Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran: Cánh cửa khép hờ
Vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran tại Rome (Italy) cuối tuần trước đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, nhưng các bên đều đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại.
Điểm nghẽn vẫn là làm giàu uranium
Vòng đàm phán giữa Mỹ và Iran diễn ra tại Rome ngày 23/5/2025, là vòng đàm phán thứ năm về vấn đề hạt nhân của Iran được diễn ra dưới sự trung gian của Oman, kể từ khi bắt đầu vòng thứ nhất, khởi động từ ngày 12/4/2025 tới nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (bên phải) tới Rome để đàm phán với phái đoàn Mỹ.
Các cuộc thương thảo tại Rome - tổ chức ở Đại sứ quán Oman, với sự trung gian của Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr al-Busaidi - đã kéo dài hơn 4 giờ. Đàm phán chủ yếu diễn ra dưới hình thức gián tiếp, với các thông điệp được chuyển qua lại giữa Đặc phái viên Trung Đông của Nhà Trắng Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi.
Tuy các nỗ lực của các bên không dẫn tới thỏa thuận cụ thể nào, nhưng một quan chức Mỹ mô tả cuộc đàm phán tại Rome đạt được “tiến bộ rất tốt” trong cả trao đổi trực tiếp và gián tiếp. Còn Bộ trưởng ngoại giao Iran nói với hãng tin Reuters rằng, Tehran và Washington đã nhất trí về việc bắt đầu soạn thảo khuôn khổ cho một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng trong khi vẫn để lại các chi tiết quan trọng để đàm phán sau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 đã gửi thư cho lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei để hối thúc về một thỏa thuận hạt nhân mới.
Điểm mấu chốt cho đến nay vẫn là liệu Iran có được phép tiếp tục làm giàu uranium hay không. Mỹ muốn cắt đứt khả năng sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân của Iran nên vẫn kiên quyết yêu cầu Tehran ngừng sản xuất uranium làm giàu ở mức cao (hiện tại Iran có 274,8 kg uranium làm giàu 60%, gần đạt mức vũ khí 90%) và giới hạn làm giàu ở mức 3,67%, như quy định của JCPOA, tức “Thỏa thuận Hành động toàn diện chung” được hai nước ký năm 2015. Tuy nhiên, Iran kiên quyết rằng quyền làm giàu uranium là “không thể thương lượng” và từ chối tháo dỡ các máy ly tâm hoặc giảm kho dự trữ uranium dưới mức cho phép của JCPOA.
Trên thực tế thì Iran, trước áp lực kinh tế ngày càng nặng nề do những hoạt động cấm vận của Mỹ từng đề xuất một thỏa thuận khung. Một khuôn khổ như vậy có thể bao gồm quyền của Iran đối với một chương trình dân sự, nhu cầu về một chế độ thanh tra nghiêm ngặt để đảm bảo Iran không chế tạo bom và cam kết Tehran sẽ không tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Nhưng, sau vòng đàm phán tại Rome, có thể thấy việc làm giàu uranium vẫn là “điểm nghẽn” lớn nhất ngăn cản các bên có được một bước tiến thực sự.
Thậm chí, trước khi các quan chức Iran lên đường, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người ra quyết định của đất nước về các vấn đề an ninh, đã dự đoán rằng các cuộc đàm phán sẽ thất bại. Đây được xem là bình luận mang tính đối kháng nhất của ông Ali Khamenei về ngoại giao kể từ khi các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Iran do Oman làm trung gian bắt đầu vào ngày 12/4/2025.

Những đe dọa tấn công quân sự sẽ chỉ đẩy Iran ra xa bàn đàm phán.
