Đàm phán Nga - Mỹ phá bỏ thế bị cô lập nhiều năm của Moscow

Cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga - Mỹ tại thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút đã phá bỏ thế bị cô lập chính trị nhiều năm của Moscow do xung đột ở Ukraine.

Một trong những nội dung được giới chức Nga - Mỹ thảo luận là cách thức chấm dứt xung đột ở Ukraine. Cuộc họp này không có sự tham gia của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), cũng như chưa đưa ra được những thỏa thuận cụ thể, song giới chuyên gia nhận định đây vẫn là một chiến thắng lớn cho Moscow.

"Ngay cả khi không đạt được kết quả gì, việc các quan chức cấp cao Nga - Mỹ ngồi lại với nhau sau cánh cửa đóng kín và nói về xung đột ở Ukraine mà không có người Ukraine tham dự, đó đã là chuyện lớn", bà Jenny Mathers tại Đại học Aberystwyth của Anh chia sẻ với tờ Kyiv Independent.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tới cuộc đàm phán với Mỹ ở Ảrập Xêút. Ảnh: Sputnik

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tới cuộc đàm phán với Mỹ ở Ảrập Xêút. Ảnh: Sputnik

"Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc phải rất vui về điều đó", bà Mathers nói thêm.

Sự kiện ở Ảrập Xêút đánh dấu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga - Mỹ, kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Dẫn đầu phái đoàn Nga là Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, và phía Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio.

"Đây chỉ là khởi đầu rất thận trọng của một quá trình song phương", cựu Tùy viên quốc phòng Anh tại Moscow John Foreman cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là "đối thoại, không phải đàm phán".

Phát biểu sau hội đàm, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết 3 điểm chính đã được thống nhất là giải quyết dứt điểm vấn đề liên quan đến các phái bộ ngoại giao, bổ nhiệm đại diện để thúc đẩy quá trình đàm phán, và tạo điều kiện cần thiết để khởi động lại quan hệ Nga - Mỹ.

Phản ứng của Nga, Mỹ, Ukraine

Ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, người tham gia hội đàm tại Ảrập Xêút, cho biết cuộc đàm phán "không tệ", nhưng "khó có thể nói" liệu lợi ích của hai bên có đồng nhất.

"Chúng tôi đã nhất trí tính đến lợi ích của nhau và phát triển quan hệ song phương, do cả Moscow và Washington đều quan tâm đến điều này", ông Ushakov nói.

Trong lúc đàm phán đang diễn ra, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Tổng thống Putin đã sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhưng "các khía cạnh pháp lý liên quan đến tính hợp pháp của nhà lãnh đạo Ukraine" cần được xem xét. Bởi Nga xem ông Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine, do nhiệm kỳ của ông này đã kết thúc vào tháng 5/2024. Ngoài ra, chính Tổng thống Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga, và cho tới nay sắc lệnh này vẫn còn hiệu lực.

Ông Zelensky lần đầu tiên tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên là vào ngày 24/2/2022, thời điểm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Kể từ đó, thiết quân luật và tổng động viên đã được Ukraine gia hạn nhiều lần. Do đang trong tình trạng thiết quân luật, Ukraine không thể tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống theo luật hiện hành.

Phái đoàn Nga - Mỹ tham gia đàm phán. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Phái đoàn Nga - Mỹ tham gia đàm phán. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Về phần mình, phát biểu sau cuộc gặp với phái đoàn Nga, Ngoại trưởng Mỹ Rubio nhấn mạnh hội đàm là "bước đầu tiên của một hành trình dài và khó khăn, nhưng là hành trình quan trọng". Ông nói thêm, những bước tiến này có được là nhờ quá trình "ngoại giao khó khăn và gian khổ trong các phòng kín suốt một khoảng thời gian".

Cũng theo ông, Tổng thống Trump "muốn xung đột Ukraine kết thúc theo cách bền vững và lâu dài, chứ không phải dẫn đến một cuộc xung đột khác trong 2 hoặc 3 năm".

Đồng thời, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz, người tham gia cuộc đàm phán với Nga tại Ảrập Xêút, cũng nhấn mạnh ông Trump quyết tâm tiến hành rất nhanh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng ở Ukraine, và "một cuộc chiến không hồi kết ở châu Âu là điều không thể chấp nhận được đối với ông Trump".

Ngoại trưởng Mỹ Rubio nói thêm, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ là một phần của bất kỳ tiến trình hòa bình nào, và "tất cả các bên" sẽ phải đưa ra "những nhượng bộ" để chấm dứt "mọi cuộc xung đột". Ông cho hay, EU sẽ "phải có mặt tại bàn đàm phán vào một thời điểm nào đó, vì họ cũng đã đưa ra các lệnh trừng phạt”.

Bình luận về sự kiện trên, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã hủy chuyến thăm tới Ảrập Xêút, nơi ông dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm riêng với giới chức Mỹ.

"Chúng tôi không được mời đến cuộc họp của Nga - Mỹ tại Ảrập Xêút. Đó là một bất ngờ đối với chúng tôi. Tôi không muốn có bất kỳ sự trùng hợp nào, do đó tôi sẽ không đến Ảrập Xêút", ông cũng nhắc lại, không có quyết định nào về tương lai của Ukraine có thể được đưa ra mà không có sự tham gia của Kiev.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dam-phan-nga-my-pha-bo-the-bi-co-lap-nhieu-nam-cua-moscow-2372761.html