Bên trong cỗ máy tuyển chọn đặc nhiệm tối mật của Ukraine

Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Ukraine (SOF) sở hữu một quy trình tuyển chọn bí mật và khắc nghiệt, kéo dài 7 ngày với các thử thách liên tục cả về thể chất lẫn tinh thần. Chỉ những ứng viên vượt qua được quy trình này mới có cơ hội bước vào khóa huấn luyện đặc nhiệm Q nổi tiếng.

Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Ukraine (SOF) đã trở thành trụ cột quan trọng trong hệ thống phòng thủ hiện tại của quốc gia này, đảm nhiệm nhiều vai trò trong một số cuộc giao tranh quyết định nhất từ Kiev đến Donbass và khu vực Kursk ở Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, họ đã tìm cách học hỏi và thích nghi, thay đổi cách chiến đấu. Do có tầm quan trọng như vậy, việc tuyển dụng các binh sỹ cho lực lượng này diễn ra rất kỹ lưỡng, với nhiều thử thách khác nhau.

Quá trình tuyển chọn đặc nhiệm Ukraine diễn ra rất khắt khe. Ảnh: United24media

Quá trình tuyển chọn đặc nhiệm Ukraine diễn ra rất khắt khe. Ảnh: United24media

Trước khi bắt đầu Khóa học Q - khóa đào tạo của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Ukraine (SOF) - mọi ứng viên đều phải trải qua một quy trình tuyển chọn nội bộ khắt khe. Đây giống như một “bộ lọc” và chỉ có những người vượt qua được quy trình này mới có thể trở thành thành viên của Lực lượng tác chiến đặc biệt

Kỳ tuyển chọn không phải là một khóa học, cũng không phải là sự chuẩn bị trước mà là bài kiểm tra khắc nghiệt về sức bền, quyết tâm và sức mạnh tinh thần, được thiết kế để loại bỏ những người không đủ khả năng và tìm ra những ứng viên ưu tú nhất.

Quá trình tuyển chọn diễn ra như thế nào?

Kỳ tuyển chọn kéo dài 1 tuần, với những thách thức không ngừng nghỉ, kiểm tra tất cả mọi thứ: thể chất, tinh thần và tâm lý. Các ứng viên không được đào tạo và cũng không có sự chuẩn bị. Sau mỗi thử thách, họ sẽ được đánh giá.

Về thể chất, ứng viên sẽ phải trải qua những bài kiểm tra như vác ba lô nặng 30kg hành quân dưới điều kiện khắc nghiệt, tập luyện liên tục, bị cô lập hoàn toàn và đối mặt với tình trạng thiếu ngủ trầm trọng... Sau nhiều ngày chịu áp lực về thể chất và tâm lý, họ sẽ được đưa vào các trận đấu tập với nhau. Hoạt động này không chỉ kiểm tra sức khỏe mà còn cũng nhằm mục đích xây dựng sự gắn kết của đội.

Về tâm lý, họ sẽ trải qua tình huống giống như giam cầm, với tất cả các khó khăn đi kèm như mất phương hướng, áp lực, mất tự do. Họ cũng cần đưa ra những quyết định quan trọng trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức. Thử thách đồng đội sẽ sụp đổ nếu một người không thể theo kịp.

Các huấn luyện viên cũng liên tục gây áp lực về mặt tâm lý. Thay vì đưa ra những lời động viên, họ sẽ có sự chỉ trích gay gắt, chẳng hạn như : "Đây không phải là nơi dành cho anh" hay "anh không đủ năng lực". Những lời nói như vậy không chỉ diễn ra một lần mà còn lặp lại liên tục lần thứ ba, lần thứ tư, thậm chí tới hàng trăm lần. Mục đích là để xem ai bị nhụt chí và ai sẽ quyết tâm vượt qua. Trong tình huống này, các ứng viên phải thể hiện sức mạnh tinh thần gần như tuyệt đối.

Kỳ tuyển chọn là khoảnh khắc quyết định - nơi chỉ dành cho những người sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu sau chiến tuyến của đối phương, hoạt động trong sự cô lập và chịu áp lực tâm lý cực độ.