Thông điệp cứng rắn này sau đó được các quan chức Iran phụ họa bằng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán có thể sụp đổ nếu Mỹ không nhượng bộ về vấn đề làm giàu uranium và nhấn mạnh Tehran để ngỏ cả việc không tham dự đàm phán. Nhưng, rốt cuộc thì vòng đàm phán tại Rome vẫn diễn ra đúng kế hoạch, như cách nói của một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng cuộc họp “sẽ không diễn ra nếu chúng tôi không nghĩ rằng có khả năng xảy ra”. Và, kết quả của sự kiện ấy, dù khiêm tốn vẫn đang mở ra một cơ hội để đôi bên đối thoại trong tương lai.
Cáo buộc "câu giờ" và những rủi ro
Theo phân tích của Báo Wall Street Journal, việc cuộc đàm phán tại Rome xác nhận cần thêm thời gian để xây dựng một khuôn khổ hướng dẫn tiến trình thỏa thuận hạt nhân lại làm dấy lên mối lo ngại trong số một số nhà lập pháp Mỹ và ở Israel rằng Iran sẽ sử dụng thời gian “câu giờ” để duy trì hoạt động làm giàu uranium.
Trước khi hai bên bước vào đàm phán tại Rome, hãng tin CNN cho biết họ có “thông tin tình báo mới cho thấy Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran” để ngăn chặn Tehran chế tạo bom hạt nhân nếu thấy cần thiết. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi sau đó đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
“Iran cảnh báo mạnh mẽ chống lại bất kỳ hành động phiêu lưu nào của chế độ Do Thái Israel và sẽ kiên quyết đáp trả bất kỳ mối đe dọa hoặc hành động phi pháp nào của chế độ này”, Bộ trưởng Araghchi viết trong một lá thư gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đồng thời cho biết Tehran sẽ coi Washington là “bên tham gia”vào bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã nói rõ rằng ông muốn “thỏa thuận” với Iran về chương trình hạt nhân của nước này và tránh chiến tranh, nhưng cũng đưa ra lời đe dọa. “Chúng ta đang tiến gần đến việc có thể đạt được một thỏa thuận mà không cần phải làm điều này”, ông nói khi dừng chân tại Qatar trong chuyến thăm Trung Đông tuần trước, ám chỉ đến các cuộc tấn công quân sự vào Iran. “Có hai bước. Có một bước rất, rất tốt đẹp, và có một bước bạo lực”.
Tất nhiên, khả năng Mỹ trực tiếp tấn công Iran là không cao, song khả năng Israel thực hiện một chiến dịch không kích nhằm loại bỏ năng lực hạt nhân của Tehran cũng chẳng thấp. Israel đã bị cáo buộc và đôi khi tự nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công và hoạt động phá hoại nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran trong nhiều năm qua. Chẳng hạn Israel, cùng với Mỹ, bị cáo buộc đứng sau cuộc tấn công bằng mã độc Stuxnet vào cuối những năm 2000, gây hư hại cho các máy ly tâm làm giàu uranium tại cơ sở Natanz của Iran. Nước này cũng bị nghi ngờ đứng sau các vụ nổ và sự cố điện tại cơ sở làm giàu uranium Natanz vào tháng 7/2020 và tháng 4/2021, gây ra thiệt hại đáng kể cho các máy ly tâm và làm chậm quá trình làm giàu uranium của Iran.
Israel không chính thức nhận trách nhiệm nhưng các quan chức tình báo phương Tây thường chỉ ra Mossad (cơ quan tình báo của Israel) là thủ phạm. Israel bị cáo buộc đã ám sát một số nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran trong những năm qua. Trong đó nổi tiếng nhất là vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, người được coi là "cha đẻ" chương trình hạt nhân quân sự của Iran, vào năm 2020.

Thủ tướng Israel Netanyahu nói về lo ngại của Israel trước việc Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân.
