Đàm phán hòa bình Afghanistan: Khó khăn mới chỉ bắt đầu

Các bên tham chiến tại Afghanistan đã bắt đầu tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên nhằm nỗ lực chấm dứt hàng thập kỷ chiến tranh. Cuộc đàm phán quy tụ các đại biểu do Chính phủ Afghanistan và phe Taliban chỉ định, đồng thời ghi nhận sự góp mặt của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại lễ khai mạc được tổ chức ở Doha (Qatar), nơi các cuộc họp diễn ra.

Các cuộc thảo luận đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm hòa bình lâu dài, và điều này cũng sẽ mở đường cho quân đội Mỹ và NATO rời Afghanistan sau gần 19 năm. Các bên cố gắng giải quyết những vấn đề khó khăn, bao gồm các điều khoản về ngừng bắn vĩnh viễn, quyền phụ nữ và dân tộc thiểu số, cũng như giải trừ vũ khí của hàng chục nghìn chiến binh Taliban và dân quân trung thành với các lãnh chúa, trong đó có một số người thân chính phủ. Các bên cũng dự kiến thảo luận về những thay đổi hiến pháp và chia sẻ quyền lực.

Lạc quan thận trọng

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Taliban đã bắt đầu diễn ra tại Doha vào ngày 13-9, Chính phủ Afghanistan đã bày tỏ sự lạc quan một cách thận trọng về những tiến triển trong các vấn đề gai góc, trong đó có các lệnh ngừng bắn. Tại buổi lễ khai mạc diễn ra tại Doha, Chính phủ Afghanistan và các đồng minh, trong đó có Mỹ, đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, Taliban đã không hề nhắc đến lệnh ngừng bắn một lần nào từ lúc ngồi vào bàn đàm phán. Người đứng đầu tiến trình hòa bình đại diện cho Chính phủ Afghanistan là ông Abdullah Abdullah suy đoán rằng, Taliban có thể dùng một lệnh ngừng bắn để đổi lấy việc trả tự do cho thêm nhiều chiến binh nữa của họ đang bị bắt giam.

Chính phủ Afghanistan nói rằng “cuộc gặp đầu tiên giữa các nhóm liên lạc của hai đội ngũ đàm phán đã diễn ra vào ngày 13-9.” Hai bên đã thảo luận về các lịch trình đàm phán và một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, chi tiết về những bước đi tiếp theo chưa được tiết lộ.

Người phát ngôn Taliban Mohammad Naeem cũng xác nhận cuộc thảo luận đã chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, các đại biểu đều cảnh báo rằng cuộc đàm phán sẽ đầy khó khăn và phức tạp, và thực tế nó đang được bắt đầu ngay cả khi những cuộc đổ máu vẫn tiếp tục hoành hành Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng kêu gọi các bên tham chiến “tận dụng cơ hội này” để bảo vệ hòa bình. Ông nói: “Chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trong các cuộc đối thoại những ngày, tuần và tháng tới đây.”

Chiến tranh đã tàn phá Afghanistan hàng chục năm qua. Ảnh tư liệu

Chiến tranh đã tàn phá Afghanistan hàng chục năm qua. Ảnh tư liệu

Triển vọng xa vời

Trong một bài phát biểu tại lễ khai mạc, người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã nhắc lại thông điệp của phe nổi dậy rằng Afghanistan nên hoạt động dựa trên luật Hồi giáo, và đây có thể là một vấn đề nan giải.

Theo giới phân tích, một thỏa thuận hòa bình toàn diện có thể mất đến vài năm, và sẽ phải phụ thuộc vào sự sẵn sàng hóa giải các quan điểm bất đồng giữa hai bên về Afghanistan và mức độ họ có thể chấp nhận chia sẻ quyền lực với nhau. Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani muốn duy trì nguyên trạng được phương Tây ủng hộ của một nền cộng hòa hợp hiến với sự đảm bảo nhiều quyền lợi, bao gồm quyền tự do lớn hơn cho phụ nữ. Tuy nhiên, bà Ashley Jackson, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Hải ngoại, nhận định “những bất đồng nội bộ được lường trước, nhưng Taliban mới là bên ra quyết định chứ không phải phía Chính phủ Afghanistan.”

Nhà đàm phán chính phủ Habiba Sarabi cho biết khởi đầu cuộc đàm phán tỏ ra "rất tích cực." Trong khi đó, ông Abdullah cho biết tiến trình này "có thể là sự khởi đầu cho một sự kiện lịch sử sẽ được tạo ra trong tương lai gần - và hy vọng rằng sớm còn hơn là muộn."

Giới chuyên gia dự đoán các bên sẽ thảo luận về triển vọng của một chính phủ chuyển tiếp hoặc chính phủ liên minh, trong đó có tất cả các phe phái ở Afghanistan. Tuy nhiên, Sultan Barakat, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Xung đột và Nhân đạo tại Viện Nghiên cứu Doha, lại cho rằng “còn quá sớm để thảo luận về một chính phủ chuyển tiếp”. Ông phát biểu trên đài truyền hình Al-Jazeera tại Doha: “Có hàng loạt vấn đề cần giải quyết trước khi đi đến những chi tiết của một hình mẫu chính phủ như vậy.”

Mục tiêu của Mỹ

Sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại buổi lễ khai mạc ở Doha đánh dấu động thái mới nhất trong chuỗi các hành động ngoại giao của chính quyền Trump trước thềm cuộc bầu cử tháng 11 tới. Tổng thống Donald Trump cho biết là đến tháng 11, số binh sĩ Mỹ ở Afghanistan sẽ chỉ còn 4.000 người, giảm xuống từ con số 13.000 người khi thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký vào tháng 2-2020.

Michael Kugelman, PGĐ chương trình châu Á của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, nhận định: “Các mục tiêu của Washington rất đơn giản: Họ muốn các cuộc đàm phán nội bộ của Afghanistan diễn ra càng sớm càng tốt, bởi vì những cuộc đàm phán này tạo ra cho Nhà Trắng vỏ bọc chính trị để sử dụng cho cuộc rút quân sắp diễn ra.”

Theo chuyên gia này, nhiều khả năng là Tổng thống Trump muốn có một thỏa thuận hòa bình trước cuộc bầu cử, để ông có thể thu được nhiều lợi ích chính trị. “Nhưng có lẽ, chính ông cũng nhận ra rằng mong đợi sẽ sớm có thỏa thuận là điều phi thực tế. Các cuộc đàm phán kiểu này thường sẽ phải mất hàng năm trời, chứ không phải là vài tuần,” vị chuyên gia kết luận.

Các cuộc đàm phán do Mỹ hậu thuẫn diễn ra muộn hơn 6 tháng so với kế hoạch do những bất đồng xung quanh một thỏa thuận trao đổi tù nhân gây tranh cãi hồi tháng 2. Theo các điều khoản trong thỏa thuận rút quân được ký kết giữa Mỹ và Taliban, 5.000 tù binh Taliban đã được thả để đổi lấy sự tự do cho 1.000 binh sỹ của chính phủ.

Gần hai thập kỷ kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu vào Afghanistan nhằm lật đổ Taliban, cuộc chiến này đã khiến hàng chục người thiệt mạng mỗi ngày và làm cho nền kinh tế bị suy sụp, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Taliban lâu nay vẫn lo ngại rằng xung đột lắng dịu có thể sẽ khiến ảnh hưởng của họ bị giảm sút.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dam-phan-hoa-binh-afghanistan-kho-khan-moi-chi-bat-dau-210196.html