Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ

BPO - UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Mục tiêu chung: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện thứ hạng các chỉ số (PCI, Par-index, PAPI...); qua đó góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể: Tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 tại Chương trình hành động số 44/CTr-UBND ngày 1-2-2024 của UBND tỉnh Bình Phước thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Trong đó có điều chỉnh, cập nhật một số mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ.

Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện thứ hạng các chỉ số (PCI, Par-index, PAPI...). Năm 2025, phấn đấu số doanh nghiệp thành lập mới đạt 1.000 doanh nghiệp, giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp: Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời của các cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số quốc tế tại Phụ lục I ban hành kèm theo Chương trình hành động này.

Thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu tại Tiểu mục 2 Mục III Chương trình hành động số 44/CTr-UBND ngày 1-2-2024 của UBND tỉnh Bình Phước và Chương trình hành động này. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư. Cụ thể: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) báo cáo UBND tỉnh để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền và các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi thẩm quyền, chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về bãi bỏ, sửa đổi quy định pháp luật gây khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp.

Nâng cao vai trò của Tổ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung rà soát những vướng măc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong triến khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật; kịp thời tổng hợp nội dung báo cáo của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố về việc rà soát văn bản pháp luật, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ để đề xuất xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

Cùng với đó là các giải pháp: Nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến. Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát kế hoạch thanh tra và điều chỉnh trong trường hợp thấy cần thiết để bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

PV

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/53/168874/trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-so-02-cua-chinh-phu