Đàm phán LHQ về ô nhiễm nhựa: Hạn chế sản xuất hay chỉ quản lý chất thải nhựa
Hôm nay (13/11), vòng đàm phán thứ 3 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về hạn chế ô nhiễm nhựa khai mạc tại Nairobi, Kenya nhằm xây dựng một hiệp ước toàn cầu đầu tiên ràng buộc về mặt pháp lý có hiệu lực vào cuối năm 2024.
Các cuộc đàm phán về ô nhiễm nhựa được dự báo sẽ rất khó khăn với 2 luồng quan điểm: hạn chế lượng nhựa được sản xuất hay chỉ quản lý chất thải thông qua tái chế, tái sử dụng.
Theo nghiên cứu mới nhất, lượng nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới đã tăng với tốc độ “chưa từng có” kể từ năm 2005 và có thể tăng gần gấp 3 vào năm 2040 nếu không giảm sản xuất và sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần như chai đựng đồ uống, bao bì đóng gói và túi đựng hàng chợ. Ngày nay, khoảng 98% nhựa dùng một lần như chai hoặc bao bì, chủ yếu được làm từ nhựa polymer có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.
Viện 5 Gyres, một tổ chức của Mỹ vận động nhằm giảm ô nhiễm nhựa, ước tính có khoảng 171 nghìn tỷ vi hạt nhựa đã trôi nổi trên các đại dương vào năm 2019. Hạt vi nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với đại dương, không chỉ làm ô nhiễm nước mà còn làm hỏng các cơ quan nội tạng của động vật biển vì chúng nhầm nhựa là thức ăn.
Trước sự nguy hại này, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đề xuất các nước tiến hành đàm phán xây dựng Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, thế giới hiện đang sản xuất khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chưa đến 10% trong số này được tái chế, số còn lại được đưa vào các bãi chôn lấp và dần hủy hoại đại dương.
Liên minh châu Âu và hàng chục quốc gia, như Nhật Bản, Canada và Kenya đã kêu gọi xây dựng một hiệp ước mạnh mẽ với “các điều khoản ràng buộc” nhằm giảm sản xuất và sử dụng các polymer nhựa nguyên chất có nguồn gốc từ hóa dầu và để loại bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa độc hại, chẳng hạn như PVC. Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế cho biết, một hiệp ước ràng buộc trách nhiệm pháp lý có thể hạn chế việc mua bán nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, quan điểm này bị ngành nhựa cũng như các nhà xuất khẩu dầu và hóa dầu như Saudi Arabia phản đối với lập luận rằng Hiệp ước chỉ nên tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa. Saudi Arabia cho rằng nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm nhựa là do “quản lý chất thải không hiệu quả”. Hội đồng Hiệp hội Hóa chất Quốc tế muốn có 1 hiệp ước bao gồm các biện pháp “đẩy nhanh nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa”, tức là mọi thỏa thuận về nhựa nên tập trung vào việc chấm dứt ô nhiễm nhựa chứ không phải ngăn sản xuất nhựa”.
Saudi Arabia và các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch khác yêu cầu ra quy định mỗi quốc gia phải chịu trách nhiệm về chi phí làm sạch, đảm bảo về sức khỏe và môi trường trong sử dụng nhựa và hóa chất, mà không ngăm cấm ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và nhựa. Với mục tiêu này, cuối tần qua, Saudi Arabia cùng các quốc gia như Nga, Iran, Cuba, Trung Quốc và Bahrain thành lập Liên minh toàn cầu về Tính bền vững của Nhựa nhằm thúc đẩy 1 hiệp ước tập trung vào quản lý chất thải thay vì kiểm soát sản xuất.
Trước 2 luồng quan điểm khác biệt này, các tổ chức chống biến đổi khí hậu, thanh niên và tổ chức môi trường châu Phi cuối tuần qua đã tuần hành qua thủ đô Nairobi, giương biểu ngữ và hô khẩu hiệu kêu gọi giảm sản xuất nhựa cũng như kêu gọi Hội nghị có quan điểm rõ ràng về vấn đề này.
“Điều chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo không chỉ lắng nghe các tập đoàn lớn muốn tiếp tục kinh doanh mà thay vào đó phải bàn cách cắt giảm lượng nhựa sản xuất ra để bảo vệ tương lai của thế giới.”
“Chúng tôi đang tìm kiếm không chỉ lời nói mà cần những hành động thực tế, thực chất. Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo tại Hội nghị bày tỏ chính xác quan điểm của họ đối với hiệp ước nhựa toàn cầu và không nên để Hiệp ước tùy chọn mà phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý."
Các nhóm môi trường cho biết họ hy vọng các cuộc đàm phán tập trung vào nội dung của Hiệp ước, không bị “sa lầy” bởi các chiến thuật đánh lạc hướng. Một nhóm gồm 20 nhà khoa học quốc tế hôm qua cũng đã gửi thư ngỏ tới các nhà đàm phán yêu cầu họ đặt vấn đề sức khỏe làm trọng tâm và hướng tới một hiệp ước giảm khối lượng sản xuất nhựa và “bắt buộc phải kiểm tra tất cả các hóa chất trong nhựa”.