Đàm phán Mỹ-Iran: Phía trước là cánh cửa hẹp, phía sau là bầu trời rộng lớn

Mỹ và Iran đang thể hiện thiện chí đàm phán giảm leo thang căng thẳng. Với thực tế diễn ra trong 6 năm qua, cánh cửa đàm phán này không dễ dàng và là một 'cánh cửa hẹp'. Tuy nhiên, nếu cùng nhượng bộ và bước qua, tương lai cho quan hệ Mỹ-Iran và môi trường địa chính trị của Trung Đông sẽ tươi sáng hơn.

Đàm phán Mỹ-Iran vừa qua được dư luận quốc tế quan tâm. (Nguồn: Reuters)

Đàm phán Mỹ-Iran vừa qua được dư luận quốc tế quan tâm. (Nguồn: Reuters)

Bước khởi đầu đáng hoan nghênh

Sau nhiều tuần dưới áp lực ngoại giao xen lẫn những lời đe dọa quân sự từ phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump và Iran cuối cùng đã bắt đầu thăm dò khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân mở rộng của Tehran.

Cuối tuần qua, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp tại Oman. Cả hai bên đều mô tả cuộc gặp là “mang tính xây dựng”. Quan trọng hơn, họ đã đồng ý tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào cuối tuần này.

Bộ trưởng Araghchi là nhà ngoại giao chuyên nghiệp và cũng từng là nhà đàm phán hạt nhân cấp cao. Ông đã tham gia rất nhiều các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran và dẫn đầu các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ để khôi phục lại thỏa thuận này.

Trong khi đó, Đặc phái viên Witkoff của Tổng thống Donald Trump là một tỷ phú đầu tư bất động sản và đang đảm nhận vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán quan trọng của chính quyền Mỹ.

Đây là bước khởi đầu đáng hoan nghênh, cho thấy cả Tổng thống Trump và Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đều mong muốn đạt được một thỏa thuận nhằm tránh nguy cơ đối đầu quân sự.

Thách thức lúc này là làm sao để duy trì đà đối thoại và tham gia đàm phán một cách nghiêm túc.

Nếu các bên muốn vượt qua sự ngờ vực sâu sắc và đạt được một thỏa thuận bền vững, có thể đảo ngược những tiến triển hạt nhân nguy hiểm của Iran khi mức độ rủi ro hiện tại là cực kỳ cao.

Thực tế khó lay chuyển

Trong 6 năm qua, Iran đã tăng cường năng lực hạt nhân của mình, sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo nhiều vũ khí trong vòng vài tuần. Dù luôn khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích dân sự, nhưng Iran đang làm giàu uranium đủ để sử dụng trong chế tạo bom nguyên tử.

Con đường này đặt Iran vào thế đối đầu trực tiếp với Mỹ và Israel.

Tổng thống Trump được cho là cần chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng hiện tại, vì đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 và áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Tehran. Hành động này đã khiến Iran đáp trả bằng cách đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium.

Tổng thống Trump đã phá vỡ một thỏa thuận mà Iran vẫn đang tuân thủ – thỏa thuận đã đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân và cơ chế giám sát chặt chẽ.

Giờ đây, ông chủ Nhà Trắng muốn quay ngược tình thế. Ông khẳng định ủng hộ giải pháp ngoại giao và không muốn Mỹ bị cuốn vào thêm các cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhưng ông cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu đàm phán thất bại, quân sự là một lựa chọn.

Israel cũng đang thúc đẩy phương án quân sự, sau khi đã tiến hành hàng loạt đợt không kích gây tổn thất nặng nề cho Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này vào năm ngoái.

Các nhân vật theo đường lối cứng rắn tại Mỹ và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đang kêu gọi ông Trump gây sức ép buộc Iran phải giải trừ hoàn toàn chương trình hạt nhân – điều mà lãnh đạo quốc gia Trung Đông này coi là "ranh giới đỏ".

Tuy nhiên, Iran cũng cần nhận ra rằng mình đang ở vị thế yếu, trong khi Israel ngày càng tự tin và táo bạo. Tehran phải thật sự nghiêm túc nếu muốn đạt được một thỏa thuận.

Quốc gia Trung Đông từng có cơ hội khôi phục thỏa thuận năm 2015 dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhưng đã kiên quyết từ chối.

Giờ đây, vị thế của Iran đã suy yếu đáng kể, và hiếm khi nào nước này lại dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công từ Mỹ và Israel như hiện nay.

Thanh niên Iran đi ngang qua bức tranh tường chim bồ câu hòa bình ở Tehran. (Nguồn: Tehran Times)

Thanh niên Iran đi ngang qua bức tranh tường chim bồ câu hòa bình ở Tehran. (Nguồn: Tehran Times)

Niềm tin của người dân Iran vào giới lãnh đạo đang xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Nền kinh tế kiệt quệ do các lệnh trừng phạt.

Chính quyền Tổng thống Trump nên tìm kiếm một thỏa thuận có thể vô hiệu hóa mối đe dọa hạt nhân từ Iran, đồng thời cần nâng cao nhận thức rằng để thành công, cả hai bên đều phải có sự nhượng bộ.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần đảo ngược những bước tiến mà Iran đã đạt được, áp đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình làm giàu uranium trong thời gian dài, và thiết lập một cơ chế giám sát chặt chẽ. Đổi lại, Iran phải nhận được sự dỡ bỏ cấm vận ở mức độ thực chất.

Khó nhưng quan trọng và cần thiết

Không còn nhiều thời gian để Mỹ-Iran xoay chuyển tình thế. Một điểm nóng tiềm tàng có thể bùng phát vào mùa Thu, khi các cường quốc châu Âu đe dọa kích hoạt cơ chế “tái áp đặt” nếu đàm phán thất bại, điều này cũng sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran.

Tehran đã cảnh báo rằng nếu điều đó xảy ra, họ có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), làm tăng nguy cơ Mỹ hoặc Israel tiến hành tấn công quân sự.

Đánh giá về cuộc đàm phán gián tiếp vừa qua, bà Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Chatham House, nhận xét: “Chúng ta đang ở vị thế tốt nhất có thể sau cuộc gặp này”. Bà cũng lưu ý rằng, cả hai bên đã đưa ra những tuyên bố tích cực về kế hoạch tương lai, đồng thời nhấn mạnh "sự đồng thuận về tính cấp thiết, cơ hội hiện có và những dấu hiệu thực tế từ cả hai phía".

Tuy nhiên, theo bà Vakil, một thỏa thuận nghiêm túc sẽ vô cùng phức tạp, mang tính kỹ thuật cao và cần thời gian. Nếu lần này có thể đạt được một thỏa thuận, Iran muốn đảm bảo rằng thỏa thuận sẽ bền vững và mang lại cam kết thương mại một cách có ý nghĩa và lâu dài. Về phần mình, Mỹ cũng sẽ muốn biết Iran có thể cung cấp những đảm bảo gì cho an ninh của Israel và sự ổn định của khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.

Thêm một cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ là thảm họa. Các đợt không kích có thể cũng không phá hủy được toàn bộ cơ sở hạt nhân của Iran mà chỉ đẩy chương trình này đi vào hoạt động ngầm sâu hơn, thậm chí có thể khiến Tehran quyết định sở hữu bom nguyên tử.

Do đó, hơn lúc nào hết, cơ hội hẹp cho một giải pháp ngoại giao không thể bị bỏ lỡ.

(theo Financial Times, Eurasia Review, the New York Times)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dam-phan-my-iran-phia-truoc-la-canh-cua-hep-phia-sau-la-bau-troi-rong-lon-311159.html