Nỗi lo của Ukraine khi Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi tiến trình đàm phán hòa bình

Theo báo The Kyiv Post, Nhà Trắng im lặng về viện trợ cho Ukraine trong khi nhóm của Tổng thống Trump gây áp lực lên Kiev nhưng lại bỏ qua Moskva (Moscow).

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 28/2/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 28/2/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine bày tỏ lo ngại rằng việc ông Trump đe dọa rút khỏi tiến trình đàm phán có thể dẫn đến việc Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine.

Hiện không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào tại Nhà Trắng hoặc Quốc hội Mỹ về việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong khi các gói viện trợ đã được phê duyệt dưới thời Tổng thống Joe Biden đang sắp hết hạn.

Báo New York Times (NYT) dẫn lời các chính trị gia ủng hộ Ukraine trong Quốc hội Mỹ cho biết rằng dù gói hỗ trợ quân sự và tài chính hiện tại đang cạn dần, nhưng cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội vẫn chưa thực sự tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc về gói viện trợ tiếp theo.

“Các quan chức châu Âu nói rằng họ thậm chí chưa nhận được cam kết nào từ Mỹ về việc tiếp tục chia sẻ tình báo rộng rãi cho Ukraine - điều đã đóng vai trò then chốt trong khả năng nhắm mục tiêu vào binh lính và hạ tầng quân sự của Liên bangNga”, NYT viết.

NYT nhấn mạnh rằng khi Nhà Trắng thảo luận về mối quan hệ với Ukraine hiện nay, họ nói nhiều hơn về những gì nước Mỹ có thể thu được, hơn là những gì sẽ cung cấp.

Sau cuộc tranh cãi căng thẳng và công khai giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 28/2 tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, Mỹ và Ukraine được cho là đang xem xét lại một thỏa thuận liên quan đến đầu tư của Mỹ và quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản của Ukraine.

Một ví dụ là thỏa thuận tiếp cận các tài nguyên chiến lược của Ukraine, hiện đang được xem xét kỹ lưỡng. Việc chỉnh sửa văn kiện này mất gần sáu tuần.

“Thỏa thuận mà (Tổng thống) Trump thực sự khao khát là với Liên bang Nga. Nhưng để đạt được điều đó, ông Trump phải vượt qua Ukraine bằng cách tuyên bố ngừng bắn, hoặc đơn giản là gác vấn đề này sang một bên”, NYT viết.

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine nói với trang tin Axios rằng họ lo ngại việc Tổng thống Trump rút khỏi tiến trình đàm phán có thể dẫn tới việc đình chỉ viện trợ quân sự từ Mỹ cho Ukraine.

Axios, dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu am hiểu quá trình đàm phán, cho biết Mỹ đang gây áp lực lên Ukraine nhằm kết thúc chiến tranh, trong khi lại không tăng áp lực nào lên Liên bang Nga.

Theo Axios, Tổng thống Trump hiện đang thất vọng vì tiến trình đàm phán thiếu tiến triển và sẵn sàng từ bỏ vai trò trung gian của Mỹ. Trong một cuộc trò chuyện riêng, ông Trump được cho là đã bày tỏ sự thất vọng rằng các cuộc đàm phán dường như không dẫn tới đâu cả.

Một quan chức Mỹ cho Axios biết rằng nếu không đạt được thỏa thuận sớm, ông Trump sẽ chuyển sự chú ý sang các lĩnh vực chính sách đối ngoại khác. Bản thân Tổng thống Mỹ hiện chưa đặt ra thời hạn cụ thể hay công bố bất kỳ bước đi rõ ràng nào ngoài khả năng rút khỏi tiến trình đàm phán.

Khi đề cập đến nỗ lực kết thúc chiến tranh, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh: “Chúng tôi cần xác định… trong vài ngày tới, liệu điều này có thể thực hiện được trong ngắn hạn hay không. Nếu không, tôi nghĩ chúng tôi sẽ chuyển sang việc khác”.

Một nhà ngoại giao châu Âu nói với Axios rằng ông Rubio không nói rõ “chuyển sang việc khác” là gì, nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ muốn thấy tiến triển nhanh chóng.

Hai nhà ngoại giao châu Âu khác xác nhận rằng ông Rubio đã làm rõ rằng Tổng thống Trump đang mất kiên nhẫn và có thể rút khỏi tiến trình nếu không có thỏa thuận nào được đạt được sớm.

Ba nhà ngoại giao châu Âu tin rằng các phát biểu của ông Rubio chủ yếu nhắm vào Ukraine. Một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine cũng cho biết các phát biểu này nhằm gây áp lực lên Kiev.

Các nhà ngoại giao châu Âu cũng lưu ý rằng trong các cuộc họp tại Paris, ông Rubio không đề cập gì đến việc tăng cường áp lực lên Liên bang Nga.

“Ấn tượng chung là ông Rubio và (Đặc phái viên Steve) Witkoff đang chịu áp lực lớn từ ông Trump, và họ đang truyền áp lực đó sang các bên khác”, một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ.

Theo bài báo, Ukraine đã nhanh chóng đồng ý với kế hoạch ngừng bắn 30 ngày của ông Trump, nhưng Liên bang Nga thì phản ứng chậm, viện dẫn rằng họ đang chiến thắng trên chiến trường và do đó có điều kiện riêng cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Vì vậy, theo Axios, “rất có thể Điện Kremlin sẽ không quá bận tâm nếu ông Trump từ bỏ nỗ lực ngoại giao” .

Tuy vậy, Axios cũng lưu ý rằng “Mỹ chưa hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi,” và cho biết ông Rubio và ông Witkoff đã trình bày một khuôn khổ cho thỏa thuận hòa bình tiềm năng nhằm kết thúc chiến tranh trong các cuộc họp tại Paris hôm thứ Năm (17/4), theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Rubio nói rằng ông hiện đang chờ phản hồi từ cả Kiev lẫn Moskva.

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/noi-lo-cua-ukraine-khi-tong-thong-trump-de-doa-rut-khoi-tien-trinh-dam-phan-hoa-binh-20250420072413710.htm