Đàm phán Ukraine thất bại: Mỹ giục công dân rời đi - Anh ra luật mới chống Nga
Cả Nga và Ukraine vừa cho biết, đã không có bất kỳ đột phá nào trong cuộc đàm phán với Pháp và Đức tại Berlin hôm qua (10/2), nhằm tìm cách chấm dứt 8 năm xung đột dai dẳng ở miền đông Ukraine.
Cuộc đàm phán thất bại cho thấy sự bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp tháo ngòi khủng hoảng ở Ukraine. Đặc phái viên Nga Dmitry Kozak cho biết trong cuộc họp báo lúc đêm muộn rằng, sau vòng đối thoại ở Berlin, các bên không thể thu hẹp khác biệt trong cách diễn giải thỏa thuận năm 2015 về việc chấm dứt chiến sự giữa phe ly khai với quân đội chính phủ Ukraine.
Còn Đặc phái viên Ukraine Andriy Yermak cho biết hai bên không đạt được tiến triển nào nhưng đồng ý tiếp tục đối thoại: “Mặc dù hôm nay chúng ta có những bất đồng, có những vấn đề phải phối hợp, nhưng vẫn có ý chí tiếp tục và thương lượng. Đây là điều quan trọng và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Rõ ràng, nếu không giảm leo thang, Nga không rút khỏi biên giới gần chúng ta, không ai có thể bình tĩnh nói rằng tình hình đã dịu đi”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Ukraine đang cố viết lại thỏa thuận ngừng bắn và chỉ chọn những nội dung có lợi nhất cho họ. Trong khi đó, Ukraine khẳng định vẫn tuân thủ thỏa thuận, song thực tế hàng ngày vẫn xảy ra các vụ giao tranh vi phạm.
Từ nhiều tuần nay, các nước phương Tây lo ngại, Nga có thể tấn công Ukraine trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua kêu gọi người dân nước này rời khỏi Ukraine “ngay lập tức” bằng phương tiện thương mại hoặc cá nhân do những mối đe dọa gia tăng về hành động quân sự của Nga cùng COVID-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, ông không có kế hoạch đưa quân vào Ukraine để sơ tán công dân Mỹ, gọi trường hợp này sẽ là kịch bản “chiến tranh thế giới khi Mỹ và Nga bắt đầu nổ súng vào nhau".
Những ngày qua, Mỹ đã tăng quân và khí tài quân sự đến Ba Lan trong nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại sườn phía Đông của khối giữa lúc căng thẳng với Nga liên quan Ukraine. Hôm qua, các máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ đã hạ cánh xuống một căn cứ của Ba Lan, có nhiệm vụ giám sát đường không của NATO”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, London có thể đưa thêm quân tăng cường cho đồng minh tại Đông Âu nếu cần thiết, sau khi thông báo triển khai bổ sung 350 binh sỹ cho Ba Lan. Dự kiến, cũng trong tuần này, Tây Ban Nha sẽ điều 4 máy bay chiến đấu và 130 binh sỹ tới Bulgaria để thực hiện nhiệm vụ tuần tra.
Giữa lúc lo ngại về cuộc chiến tranh có thể xảy ra, chính phủ Anh vừa trình Hạ viện một luật mới, cho phép Anh có thêm cơ sở pháp lý, quyền mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga giữa cuộc khủng hoảng Ukraine. Chính phủ Anh công bố luật mới đúng vào ngày Ngoại trưởng nước này Liz Truss thăm Nga. Chỉ vài giờ sau cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Nga Lavrov, bà Truss đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến các lệnh trừng phạt, thúc giục Nga “giảm leo thang và chọn con đường ngoại giao”.
Ngoại trưởng Anh cũng cảnh báo, nếu Nga tiếp tục gây hấn với Ukraine, Anh và các đối tác sẽ không ngần ngại hành động.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga mượn lời Tổng thống Ukraine cáo buộc phương Tây đang kích động sự hoảng loạn, với thực tế là Nga không có ý định tấn công Ukraine:
“Tổng thống Zelensky kêu gọi mọi người không hoảng sợ. Nhưng có vẻ như phương Tây chỉ sử dụng Tổng thống Zelensky như một công cụ để gây ra căng thẳng xung quanh nước Nga và không ai thực sự quan tâm đến những gì ông ấy nghĩ”.
Sau nhiều nỗ lực ngoại giao hòa giải, thực tế căng thẳng liên quan đến tình hình Ukraine giữa Nga và các nước phương Tây vẫn chưa thể hạ nhiệt, thậm chí còn có thể leo thang./.