Đạm Phú Mỹ báo lãi gần 600 tỷ đồng năm 2024, tăng nhẹ so với năm trước

Mặc dù gặp không ít thách thức nhưng Đạm Phú Mỹ (DPM) vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 6%...

Năm 2024 đánh dấu một năm thành công nữa của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Phân bón Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM) khi công ty này công bố lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ so với năm 2023.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, trong quý 4/2024, mặc dù doanh thu giảm 6,44% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn cũng giảm mạnh hơn, ở mức 9,13%, điều này phần nào giúp công ty duy trì được lợi nhuận. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đáng kể, lên đến 36%, trong khi chi phí bán hàng lại giảm 2,77%. Đặc biệt, chi phí tài chính tăng mạnh 142,17%, với chi phí lãi vay tăng vọt 486,13%.

Sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Phân bón Phú Mỹ đạt 36,13 tỷ đồng, giảm 61,76% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm, doanh thu công ty đạt 13.496 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,54% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 574 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với năm 2023, kết quả này giúp Phân bón Phú Mỹ vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 6%.

Theo lý giải của Phân bón Phú Mỹ, tăng trưởng chủ yếu đến từ sản lượng bán ra gia tăng và biên lợi nhuận cải thiện từ 12% lên 13%.

Trên bảng cân đối kế toán của DPM, tính đến cuối năm 2024, công ty nắm giữ 12.500 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó hơn 10.000 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn chỉ ở mức gần 5.000 tỷ đồng, với vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 3.400 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty vẫn được giữ nguyên ở mức 3.914 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, triển vọng kinh doanh của DPM được đánh giá rất tích cực. Một trong những yếu tố quan trọng là sự tăng mạnh của giá urê trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá urê đã tăng 19.26%, tương đương 65 USD/tấn, lên mức 402.5 USD/tấn. Xu hướng này nếu được duy trì sẽ hỗ trợ đáng kể cho biên lợi nhuận của công ty.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón từ tháng 7/2025 cũng được xem là một yếu tố tích cực. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, việc khấu trừ thuế đầu vào sẽ giúp DPM không chỉ cải thiện biên lợi nhuận mà còn có dư địa để điều chỉnh giảm giá bán, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Còn Công ty Chứng khoán SSI đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM, với mức giá mục tiêu 12 tháng là 35.200 đồng, tổng mức sinh lời dự kiến là -4% (bao gồm tỷ suất cổ tức 5%). Mặc dù vậy, với những yếu tố thuận lợi từ thị trường và chính sách thuế, DPM vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm tới.

 Biến động của cổ phiếu DPM trong 6 tháng qua

Biến động của cổ phiếu DPM trong 6 tháng qua

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu DPM tăng nhẹ 0,57%, lên 35.400 đồng/cổ phiếu. Trước đó, vào giữa tháng 4/2024, cổ phiếu này từng giảm xuống mức 35.950 đồng/cổ phiếu, đánh dấu một giai đoạn điều chỉnh trước khi hồi phục.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/dam-phu-my-bao-lai-gan-600-ty-dong-nam-2024-tang-nhe-so-voi-nam-truoc-post557619.html