Đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran: Hy vọng hồi sinh thỏa thuận lịch sử
Vòng đàm phán được mong đợi về vấn đề hạt nhân của Iran diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) trong tuần này đã có sự khởi đầu đầy lạc quan, cho thấy mong muốn hồi sinh thỏa thuận lịch sử năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc. Những cuộc trao đổi giữa đại diện các bên đều thể hiện quyết tâm tạo bước đột phá thông qua việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran để đổi lấy việc nước này hạn chế chương trình hạt nhân của mình.
Vòng đàm phán mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra tại Vienna (Áo).
Vòng đàm phán thứ 7 về Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) có sự tham gia của đại diện Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại thủ đô nước Áo. Phái đoàn Mỹ chỉ tham gia gián tiếp và được tham vấn về từng đề nghị của Iran do Tehran một lần nữa từ chối các cuộc gặp mặt trực tiếp.
Trước đó, Iran đã tham dự 6 vòng đàm phán tại Vienna về việc quay trở lại thỏa thuận năm 2015, song các cuộc trao đổi đã bị đình trệ vào tháng 6 vừa qua khi ông Ebrahim Raisi - người theo đường lối cứng rắn chính thức trở thành Tổng thống mới của Iran.
Theo Hãng tin Reuters, các đại diện EU, Iran và Nga tham dự lần này đã đưa ra những đánh giá lạc quan sau khi vòng đàm phán mới bắt đầu. Quan chức EU chủ trì cuộc đàm phán Enrique Mora đã bày tỏ suy nghĩ tích cực sau cuộc họp vào ngày 29-11. Trả lời các phóng viên, ông E.Mora cho biết, phái đoàn Iran đã kiên định với yêu cầu của họ rằng tất cả các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ. Song Tehran không bác bỏ hoàn toàn kết quả của 6 vòng đàm phán trước đó. Đặc phái viên của Nga tham gia cuộc đàm phán Mikhail Ulyanov cho biết trên Twitter rằng họ "đã bắt đầu khá thành công”. Trong khi đó, nhà đàm phán hàng đầu của Iran Ali Bagheri Kani cũng chia sẻ với các phóng viên về sự lạc quan của mình.
Theo tờ The Guardian, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và gây áp lực tối đa đối với Iran, nước này đã đáp trả bằng cách thực hiện một loạt các bước giảm cam kết đối với những điều khoản của thỏa thuận, bao gồm tích trữ uranium làm giàu và tăng cường sử dụng các máy ly tâm tiên tiến tại các địa điểm mà các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc cho biết họ không có quyền tiếp cận đầy đủ. Khác với người tiền nhiệm, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trương quay trở lại con đường ngoại giao để cứu vãn thỏa thuận, nhưng Iran và Mỹ đang bất đồng về việc xem xét các lệnh trừng phạt nào phải được dỡ bỏ và cách Iran sẽ đảo ngược nhiều hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân mà nước này đã thực hiện.
Tehran từ lâu đã nhấn mạnh rằng, họ hy vọng Washington sẽ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt “liên quan đến thỏa thuận hạt nhân”, bao gồm 1.500 lệnh trừng phạt cá nhân. Theo kênh CNBC, công cụ chính để trừng phạt của Mỹ đối với Iran là một chiến dịch trừng phạt kinh tế trên phạm vi rộng và cấm nước này xuất khẩu hàng hóa, khiến Tehran phải định hướng lại nền kinh tế, tập trung vào các ngành công nghiệp trong nước. Tờ The Guardian nhận định, Iran có thể tiến xa hơn tại Vienna với việc yêu cầu Mỹ bồi thường tài chính cho các lệnh trừng phạt trước đó hay thậm chí yêu cầu Washington bảo đảm sẽ không rời bỏ thỏa thuận một lần nữa. Phương Tây coi cả hai yêu cầu này là không thực tế, và nếu là điều kiện tiên quyết, các cuộc đàm phán sẽ thất bại.
Đặc phái viên của Nga M.Ulyanov cảnh báo, sau 5 tháng trì hoãn, các cuộc đàm phán không thể kéo dài mãi mãi và rõ ràng là cần phải đẩy nhanh quá trình này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chính các nỗ lực đàm phán đã nhen nhóm cơ hội hồi sinh thỏa thuận lịch sử năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc, mặc dù chặng đường để Iran quay lại thực thi các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân vẫn còn dài.