Đàm phán hòa bình cho Lybia vẫn diễn ra theo kế hoạch
Ngày 26/2, cuộc đàm phán hòa bình để tìm kiếm giải pháp chính trị cho Libya đã diễn ra ở Geneva theo đúng kế hoạch dù trước đó đã có nhiều nghi ngại về nguy cơ đổ vỡ do nhiều bên đối lập từ chối tham gia. Cuộc đàm phán diễn ra dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), nhưng hiện chưa có thông tin chi tiết về kết quả đàm phán.
Đây là một trong 3 kênh đàm phán ngoại ngoại giao do LHQ làm trung gian nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt hoàn toàn tình trạng xung đột ở thủ đô Tripoli của Lybia, vốn bùng phát từ tháng 4 năm ngoái sau các chiến dịch quân sự do lực lượng Quân đội miền Đông (LNA) tiến hành. Lực lượng này do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu, nhận được sự hỗ trợ của Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và sự ủng hộ chính trị của Mỹ, Nga và Pháp.
Trước đó, hồi đầu tuần này, giới chức quân sự của LNA và Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) - được LHQ công nhận và Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ - đã đạt được thỏa thuận mở đường cho một lệnh ngừng bắn ở xung quanh thủ đô Tripoli. Ngoài ra, kênh đàm phán về kinh tế cũng đã được tổ chức với kết quả hạn chế.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền với hai lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA và LNA. Tháng 4 năm ngoái, viện dẫn lý do chống khủng bố, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Tripoli, vốn nằm dưới quyền kiểm soát của GNA. Từ đó đến nay, nhiều nỗ lực nhằm nối lại đàm phán giữa hai phe đối địch ở Lybia để đi tới một thỏa thuận chấm dứt xung đột đã được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là LHQ, tích cực thúc đẩy song những nghi ngờ và bất đồng vẫn tiếp tục bao phủ tiến trình này.
Theo thống kê, cuộc nội chiến ở Lybia từ tháng 4 năm ngoái đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, khiến hàng nghìn người bị thương và đẩy hơn 150.000 người vào cảnh phải rời bỏ nhà cửa.