Đàm phán Nga - Ukraine: Chuyên gia đánh giá triển vọng cho vòng đối thoại mới
Dù Nga và Ukraine đều bày tỏ sẵn sàng cho cuộc đàm phán hòa bình tiếp theo, các chuyên gia cảnh báo tiến trình này vẫn còn nhiều thách thức do lập trường bất đồng sâu sắc.

Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, việc một vòng đàm phán mới giữa Moskva và Kiev diễn ra là điều đang được dư luận quan tâm.
Kênh RT của Liên bang Nga tối 21/7, theo giờ địa phương, dẫn tuyên bố qua video trên Telegram của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vòng đàm phán hòa bình trực tiếp tiếp theo giữa Moskva và Kiev sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Tư (23/7).
Trước đó, Nga và Ukraine đã có hai vòng đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng 5 và tháng 6 năm nay. Dù không đạt được đột phá lớn, các cuộc gặp này vẫn mang lại một số thỏa thuận nhất định, bao gồm trao đổi tù nhân và trao đổi thi thể. Đối với Ukraine, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heorhii Tykhyi, hai mục tiêu chính trong các cuộc đàm phán là giải quyết các vấn đề nhân đạo, đưa người dân trở về từ nơi giam giữ và tránh bị cáo buộc là bên không muốn hòa bình.
Những rào cản từ lập trường đối lập
Tuy nhiên, các chuyên gia lại không mấy lạc quan về khả năng đột phá từ vòng đàm phán cấp phái đoàn tiếp theo. Denis Denisov, chuyên gia tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, nhận định lập trường đối lập gay gắt của Nga và Ukraine là vấn đề then chốt. Tương tự, Andrey Kortunov, chuyên gia của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai (Nga), giải thích rằng nếu mục tiêu chỉ là giải quyết vấn đề theo hình thức của hai vòng đầu tiên, một cuộc họp mới sẽ không đưa các bên tiến gần hơn đến hòa bình vì quyền hạn của các nhóm đàm phán bị hạn chế.
Các tài liệu được trao đổi trong vòng đàm phán gần nhất tại Istanbul đã cho thấy rõ ràng sự bất đồng sâu sắc về cách thức giải quyết xung đột. Điện Kremlin tiếp tục đưa ra những yêu cầu khiến Kiev khó có thể chấp nhận, như việc vẫn kiểm soát 4 khu vực mà Moskva đã tuyên bố sáp nhập, ngừng cung cấp vũ khí từ phương Tây, hay tuyên bố trung lập.
Nhà khoa học chính trị Alexander Nemtsev nhận định với tờ Vedomosti (Nga) rằng Moskva không có ý định xem xét lại lập trường, trong khi Kiev không muốn nhượng bộ. Theo ông, một bước đột phá sẽ chỉ có thể xảy ra khi "Ukraine không còn khả năng tiếp tục kháng cự trên chiến trường".
Trong bối cảnh này, vai trò của các cường quốc lớn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bogdan Bezpalko, thành viên Hội đồng Tổng thống Nga về Quan hệ Liên sắc tộc, cho rằng một cuộc gặp tiềm năng giữa các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Mỹ mới có thể mở đường cho việc thảo luận về hòa bình ở Ukraine ở cấp độ chiến lược hơn.
Tuy nhiên, ông Kortunov cũng nhấn mạnh rằng tối hậu thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 50 ngày khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến Moskva, vì "kinh nghiệm trong quá khứ đã chứng minh, Nga không hề khuất phục trước áp lực".
Trong khi đó, ông Nemtsev dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng tránh xa cuộc xung đột ở Ukraine, dần dần chuyển phần lớn gánh nặng viện trợ cho Kiev sang Liên minh châu Âu. Đức và một số nước Bắc Âu được cho là đã sẵn sàng cho điều đó, nhưng các quốc gia châu Âu khác thì chưa.
Nhìn chung, triển vọng cho vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine ở cấp độ phái đoàn có vẻ mờ nhạt. Để đạt được một giải pháp hòa bình thực sự, cần có sự thay đổi trong lập trường của các bên.