Bắc Kinh tranh thủ 'xếp ván cờ mới' ở châu Âu, EU đối mặt với làn sóng hàng giá rẻ?
Khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang, châu Âu ngày càng bị kẹt giữa 'hai làn đạn', đối mặt với nguy cơ trở thành 'thị trường dự phòng' cho hàng hóa của Bắc Kinh vốn đang bị chặn đường vào thị trường Mỹ.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đã tăng vọt lên mức kỷ lục 90 tỷ USD, cho thấy một sự dịch chuyển rõ nét trong cán cân thương mại toàn cầu khi Mỹ sử dụng công cụ thuế quan đối ứng nhằm gây sức ép lên các đối tác thương mại.
Cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể biến châu Âu thành “bãi đáp” hàng hóa giá rẻ của Bắc Kinh?

Đàm phán Mỹ-Trung Quốc chưa ngã ngũ, Bắc Kinh tranh thủ mở thêm cuộc chơi mới ở châu Âu. (Nguồn: Getty Images)
Kẹt giữa hai "làn đạn"
Bất chấp nỗ lực duy trì thế cân bằng giữa hai siêu cường kinh tế, EU vẫn đang phải đối mặt với áp lực lớn khi thặng dư thương mại của Trung Quốc với khối này tăng nhanh trên khắp lục địa, làm lộ rõ những vết rạn trong mô hình thị trường mở của châu Âu.
Theo dữ liệu mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2025, thặng dư thương mại của Trung Quốc với EU đạt kỷ lục 90 tỷ USD, cho thấy sự thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu khi Mỹ áp đặt thuế quan có đi có lại đối với phần lớn quốc gia đối tác. Trong đó, Trung Quốc - dù đạt được tiến triển quan trọng trong đàm phán thuế quan, song vẫn còn nhiều khúc mắc cần giải quyết, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Điều này khiến phần lớn khối hàng hóa "chưa tìm được địa chỉ nhận" của Trung Quốc được chuyển hướng sang châu Âu – một phần trực tiếp, phần khác thông qua Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Theo Bloomberg, chuyên gia kinh tế cấp cao Maxime Darmet tại Allianz Trade, nhận định: “Các thị trường ngoài Mỹ, bao gồm cả châu Âu, sẽ chứng kiến sự gia tăng các lô hàng từ Trung Quốc”. Bắc Kinh chắc chắn muốn duy trì thị phần toàn cầu, nên họ sẽ cố gắng tăng thị phần ở những thị trường khác”.
Sự dịch chuyển này đang thách thức các nguyên tắc cốt lõi của EU về tự do thương mại. Trong khi Washington áp dụng chủ nghĩa bảo hộ mạnh tay, Brussels buộc phải điều chỉnh lại chiến lược thương mại. EU cũng đã buộc phải ra mặt phản ứng bằng một số biện pháp như áp thuế lên xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn tránh lao vào một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Như giới phân tích chỉ rõ, nguyên nhân chính của việc mất cân băng thương mại là chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Bắc Kinh. Các khoản trợ cấp từ chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện, đã giúp các hãng xe Trung Quốc như BYD có thể "hạ gục" các đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới bằng giá.
Trong năm 2024, BYD đã bán được 4,27 triệu xe mới trên toàn cầu, tăng 41% so với năm trước. Trong số đó, 1,76 triệu xe là xe điện hoàn toàn, đưa BYD chỉ đứng sau Tesla về doanh số bán xe điện toàn cầu. Doanh số bán xe hybrid cũng tăng tới 72,83%, đạt 2,49 triệu xe.
Cuối năm 2024, động thái áp thuế cao của EC lên những sản phẩm được cho là được "trợ giá" này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Để trả đũa, Bắc Kinh ngay lập tức mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sữa châu Âu, bao gồm phô mai và sữa – một động thái ăn miếng trả miếng quen thuộc, cho thấy dấu hiệu căng thẳng đang lan rộng ra ngoài phạm vi xe cộ và công nghệ.
Bất chấp những tranh chấp này, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của EU và ngược lại, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh. Hơn một nửa lượng hàng nhập khẩu của EU từ Trung Quốc là thiết bị cơ khí và điện tử, trong khi ô tô và máy bay chỉ chiếm dưới 6%. Ở chiều ngược lại, EU chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thiết bị cơ khí, điện tử, xe cộ và dược phẩm.
Trong các thành viên EU, Đức chịu tác động nặng nề nhất từ những thay đổi trong quan hệ thương mại. Mối quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc, từng được đánh dấu bằng thặng dư của Đức, giờ đây đã đảo ngược đáng kể. Năm 2020, Trung Quốc thâm hụt hơn 18 tỷ USD với Đức. Nhưng đến năm 2024, con số này đã đảo chiều thành thặng dư 12 tỷ USD. Nếu xu hướng này tiếp diễn, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Đức có thể vượt 25 tỷ USD vào cuối năm 2025.
