Đàm phán trần nợ công của Mỹ tiến triển, giá dầu thô, kim loại tăng
Dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chỉ số MXV- Index chốt phiên ngày 29/5 ở mức 2.151 điểm, chỉ giảm 1 điểm so với ngày trước đó, phản ánh diễn biến phân hóa của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới.
Giá các mặt hàng năng lượng và kim loại được giao dịch trong ngày hôm qua nhìn chung được hỗ trợ trong bối cảnh đàm phán trần nợ công của Mỹ có chuyển biến tích cực.
Giá dầu duy trì đà tăng
Giá dầu trải qua một phiên giao dịch đầy giằng co khi nhà đầu tư cân nhắc các tin tức xoay quanh vấn đề trần nợ công và khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kết thúc phiên 29/5, giá dầu thô WTI tăng 0,51% lên 73,04 USD/thùng, giá dầu thô Brent có mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ 0,16% lên 77,1 USD/thùng.
Sức mua xuất hiện ngay từ phiên sáng thúc đẩy giá dầu tăng 1% sau khi có tin tức cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ và giới hạn chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong 2 năm tới. Cả 2 nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng rằng các thành viên của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ ủng hộ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, giá giảm trở lại từ phiên chiều và làm “bốc hơi” đà tăng của phiên sáng khi thị trường một lần nữa lại lo ngại về việc Fed vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Chỉ số Giá tiêu dùng (PCE) được công bố trong tuần trước vẫn cao hơn so với mức dự báo, khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa. Công cụ theo dõi của CME cho biết xác suất cho kịch bản này đang là 58,5%.
Lãi suất cao sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung, khi đồng USD là đồng tiền thanh toán chính trong các hoạt động thương mại quốc tế.
Trên thị trường hàng thực, theo số liệu của Reuters, nhập khẩu dầu thô của châu Á đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong tháng 5 với hai khách hàng lớn nhất của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ. Vào đầu tháng 5, có tổng cộng 27,73 triệu thùng dầu thô mỗi ngày (bpd) dự kiến sẽ được bốc dỡ tại các cảng, tăng 8,6% so với mức 26,39 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và cũng là mức cao nhất trong năm 2023.
Nhập khẩu dầu thô qua đường biển và đường ống của Trung Quốc từ Nga dự kiến sẽ tăng từ 1,74 lên mức 2,0 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Điều này đồng nghĩa với việc Nga một lần nữa thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư sẽ cần theo dõi số liệu về sản lượng dầu thực tế của Nga, nhất là khi cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang đến gần. Bởi Nga là một trong những thành viên cam kết mức cắt giảm lớn, bên cạnh Saudi Arabia.
Thị trường kim loại phân hóa
Giá đồng COMEX giảm 0,26% xuống 3,67 USD/pound. Giá đồng tăng khá mạnh trong phiên sáng do được hưởng lợi từ những tiến bộ trong thỏa thuận trần nợ công. Tuy nhiên, triển vọng tiêu thụ của kim loại công nghiệp này vẫn còn mờ nhạt, khiến lực bán áp đảo trong phiên tối.
Dữ liệu của Sở Giao dịch kim loại London (LME) cho thấy các quỹ phòng hộ đã chuyển sang vị thế bán ròng đối với đồng LME, đánh dấu vị thế bán ròng lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, do nhu cầu tiêu thụ yếu trong khi nguồn cung ổn định.
Trái lại, giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore tăng 2,21% lên 102,8 USD/ounce nhờ triển vọng tiêu thụ tích cực từ Khu vực các nước Đông Nam Á (ASEAN). Theo số liệu do Viện Gang thép Đông Nam Á công bố, nhu cầu thép tại 6 nước ASEAN (Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore) trong năm 2023 dự kiến sẽ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 77,6 triệu tấn.
Hơn nữa, về phía Trung Quốc, nhà tiêu thụ sắt lớn nhất, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, mức lợi nhuận công nghiệp từ tháng 1 – tháng 4 đã giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái, do các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những thách thức như nhu cầu tiêu thụ yếu, tình trạng giảm phát giá sản xuất kéo dài và kinh tế tăng trưởng chậm.
Điều này tiếp tục thúc đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR).
Trên thị trường nội địa, sau 6 lần điều chỉnh tăng liên tục hồi đầu quý I năm nay, giá thép trong nước hiện đã ghi nhận lần điều chỉnh giảm thứ 8 liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Hôm nay, 30/5, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục hạ giá thép thêm từ 200 – 510 đồng/kg, chủ yếu ở dòng thép cuộn CB240. Hiện giá thép xây dựng nội địa dao động phổ biến từ hơn 14.100 đồng đến hơn 15.300 đồng/kg, thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.