Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine:Có bước tiến, chưa đột phá
Tiến trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã có diễn biến mới trong những ngày gần đây. Tuy cả hai bên đều thể hiện thiện chí đối thoại, song chưa có đột phá do còn nhiều rào cản, phản ánh sự phức tạp và nhạy cảm của cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm qua.

Một lệnh ngừng bắn tạm thời có thể là bước khởi đầu lý tưởng cho viễn cảnh hòa bình giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Tass
Mátxcơva ngày 19-4 cho biết đã ghi nhận tiến triển trong đàm phán về chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, song quá trình liên lạc với Hoa Kỳ "vẫn còn phức tạp". Trong phát biểu đưa ra, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh tới việc Nga tiếp tục tuân thủ lệnh tạm ngừng tập kích hạ tầng năng lượng, cho rằng đây là một cử chỉ thiện chí của Mátxcơva. Tuy nhiên, quan chức này cũng cáo buộc Ukraine không tuân thủ thỏa thuận và liên tục tập kích các cơ sở năng lượng trong lãnh thổ Nga. Theo ông Dmitry Peskov, Nga cam kết giải quyết xung đột, bảo đảm lợi ích của mình và sẵn sàng đối thoại.
Phát biểu của đại diện Nga được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio cảnh báo, Washington có thể từ bỏ nỗ lực làm trung gian đàm phán trong xung đột Ukraine nếu các bên không cho thấy tiến triển trong vài ngày tới. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sau đó cũng tuyên bố muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận hòa bình về Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sẽ không kiên nhẫn mãi nếu "một trong hai bên khiến cho tình hình trở nên quá khó khăn". Phía Nga tỏ ra cởi mở với đề xuất của ông chủ Nhà Trắng, tuyên bố sẽ “nghiêm túc xem xét” bất kỳ sáng kiến hòa bình nào nếu được khởi xướng bởi Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán ngừng bắn, nhưng nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra trên một diễn đàn quốc tế minh bạch, với sự tham gia của các quốc gia và những nhà lãnh đạo đáng tin cậy. Nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo rằng, Nga không được lợi dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp thêm lực lượng và vũ khí trên lãnh thổ Ukraine. Kiev cũng từng lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào tháng 11-2024, với sự tham gia của nhiều quốc gia từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, nhằm xây dựng một kế hoạch hành động vì hòa bình toàn diện.
Như vậy có thể thấy, cả Nga và Ukraine đều đã có những tuyên bố và hành động thể hiện hai bên sẵn sàng quay lại bàn đàm phán, nhưng các điều kiện tiên quyết từ hai phía vẫn còn nhiều khác biệt. Các ý kiến phân tích chỉ rõ, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và các yêu cầu đối lập có thể tiếp tục cản trở tiến trình hòa bình. Hiện nay, Nga vẫn duy trì các điều kiện cốt lõi để tiến tới hòa bình, bao gồm việc Ukraine công nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ đã sáp nhập như Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, cũng như từ bỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc Nga không công nhận tính chính danh của Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán, khiến việc đạt được một văn bản hòa bình mang tính ràng buộc pháp lý trở nên khó khăn. Ngoài ra, thực tế trên chiến trường vẫn cho thấy còn rất xa để đạt được một thỏa thuận thực sự bền vững và lâu dài.
Trong bối cảnh như vậy, vai trò của các bên trung gian, đặc biệt là Hoa Kỳ, trở nên hết sức quan trọng. Thực tế, Tổng thống Donald Trump ngày 13-4 từng đưa ra nhận định rằng, đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine có thể diễn ra tốt đẹp, nhưng các bên cần "ngừng nói suông và bắt đầu hành động". Giới quan sát cũng nhận định, việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng quốc tế có thể là bước đi tích cực, nhưng thành công của hội nghị phụ thuộc nhiều vào thiện chí và sự nhượng bộ từ cả hai phía. Các ý kiến cho rằng, nếu có thể đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện sẽ là tiền đề tích cực, qua đó giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Nhìn chung, với sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ và một số quốc gia trung lập, đàm phán tìm kiếm hòa bình ở Ukraine đang đứng trước viễn cảnh tích cực hơn bao giờ hết, có thể đáp ứng kỳ vọng ngày càng lớn từ người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế. Những tháng tới, nếu cả hai bên tiếp tục thể hiện thiện chí và chấp nhận một số nhượng bộ, một lệnh ngừng bắn tạm thời, thậm chí là một thỏa thuận hòa bình từng phần hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
(Theo TASS, The Guardian)