Đàm phán Nga-Ukraine, được và chưa được, kịch bản nào phía trước
Sau những cuộc gặp tay đôi, tay ba mang tính trù bị tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đàm phán Nga và Ukraine kết thúc với nhiều câu hỏi. Các bên có gì mang về? Vì sao không có một tuyên bố, cam kết đáng chờ đợi nào? Sau đó sẽ thế nào?

Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5. (Nguồn: Reuters)
Cánh cửa đàm phán chưa đóng chặt
Đúng như dự báo, dư luận quốc tế đánh giá, đàm phán Nga-Ukraine không có tiến triển. Mỹ thấy trước kết cục, cho rằng đàm phán xung đột chỉ ngã ngũ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin. Phía Ukraine “thất vọng”. Ngược lại, trưởng đoàn đàm phán Nga tỏ ra hài lòng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, người chủ trì, nỗ lực thu xếp các cuộc gặp tay đôi, tay ba, tạo môi trường thúc đẩy đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine cho rằng kết quả tốt đẹp và 16/5 là “ngày quan trọng cho hòa bình thế giới”.
Nhìn nhận khách quan, đàm phán Nga và Ukraine ngày 16/5 có 4 cái được. Một, hai bên thỏa thuận trao đổi tù binh số lượng tới 1.000 người mỗi bên. Hai, Nga ghi nhận đề xuất của Ukraine về một cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ba, hai bên nhất trí tiếp tục nghiên cứu về đề xuất ngừng bắn. Bốn, đây là cuộc gặp song phương trực tiếp thứ hai kể từ khi xung đột bùng phát, nghĩa là mọi thứ đều có thể xảy ra.
Bốn kết quả trên cho thấy, dù không có bất cứ cam kết cụ thể nào, nhưng cánh cửa đàm phán chưa đóng chặt. Trong bối cảnh hiện nay, đó cũng là kết quả có thể chấp nhận và là tia hy vọng le lói.
Dư luận cho rằng, Ukraine và Nga chấp nhận đàm phán vì không ai muốn bị quy là từ chối hòa bình. Ukraine vẫn bảo lưu yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện trước và Mỹ, phương Tây gia tăng áp lực mạnh hơn nếu Nga từ chối ngừng bắn. Kiev tin rằng với áp lực lớn và viện trợ quân sự gia tăng, họ sẽ cải thiện được tình thế, buộc Moscow xuống thang chấp nhận đòi hỏi của Ukraine, phương Tây.
Nga lo ngại ngừng bắn là khoảng lặng tạo điều kiện cho Ukraine củng cố quân đội, tập hợp lực lượng, cải thiện tình thế khó khăn. Lợi thế chiến trường và đất nước vẫn đứng vững trước bão trừng phạt là ưu thế của Moscow. Xung đột kéo dài, đối phương sẽ bất lợi hơn. Vì thế, Điện Kremlin vẫn bảo lưu mục tiêu ban đầu và yêu cầu Kiev chấp nhận thực tế chiến trường mới.
Theo chuyên gia, kết quả đàm phán ngày 16/5 thể hiện đúng bản chất xung đột, mâu thuẫn đối kháng khó hóa giải và tương quan, cục diện hiện nay. Nga có ưu thế nhất định, nhưng chưa đến mức buộc đối phương phải chấp nhận các điều kiện của mình. Ukraine và phương Tây hy vọng với sự trở lại của Mỹ, họ sẽ cải thiện được tình thế, có lợi hơn trên bàn đàm phán, để ít nhất không thua trong cuộc đối đầu.

Người đứng đầu phái đoàn Nga, ông Vladimir Medinsky, trợ lý Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán và Moscow sẵn sàng tiếp tục trao đổi với phía Kiev. (Nguồn: Anadolu)
Tiếp theo sẽ thế nào
Hai bên sẽ tiếp tục chiến lược của mình một cách mạnh mẽ hơn. Ukraine với sự chống lưng của phương Tây, có thể cả Mỹ, sẽ củng cố quân đội, cố gắng khôi phục thế trận, mở một số cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, củng cố “mặt trận quốc tế”, để chứng tỏ sức mạnh và buộc Moscow phải thỏa hiệp, càng nhiều càng tốt. Muốn là vậy, nhưng làm rất khó.
Hỗ trợ chính trị, ngoại giao, tài chính và viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine sẽ gây thêm khó khăn cho Nga, kéo dài xung đột, nhưng khó buộc Điện Kremlin chấp nhận tất cả yêu sách và càng không thể làm Moscow thất bại, suy yếu.
Không vội tiến hành ngay sau ngày kết thúc đàm phán, nhưng Nga sẽ gia tăng các đòn tấn công cả về quy mô, cường độ trên các mặt trận trong thời gian tới. Chuyên gia cho rằng, với tương quan lực lượng lợi hơn, Moscow có thể giành những chiến thắng quan trọng, để cơ bản thực hiện được mục tiêu của mình. Hiện thực hóa mục tiêu cần không ít thời gian.
Tổng thống Donald Trump tự tin cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin có thể thúc đẩy và quyết định kết cục đàm phán. Mỹ có vai trò quan trọng, có thể tác động đến các bên, nhưng khó buộc Ukraine và Nga chấp nhận hoàn toàn kịch bản của mình.
Sau cuộc đàm phán, tình hình nhiều khả năng căng thẳng, ác liệt hơn. Như ý kiến của đoàn Nga và cũng là thực tế, đàm phán vẫn có thể song song với chiến sự, cho đến khi cục diện thay đổi rõ ràng hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov khẳng định sẽ "tiếp tục đấu tranh cho một nền hòa bình lâu dài và công bằng". (Nguồn: Reuters)
Diễn biến, kết cục đàm phán phụ thuộc vào các yếu tố, chính trị, ngoại giao, kinh tế, nhưng thắng lợi quân sự vẫn là yếu tố quyết định nhất. Kết cục đàm phán không chỉ phụ thuộc vào Nga, Ukraine mà còn chịu tác động lớn từ bên ngoài.
Với toan tính của tất cả các bên và bối cảnh nhiều mặt, đàm phán vào lúc này được cho là chưa đúng thời điểm để có thể đạt kết quả mong đợi. Nhưng chắc chắn xung đột không thể kéo dài mãi, vấn đề là kết thúc như thế nào. Hy vọng đàm phán ngày 16/5 có thể là mở đầu cho các bước tiếp theo.