Đam Rông: Chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng

Nhận định tình hình hạn hán diễn ra sớm và khốc liệt, huyện Đam Rông đã chủ động sửa chữa, nâng cấp các hồ thủy lợi, cũng như đắp thêm đập nên tình trạng khô hạn, thiếu hụt nguồn nước tưới đã được giải quyết phần nào. Mặt khác, UBND huyện ưu tiên chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, hạn chế trồng lúa để tiết kiệm nước tưới.

Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ là một trong những giải pháp phòng, chống hạn hán rất có hiệu quả tại huyện Đam Rông những năm gần đây.

Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ là một trong những giải pháp phòng, chống hạn hán rất có hiệu quả tại huyện Đam Rông những năm gần đây.

Hối hả phòng, chống hạn

Tại huyện Đam Rông, trong những ngày này, bà con nông dân chuyên canh cà phê đang tất bật kéo máy ra vườn, rẫy tưới nước, chăm sóc cà phê đang thời kỳ bung hoa, đậu quả.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết: Toàn huyện hiện có 80 công trình thủy lợi quy mô vừa và nhỏ, trong đó 50 công trình là đập tạm, 20 đập dâng và các công trình hồ chứa. Đây là công trình thủy lợi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên. Trong khi đó, mùa mưa năm 2019 đến muộn, mưa ít và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong vụ Đông Xuân 2019-2020, ngay từ thời điểm mùa mưa trên địa bàn tỉnh chưa kết thúc, ngành thủy lợi Đam Rông đã lên các phương án điều tiết, tích nước hợp lý, vừa phải đảm bảo an toàn các hồ chứa, vừa phục vụ sản xuất.

Do đó, các hồ trữ nước lớn của Đam Rông như hồ Đạ Chao ở xã Đạ Rsal với trữ lượng nước khoảng 1 triệu m3; hồ Đạ Nòng 1, xã Đạ Tông trữ lượng khoảng hơn 30.000 m3; hồ Lăng Tô hơn 10.000 m3 ở xã Đạ K’Nàng và hồ Thủy lợi Phi Liêng hơn 40.000 m3… đã được tích đầy nước.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn quá trình tích nước, các công trình thủy lợi cũng được các đơn vị chủ quản tiến hành xử lý thấm, gia cố thân đập, xây bờ chắn song, bê tông hóa các cửa xả tràn. Hệ thống các kênh mương tưới, tiêu, hệ thống trạm bơm cũng được đơn vị tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy kênh mương cũng như sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy móc, đảm bảo công tác vận hành ứng phó với hạn hán.

Đặc biệt, tại các công trình đập dâng, Phòng Nông nghiệp huyện đã tiến hành đắp các bao tải đất, nâng cao ngưỡng xả tràn từ 20 - 40 cm, tăng dung tích trữ nước tại các công trình. Tại các nhánh suối nhỏ, đơn vị phối hợp cùng với các địa phương đắp các đập tạm, đập bổi dâng nước để tận dụng nguồn thủy sinh tự nhiên.

Mặt khác, ý thức được việc hạn hán sẽ diễn ra gay gắt trong năm nay, nhiều hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Đam Rông đã chủ động mua sắm các trang thiết bị máy móc, đường ống dẫn tưới, cũng như chủ động nạo vét, mở rộng thêm các hồ chứa nước cá nhân, tích trữ thêm nước, chủ động chống hạn.

Tuy nhiên, trong đợt khảo sát mới đây của Phòng Nông nghiệp huyện, hiện nay, tại các hồ này mực nước đều đã giảm khoảng 0,5 - 1 m so với ngưỡng tràn. Trong thời gian tới, nếu tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài thì mực nước các hồ chứa sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra tại các công trình thủy lợi. Trong số này, có một số diện tích ngoài vùng đưa nước tới, không có biện pháp chống hạn.

Đề án ao, hồ nhỏ, mỗi năm tỉnh Lâm Đồng cấp 10 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ nông dân các địa phương đào ao, hồ. Mục tiêu là hết năm 2020, thực hiện đào 5.581 ao, hồ nhỏ với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước xấp xỉ 63 tỷ đồng, nông dân đối ứng xấp xỉ 63 tỷ đồng.

Giải pháp ao, hồ nhỏ - hiệu quả lớn

Ngoài hệ thống hồ thủy lợi, kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất thì một trong những giải pháp phòng, chống hạn hán rất có hiệu quả tại huyện Đam Rông những năm gần đây là xây dựng, phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và tiết kiệm nguồn nước tưới. Ðây chính là những nguồn nước dự trữ, giúp người nông dân chủ động tưới tiêu, vượt qua những thời điểm khắc nghiệt nhất của hạn hán, nhất là với diện tích cây công nghiệp.

Tại xã Liêng Srônh, nhờ chủ trương của UBND tỉnh hỗ trợ cho đào ao, hồ nhỏ nên từ năm 2016 - 2019, Nhân dân trong xã đã đào hơn 100 ao hồ nhỏ. Hiện các ao, hồ này đã chủ động cung cấp nước tưới cho hơn 100 ha cây trồng. Mỗi ao, hồ có diện tích tối thiểu là 500 m2, sâu 3 m, dung tích 1.500 m3, đảm bảo cung cấp nước tưới, chống hạn cho 3 hộ dân hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã.

Ông Trần Trường Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh cho biết: Dự báo được tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt, nên hằng năm nông dân trong xã thường xuyên thuê xe múc về múc bớt bùn, nạo vét lại lòng ao để tăng khả năng dự trữ nước. Chính vì thế, đến nay, phần lớn diện tích cây trồng trên địa bàn xã vẫn đủ nước tưới cho vườn cây phát triển bình thường.

Theo ông Anh, để đào 1 cái ao cung cấp nước tưới bà con tốn từ 15 - 30 triệu đồng, chưa kể chi phí đường ống dẫn nước và đường điện. Số tiền này đối với hộ nông dân là quá lớn. Tuy nhiên, để giảm chi phí, bà con có rẫy gần nhau lập 1 nhóm từ 3 - 5 hộ góp tiền đào ao chung và thay nhau bơm tưới luân phiên. Không những thế, họ còn lắp đặt hệ thống tưới phun béc để tiết kiệm nguồn nước.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Đam Rông hiện có hơn 1.200 ao hồ nhỏ được triển khai xây dựng để cung cấp nước tưới chủ động cho hơn 4 ngàn ha cây trồng. Đây là kết quả triển khai từ Đề án ao, hồ nhỏ của tỉnh Lâm Đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, nông dân đối ứng 30%. Giải pháp này đã giúp người dân chủ động hơn trong việc chống hạn cho cây trồng, nhất là cây công nghiệp, giảm bớt áp lực cho ngành thủy lợi khi cứ phải “chạy đôn chạy đáo” cứu cây trồng của người dân mỗi khi thiếu nước, khô hạn xảy ra.

THANH SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/dam-rong-chu-dong-phong-chong-han-cho-cay-trong-2993444/