Dù chưa có cuộc tấn công quân sự quy mô lớn được xác nhận của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Israel cũng đã có tiền lệ tấn công các cơ sở hạt nhân bị coi là mối đe dọa. Ví dụ điển hình nhất là chiến dịch Opera vào năm 1981, khi Israel không kích và phá hủy lò phản ứng hạt nhân Osirak đang được xây dựng ở Iraq. Hồi tháng 10 năm ngoái, không quân Israel đã ném bom các cơ sở sản xuất tên lửa và hệ thống phòng không của Iran nhằm trả đũa việc Iran phóng một loạt tên lửa đạn đạo vào Israel hôm 1/10/2024.
Một cuộc tấn công lớn hơn, nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, cũng có thể xảy ra theo cách như thế. Bởi, tới nay, Iran là quốc gia Trung Đông duy nhất công khai không công nhận sự tồn tại của Israel và nhiều lần tuyên bố rằng Nhà nước Do Thái nên bị “xóa sổ khỏi bản đồ”. Việc các lãnh đạo cấp cao của Iran, như cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và nhiều tướng lĩnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo từng đưa ra những phát ngôn đậm tính thù địch, càng củng cố lập luận của Israel rằng một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là mối đe dọa sống còn với họ.
Một quá trình đòi hỏi thiện chí và kiên nhẫn
Theo những gì các nhà đàm phán ở Rome tuyên bố, có thể thấy cánh cửa vẫn chỉ khép hờ với Mỹ và Iran. Nếu các bên có thể tìm được tiếng nói chung về mức độ làm giàu uranium và cơ chế đảm bảo cho việc dỡ bỏ trừng phạt Iran, một thỏa thuận hạt nhân mới có thể được hoàn tất sớm.
Tuy nhiên, các yếu tố như áp lực từ Israel, sự chia rẽ trong nội bộ chính trường Mỹ và yêu cầu đảm bảo các điều kiện dỡ bỏ cấm vận của Iran có thể làm chậm tiến trình. Vì thế, dư luận quốc tế, dù lạc quan vẫn cảnh giác về khả năng thành công của vòng đàm phán tiếp theo nếu đôi bên không thay đổi cách tiếp cận vấn đề.
Ông Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran tại Nhóm khủng hoảng quốc tế ở Brussels, cho biết có một nhận thức sai lầm ở Washington rằng một Iran suy yếu sẽ có nhiều khả năng thỏa hiệp hơn. “Iran càng yếu thì họ càng miễn cưỡng đưa ra những nhượng bộ lớn”, ông Vaez nhận định và nhấn mạnh rằng, khó có khả năng Tehran sẽ đồng ý với một thỏa thuận chỉ dựa trên các điều khoản của Washington.
“Đó là một sự hiểu lầm hoàn toàn về tâm lý của người Iran”, ông Vaez nói. “Đối với Iran, đầu hàng còn tồi tệ hơn một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của họ. Iran sẽ không muốn nhượng bộ khi ở thế yếu, vì nếu làm vậy, họ sẽ tự đẩy mình vào con dốc trơn trượt có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ”.

Mỹ và Iran không đạt được thỏa thuận sau 4 tiếng đàm phán.
Chung quan điểm, bà Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, cho rằng các mối đe dọa chiến tranh sẽ chỉ khiến Iran “tăng gấp đôi lập trường cứng rắn hiện tại”. Nhiều nhà phân tích khác cũng tin rằng, một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ đánh dấu sự kết thúc của các cuộc đàm phán với Mỹ.
Ông Trita Parsi, Phó Chủ tịch điều hành Viện Quincy tại Washington đánh giá Mỹ đã “tự đẩy mình vào ngõ cụt một cách không cần thiết khi khăng khăng đòi Iran ngừng làm giàu uranium hoàn toàn” và nuôi dưỡng ý tưởng rằng các cuộc tấn công của Israel sẽ diễn ra nếu Iran không lùi bước.
“Cách tốt nhất để thúc đẩy đàm phán vẫn là thông qua kênh đối thoại và các cuộc thảo luận kín đáo giữa hai bên”, bà Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House nói. “Đấy sẽ là một quá trình cần nhiều kiên nhẫn và thiện chí”.