Đạm Phú Mỹ: Sau thời gian kinh doanh bùng nổ, lợi nhuận quý 1/2023 giảm 87%
Đạm Phú Mỹ vừa cho biết doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 lần lượt giảm 44% và 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM – sàn: HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần chỉ đạt thuần 3.264 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm 8,8%; khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm tới 81,5%, xuống còn gần 523 tỷ đồng. Đồng thời, biên lợi nhuận gốp của Đạm Phú Mỹ giảm từ 48,4% về 16%.
Bù lại, doanh thu tài chính của Đạm Phú Mỹ trong quý 1/2023 đã tăng 50,3%, lên 70,2 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi tăng. Đồng thời, công ty cũng nỗ lực tiết giảm các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh với chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 9%, 20% và 8% so với cùng kỳ quý 1/2022.
Kết quả, Đạm Phú Mỹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức hơn 262 tỷ đồng, giảm 87,6% so với quý 1/2022. Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất của Đạm Phú Mỹ kể từ quý 1/2021. Chỉ tiêu EPS (lãi cơ bản trên cổ phiếu) của cổ phiếu DPM giảm mạnh từ 5.391 đồng xuống còn 665 đồng/cổ phiếu.
Trong năm nay, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu doanh thu là 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 2.250 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,3% và 60% so với thực hiện năm 2022. Mục tiêu thấp được đưa ra trong bối cảnh giá urê năm 2023 được dự báo quanh mức 400 – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022.
Nếu so với kế hoạch này, sau 3 tháng đầu năm nay, công ty mới hoàn thành 18,8% kế hoạch doanh thu và 11,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Cuối tháng 3 vừa qua, Đạm Phú Mỹ đã chốt quyền tạm ứng cổ tức 2022 đợt 1 với tỷ lệ 40% bằng tiền, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu DPM sẽ được nhận 4.000 đồng. Dự kiến, tổng mức cổ tức của Đạm Phú Mỹ trong năm 2022 là 70% bằng tiền. Việc chia cổ tức “khủng” bằng tiền mặt đến từ kết quả kinh doanh năm 2022 khả quan với lợi nhuận sau thuế lên đến 5.586 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của Đạm Phú Mỹ kể từ khi công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định các doanh nghiệp phân bón Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trước mức nền cao trong năm 2022. Thêm vào đó, giá bán phân urê sẽ chịu áp lực điều chỉnh bởi nguồn cung phân bón tăng do Trung Quốc tăng lượng xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu của Ấn Độ suy yếu.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 28/8, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ có mức giá tham chiếu tại 33.650 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch bình quân trong 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu DPM đạt hơn 2 triệu đơn vị.