Đàm phán Serbia và Kosovo: Cơ hội hóa giải bất đồng mong manh
Hôm nay (18/8), tại Brussels, dưới sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU), lãnh đạo Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo đàm phán nhằm hòa giải về những căng thẳng bùng phát hiện tại.
Tuy nhiên, với những diễn biến trước cuộc gặp và sự bế tắc kéo dài hàng thập kỷ giữa hai bên, khả năng Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo có thể hóa giải bất đồng trở nên khá mong manh.
Ngay trước cuộc gặp, nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti cho biết, vùng lãnh thổ này đã chuẩn bị sẵn sàng để chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng của Serbia vì xung đột ngày càng tồi tệ với người Serbia thiểu số có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang mới.
“Tôi không nói rằng Serbia tấn công chúng tôi trong tuần này hay trong tuần tới nhưng sẽ hoàn toàn vô trách nhiệm nếu loại trừ khả năng gia tăng căng thẳng và xung đột mới. Điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra", ông Albin Kurti nói.
Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, cáo buộc Serbia muốn can thiệp vào Kosovo là một lời nói dối nhưng nói thêm rằng, người Serbia sống tại Kosovo "không coi Kosovo là một quốc gia độc lập mà chỉ coi Kosovo là một phần của Serbia".
Ông Vucic cũng cảnh báo sẽ không ngồi yên nếu người Serbia tại Kosovo là mục tiêu bị nhắm đến: “Chúng tôi dự kiến sẽ có cuộc thảo luận khó khăn vào ngày 19/8. Chúng tôi hầu như không đồng ý bất cứ điều gì với ông Kurti và ban lãnh đạo Kosovo. Những gì chúng tôi muốn nói là chúng tôi muốn hòa bình và tìm kiếm hòa bình”.
Những căng thẳng mới nhất giữa Serbia và Kosovo diễn ra khi chính phủ của ông Kurti tuyên bố rằng, giấy tờ tùy thân và biển số xe Serbia sẽ không còn giá trị trên lãnh thổ Kosovo. Dù Kosovo đã tuyên bố độc lập 14 năm trước, khoảng 50.000 người ở phía bắc vùng ly khai này vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp. Serbia, Nga và Trung Quốc không công nhận nền độc lập của Kosovo, vốn được Mỹ và hầu hết các quốc gia phương Tây khác ủng hộ.
Hiện có khoảng 3.800 binh sĩ gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu đóng quân ở Kosovo. Trong khi đó, Nga mới đây cũng tuyên bố sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Serbia. Do vậy, bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo được nhận định là có thể dẫn đến sự can thiệp quân sự của bên ngoài.
Trong tuyên bố mới nhất vào hôm qua (17/8), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau cuộc gặp riêng rẽ với cả ông Vucic và Kurti tại Brussels, mặc dù kêu gọi "tất cả các bên tham gia tích cực và mang tính xây dựng trong vòng đàm phán mới nhất” nhưng không quên nhắc lại tuyên bố, NATO sẽ can thiệp quân sự nếu sự ổn định ở Kosovo bị đe dọa.
"Chúng tôi đã nhiều lần chứng minh rằng, NATO có thể triển khai và tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực phía Bắc Kosovo như đã làm trong những tuần trước. Chúng tôi có thể làm điều đó một lần nữa, tăng cường thêm các cuộc tuần tra thường xuyên của Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo do NATO lãnh đạo”, ông Jens Stoltenberg nói.
Phía Nga cũng cáo buộc chính quyền Kosovo bắt tay với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để đe dọa người thiểu số Serbia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng cảnh báo, nước này sẽ không làm ngơ nếu chính quyền Kosovo hay phương Tây cố tình leo thang căng thẳng để áp dụng các kịch bản quân sự. Chính vì thế, căng thẳng giữa Serbia và Kosovo nếu không được giải quyết rất có khả năng sẽ leo thang thành cuộc xung đột với quy mô rộng lớn hơn./.