Đàm phán thương mại với Mỹ về thuế đối ứng, Việt Nam cần lưu ý gì?

Ngoài vấn đề minh bạch nguồn gốc xuất xứ, Việt Nam cần tính đến khả năng những thỏa thuận trong đàm phán thương mại với Mỹ ảnh hưởng tới các cam kết với những nước khác.

Theo kế hoạch, Việt Nam đã bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ, thuộc nhóm sáu nước được Mỹ ưu tiên đàm phán (gồm Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia) trong hơn 100 nền kinh tế.

Thông tin này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong trình bày báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mới đây.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

PGS. TS. Phan Hữu Nghị, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng – tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân tại tọa đàm về chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ ngày 8/5, dự báo, Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận thương mại.

Trong đó, một trong các nội dung quan trọng là Việt Nam cần xây dựng cơ chế kiểm soát và minh bạch nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đặc biệt, minh chứng tỷ lệ phần trăm giá trị xuất xứ trong nước và giá trị có nguồn gốc từ Trung Quốc hay ASEAN. Điều này giúp Việt Nam có thể đàm phán đạt được mức thuế suất phù hợp, giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển nhưng không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân là bởi nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ lại có tỷ lệ nhập khẩu nguyên, vật liệu lớn từ Trung Quốc, như da giày, may mặc, linh kiện, thiết bị điện tử, khiến Mỹ xem Việt Nam là một trong những nơi trung chuyển của hàng hóa Trung Quốc.

Cũng với chuỗi giá trị hàng hóa, theo ông Nghị, Việt Nam cần xây dựng cơ chế giám sát dòng vốn FDI vào Việt Nam để ngăn hành vi “né thuế trung gian”.

Do đó, quản lý thuế phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có quan hệ với các công ty tại các quốc gia được coi là điểm trung chuyển và Mỹ cảnh báo né thuế.

Việc này sẽ góp phần ngăn chặn việc lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để lẩn tránh thuế, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm soát hoàn thuế của các doanh nghiệp gia công lắp ráp đơn giản sau đó xuất khẩu.

Việt Nam cần minh bạch chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề hàng Trung Quốc 'mượn đường' sang Mỹ. Ảnh: Hoàng Anh

Việt Nam cần minh bạch chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề hàng Trung Quốc 'mượn đường' sang Mỹ. Ảnh: Hoàng Anh

Không chỉ vậy, danh mục hàng hóa có thể cắt giảm với Mỹ để hướng đến cân bằng thương mại cũng cần được xem xét chi tiết với từng nhóm hàng, gắn với lợi thế so sánh của Việt Nam, ông Nghị nhấn mạnh.

Việc xem xét kỹ lưỡng sẽ giúp thỏa thuận hậu đàm phán thương mại với Mỹ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận trước đó Việt Nam đã tham gia và Việt Nam không bị kéo vào các vòng đàm phán với các đối tác thương mại lớn khác.

Đơn cử với mặt hàng ô tô, ông Nghị lấy ví dụ, mức thuế nhập khẩu với sản phẩm từ Mỹ sau đàm phán mà thấp hơn ngưỡng các thị trường khác đang phải chịu, đặc biệt là Trung Quốc, EU – hai thị trường rất cần đầu ra cho ô tô, sẽ khiến các đối tác thương mại của Việt Nam có thể yêu cầu xem xét lại thuế suất và rà soát lại các hiệp định đã ký kết.

Điều này có thể dẫn đến khó khăn, khúc mắc về ngoại giao, đàm phán bất lợi trong hiệp định thương mại tự do hoặc đàm phán thuế song phương, từ đó, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam là “điểm đến ổn định cho chuỗi cung ứng toàn cầu”.

“Đây chính là rủi ro hậu ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ nếu không có chiến lược cụ thể, rà soát danh mục cắt giảm thuế và lợi thế so sánh các ngành hàng để cắt giảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô”, ông Nghị nhấn mạnh.

Một vấn đề khác Việt Nam cần lưu ý trong đàm phán thương mại với Mỹ là cách triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp, tránh bị coi là trợ cấp, đặc biệt trong các ngành chiến lược.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như trong các nghị định Nghị định 73/2025; 81/2025; 82/2025 đã được ban hành. Trong thời gian tới, ông Nghị cho rằng, có thể có thêm các giải pháp như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm, giảm 30% tiền thuê đất, giảm lệ phí, xem lại chính sách xuất khẩu tại chỗ song song cùng các gói tín dụng ưu đãi trong trung hạn.

Về lâu dài, ông Nghị đề xuất cần xây dựng chính sách để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Ngoài ra, cần rà soát lại các tác động về nguồn thu thuế, chuyển giao công nghệ, ảnh hưởng môi trường của các tập đoàn/công ty đa quốc gia tại Việt Nam để thu hút FDI có chọn lọc.

Đồng thời, xây dựng bền vững kinh tế địa phương bằng cách đầu tư vào hạ tầng, đào tạo lao động tại chỗ, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và gắn kết cộng đồng tại địa phương để tạo nên một nên kinh tế có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dam-phan-thuong-mai-voi-my-ve-thue-doi-ung-viet-nam-can-luu-y-gi-d40066.html