hành tung, phát đi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng Mỹ đã chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley từng tuyên bố.

Bên cạnh người đồng minh Mỹ, quân đội Hàn Quốc cũng tăng cường năng lực do thám bằng việc trang bị máy bay không người lái (UAV) hiện đại RQ-4 Block 30 Global Hawk có khả năng giám sát toàn bộ bán đảo Triều Tiên cả ngày lẫn đêm. Theo Yonhap, đây là chiếc đầu tiên trong 4 chiếc Global Hawk Hàn Quốc đặt mua từ Mỹ trong một thỏa thuận năm 2011. Ba chiếc còn lại dự kiến được bàn giao cho Hàn Quốc trong 6 tháng đầu của năm 2020.

Từ bối cảnh đối thoại lâm vào bế tắc như hiện nay và quyết sách chiến lực được Triều Tiên đưa ra tại các hội nghị, có ý kiến cho rằng “con đường mới” lần này của Triều Tiên sẽ mang thông điệp khẳng định ý chí quân sự, có thể sẽ bao gồm những đối sách quân sự và giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó là những quan ngại cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại các hoạt động quân sự cứng rắn, đặc biệt là lựa chọn thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

THANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/dam-phan-be-tac-dau-la-con-duong-moi-cua-trieu-tien-606505