Lý do chính là sự gia tăng chóng mặt của xuất khẩu ô tô Trung Quốc – từ xe điện đến xe động cơ đốt trong – trong khi xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc, đặc biệt là ô tô giảm mạnh. Dù EU mạnh tay đánh thuế lên xe điện Trung Quốc nhằm hạn chế nhập khẩu, các hãng xe nước này vẫn tăng cường giao xe hybrid và cả xe xăng, duy trì đà phát triển trên thị trường châu Âu.
Paris cũng ở tâm điểm chú ý khi đón Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tới Pháp (12-16/5), đồng chủ trì Đối thoại kinh tế và tài chính cấp cao lần thứ 10. Cuộc gặp diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời kéo dài 90 ngày, hạ một số mức thuế nhưng vẫn giữ lại nhiều rào cản. Thị trường châu Âu hoan nghênh "lệnh ngừng bắn", song các chuyên gia cảnh báo căng thẳng thương mại vẫn âm ỉ, chưa được giải quyết.
Đứng trước sức ép sinh tồn
Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic mới đây thừa nhận một mối lo ngày càng tăng - cho biết, cơ quan này đang "giám sát chặt chẽ nguy cơ hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng sang EU". Các đánh giá ban đầu dự kiến sẽ được trình vào giữa tháng 5 - chủ đề này sẽ là tâm điểm tại cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại EU tại Brussels.
Tình hình càng phức tạp hơn khi đồng Nhân dân tệ gần đây suy yếu, rơi xuống mức thấp nhất so với đồng Euro trong hơn một thập kỷ (vào tháng 4/2025), khiến hàng hóa Trung Quốc càng rẻ hơn với người mua châu Âu. Yếu tố này tạo thêm áp lực cạnh tranh lên các nhà sản xuất trong nước vốn đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát và nhu cầu yếu.
Khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, hàng xuất khẩu của EU sang nước này lại chững lại. Cụ thể, từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2024, xuất khẩu của EU sang Trung Quốc giảm 12,5%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ giảm 4,9%. Trái lại, xuất khẩu của EU sang các quốc gia ngoài khối lại tăng 3% trong cùng kỳ.
Dữ liệu thương mại hàng tháng càng củng cố xu hướng này: xuất khẩu của EU sang Trung Quốc giảm từ 19,2 tỷ Euro (21,5 tỷ USD) vào tháng 1/2023 xuống còn 16,8 tỷ Euro (18,8 tỷ USD) vào tháng 12/2024. Thâm hụt thương mại đạt đỉnh 29 tỷ Euro (32,5 tỷ USD) vào tháng 8/2024.
Số liệu thực tế trên đủ cho thấy, dù nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhẹ, nhưng thâm hụt chung vẫn ở mức cao, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng sâu của châu Âu vào hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh các sản phẩm của châu Âu mất dần sức hút tại thị trường châu Á rộng lớn này.
Cuộc đối đầu thương mại đang buộc các chính phủ châu Âu phải điều chỉnh chiến lược. Lãnh đạo các nước thành viên đang chịu sức ép ngày càng lớn trong việc bảo vệ ngành công nghiệp nội địa – không chỉ trước cạnh tranh từ Trung Quốc, mà cả trước những tác động dây chuyền từ chính sách của Mỹ nhắm thẳng vào sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng phân mảnh, giới chuyên gia kinh tế dự báo - EU sẽ tiếp tục mở rộng các rào cản phi thuế quan và trợ cấp cho các ngành chiến lược. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ tăng cường các nỗ lực ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như ô tô, công nghệ xanh và sản xuất tiên tiến.
Vấn đề đặt ra là liệu châu Âu có thể duy trì bản sắc của một pháo đài thương mại tự do trong khi vẫn bảo vệ được nền công nghiệp cốt lõi của mình trong thời đại cạnh tranh địa chính trị hay không, vẫn là một trong những thách thức mang tính quyết định đối với nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.
Như vậy, trong ván cờ thương mại đang tái định hình bởi xung đột Mỹ-Trung Quốc, châu Âu không còn là “người đứng ngoài” mà đang trở thành bàn cờ – hoặc quân cờ. Khi hàng hóa Trung Quốc tràn vào, các nhà máy châu Âu đứng trước sức ép sinh tồn, còn giới lãnh đạo EU buộc phải lựa chọn giữa lý tưởng thị trường tự do và nhu cầu bảo hộ thực dụng.
Liệu Brussels có đủ bản lĩnh để giữ vững mô hình kinh tế mở, hay sẽ phải dựng rào chắn trước làn sóng hàng giá rẻ? Câu trả lời sẽ không đến trong một sớm một chiều – nhưng hậu quả thì đã gõ cửa từng nền kinh tế trong khối.