Đàm phán tăng lương tối thiểu vùng: Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng với sứ mệnh đại diện cho người lao động, chúng ta phải đặt mình vào NLĐ, mới biết họ mong chờ điều gì, để từ đó đàm phán về tiền lương tối thiểu vùng để cải thiện cuộc sống của NLĐ và gia đình họ

Ngày 8-8, Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt các thành viên của tổ chức Công đoàn Việt Nam tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia qua các thời kỳ.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Ngọ Duy Hiểu Phó chủ tịch Tổng LĐLĐViệt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết 10 năm qua, là một hành trình đấy gian khó, có cả những niềm vui và có cả những giọt nước mắt của các cán bộ công đoàn tham gia công tác thương lượng tiền lương tối thiểu vùng.

"Đó là một hành trình với nhiều công sức, bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, mồ hôi của chúng ta đã đổ ra, vì một sứ mệnh là đại diện cho người lao động"- ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Mỗi phiên họp về tiền lương, là hành trình mà người lao động luôn mong chờ. "Chúng ta phải đặt mình vào người lao động, mới biết hôm nay trái tim, khối óc họ đang suy nghĩ gì và mong chờ điều gì"- ông Hiểu nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết 10 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ Công đoàn đi trước cũng như hôm nay, về cơ bản đã đáp ứng được mong đợi của người lao động, khi đã làm việc bằng tất cả tinh thần trách nhiệm để thương lượng tiền lương tối thiểu một cách hài hòa và có lợi nhất cho người lao động.

Được biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia được thành lập năm 2013 theo quy định của Bộ luật Lao động. Ban đầu, Hội đồng Tiền lương quốc gia có 15 thành viên, gồm: 5 thành viên đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 5 thành viên đại diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam và 5 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương.

Khi Bộ luật Lao động năm 2019 được ban hành và có hiệu lực, ngoài các thành viên là đại diện theo cơ chế 3 bên nêu trên, Hội đồng Tiền lương quốc gia được bổ sung thêm một số thành viên là chuyên gia độc lập.

PGS-TS Vũ Quang Thọ- nguyên viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, phát biểu tại buổi gặp mặt

PGS-TS Vũ Quang Thọ- nguyên viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, phát biểu tại buổi gặp mặt

Chức năng chính của Hội đồng Tiền lương quốc gia là tư vấn cho Chính phủ về điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu vùng; khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hàng năm và từng thời kỳ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 72%, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Cụ thể:

Năm 2014: Tăng 15,2%. Năm 2015: Tăng 14,2%. Năm 2016: Tăng 12,4%. Năm 2017: Tăng 7,3%. Năm 2018: Tăng 6,5%. Năm 2019: Tăng 5,3%. Năm 2020 đến hết tháng 6/2022: Tăng 5,5%. Từ tháng 7-2022 đến nay: Tăng 6%.

Tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn luôn đề nghị Chính phủ và phía đại diện người sử dụng lao động phải hướng tới cải thiện cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Công đoàn thực sự đại diện cho tiếng nói của người lao động trong tiến trình điều mức chỉnh lương tối thiểu.

Tin, ảnh, video: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/dam-phan-tang-luong-toi-thieu-vung-phai-dat-minh-vao-hoan-canh-cua-nguoi-lao-dong-2023080814471853.htm