Sau kỳ tuyển chọn, những ứng viên đủ năng lực sẽ được tiếp cận với chương trình đào tạo tốt nhất - Khóa học Q kéo dài 4-5 tháng, đào tạo những ứng viên kiên cường, có động lực thành những binh sỹ đặc nhiệm đủ tiêu chuẩn. Khóa học này tập trung huấn luyện binh sỹ cách sử dụng vũ khí hạng nặng, kỹ năng sống sót trong chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, giao tranh trong địa hình rừng núi, nhảy dù và kỹ thuật chiến đấu...

Khi hoàn thành khóa học, họ có thể thực hiện nhiệm vụ mà những binh sỹ thông thường khác không thể, chẳng hạn như lẻn vào các kho của đối phương vào ban đêm, sơ tán thương binh khỏi tuyến đầu và hành động chính xác mà không để xảy ra bất cứ sai sót nào.

Nhiệm vụ của Lực lượng Tác chiến đặc biệt Ukraine

Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Ukraine chuyên thực hiện các nhiệm vụ phức tạp trên bộ, trên biển và các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm giữ. Vai trò của họ bao gồm phá hoại, trinh sát trên không và tiến hành các hoạt động thao túng tâm lý. Họ được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau, chẳng hạn như súng ngắn, súng trường, súng máy hạng nhẹ PKM, tên lửa chống chống tăng FGM-148 Javelin, tên lửa FIM-92 Stinger, lựu đạn RPG...

Theo Kiev Independent, trong thời gian qua, Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Ukraine đã thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau, trong đó có Chiến dịch "Thành trì" - phá hủy giàn khoan do Nga chiếm giữ ở Biển Đen, Chiến dịch "Hoverla" - chiếm giữ cứ điểm của Nga, chiến dịch xâm nhập tỉnh Kursk và chiến dịch "Mạng nhện" – tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các căn cứ không quân và cơ sở quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga, làm hư hại cũng như phá hủy một số máy bay quân sự.

Hiệu quả của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Ukraine phần lớn đến từ khả năng thích ứng đặc biệt của họ trong điều kiện chiến trường thay đổi nhanh chóng. Khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022, các đơn vị SOF của Ukraine đã nhanh chóng điều chỉnh để ứng phó với những thách thức của cuộc xung đột cường độ cao chống lại một đối phương có quân số lớn hơn và được trang bị vũ khí tối tân hơn.

Khả năng thích ứng này đã được thể hiện theo nhiều cách quan trọng. Việc nhanh chóng tái cấu trúc các chiến thuật của các đơn vị nhỏ để chống lại lực lượng cơ giới của Nga đặc biệt đáng chú ý.

Các đơn vị SOF của Ukraine cũng liên tục thể hiện khả năng áp dụng các công nghệ và chiến thuật mới dựa trên phản hồi từ chiến trường. Đặc biệt, họ đã triển khai các cấu trúc chỉ huy linh hoạt, cho phép ra quyết định phi tập trung, cho phép phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa và cơ hội mới nổi.

Khả năng thích ứng của SOF đã được chứng minh rõ ràng hơn thông qua việc sử dụng sáng tạo cơ sở hạ tầng và công nghệ dân sự. Các đơn vị SOF của Ukraine đã kết hợp máy bay không người lái thương mại, mạng lưới liên lạc dân sự và các công nghệ phi quân sự khác nhằm khắc phục những hạn chế về nguồn lực.

Theo các chuyên gia quân sự, Ukraine đã có sự kết hợp hiệu quả giữa các đơn vị SOF với lực lượng quân sự chính quy đang tham gia vào các hoạt động tác chiến quy mô lớn. Các đơn vị SOF của Ukraine đã thiết lập các mạng lưới kháng cự, thu thập thông tin tình báo và xác định các mục tiêu then chốt vốn rất quan trọng đối với các lực lượng chính quy.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo united24media, Kiev Independent

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ben-trong-co-may-tuyen-chon-dac-nhiem-toi-mat-cua-ukraine-post1216688.vov