Đam Rông: Phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm

Vài năm trở lại đây, với nhiều cách thức nuôi tằm mới cùng với nhiều giống dâu cho năng suất, chất lượng cao đã giúp người nông dân trồng dâu nuôi tằm ở Ðam Rông nâng cao đời sống, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nông dân khấm khá nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm

Nông dân khấm khá nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm

Khấm khá nhờ nghề dâu tằm

Khác với những thanh niên trong xã đi làm thuê để kiếm sống, anh Liêng Hót Ha Brúi,(Thôn Liêng Krắc 1, xã Đạ M’rông) lại chọn ở nhà tham gia sản xuất. Nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 6-7 lần so với canh tác cây lúa và các loại hoa màu khác, Brúi đã mạnh dạn bỏ cây lúa, bắp chuyển sang trồng dâu nuôi tằm.

Để rồi cho đến nay, Brúi đã trở thành ông chủ của mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích 2.000 m2 dâu, trên 200 m2 nhà tằm và tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu lên 3.000 m2 để nuôi gối đầu các lứa tằm. Cách làm này vừa giúp tăng năng suất, vừa quay vòng được nguồn lá dâu, bảo đảm cung cấp đủ thức ăn cho 2 lứa tằm/ tháng. Bình quân mỗi tháng, Brúi thu được khoảng 100 kg kén, nếu trừ chi phí thu về gần 20 triệu đồng. Brúi dự định sẽ thuê đất để trồng và nuôi thêm tằm, mở vựa thu mua kén của người dân trong xã. Tương tự, gia đình chị Rơ Ông K’Hiếu (Thôn 1, xã Đạ Long) thuộc diện hộ nghèo của xã, nhưng từ khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị khấm khá hơn hẳn. Chị chia sẻ, trước đây, kinh tế gia đình trông chờ vào cây cà phê, mà cà phê thì một năm thu có một lần, năm nào thu hoạch cà phê xong là vừa đủ trả nợ, có khi thâm hụt. Chị được Nhà nước hỗ trợ giống dâu tằm, nong, né, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, chị mạnh dạn phá bỏ cà phê để trồng 2.000 m2. Qua hơn một năm nuôi, thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, tháng nào đều đặn chị cũng thu về hơn 14 triệu đồng nên không chỉ có tiền chi tiêu mà còn trả nợ tiền đầu tư sản xuất cà phê.

Theo đánh giá của UBND huyện, thời gian qua giá kén tằm khá cao, ổn định trên 100.000 đồng/kg nên đây là nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ nông dân, nhất là đối với các hộ gia đình nghèo, có diện tích đất canh tác nhỏ.

Hình thành vùng dâu tằm

Hiệu quả kinh tế của cây dâu, con tằm đã được khẳng định, vì vậy huyện Đam Rông xác định phát triển ngành dâu tằm trở thành là một trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn từ nay tới năm 2023. Sau hơn 3 năm chuyển giao nguồn giống dâu cao sản S7-CB và VA-201, ứng dụng kỹ thuật mới nuôi tằm gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở địa phương đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng và đem lại thu nhập cao nhất trong số các loại cây công nghiệp dài ngày ở các xã. Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cho biết, trước đây, người đồng bào của xã sản xuất dựa vào thiên nhiên là chính, Nhà nước cho cái gì thì hưởng thụ cái đó. Thế nhưng, đến nay, bà con có những chuyển biến về tư duy sản xuất, biết ươm cây giống, đưa cây, con giống có năng suất vào trồng như bơ, sầu riêng… và chăn nuôi bò nhốt.

Nếu như trước đây, 3 sào lúa chỉ thu được khoảng 2 triệu đồng sau 3 tháng, sau khi người dân đã chuyển đổi trồng dâu nuôi tằm, mỗi tháng thu về hơn 18 triệu đồng.

Từ hiệu quả đó, xã Đạ Tông đã ra hẳn một nghị quyết chuyên đề về trồng dâu nuôi tằm. Qua đó, nhiều diện tích trồng bắp, lúa ven sông Krông Nô đã chuyển sang trồng dâu, đến nay, diện tích trồng dâu của xã đã lên đến gần 40 ha. Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đam Rông cho biết, so với năng suất và mặt bằng giá cà phê trong cùng thời điểm 3 năm vừa qua, thì 1 ha trồng dâu nuôi tằm giống mới ở Đam Rông mỗi năm thu lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần. Thời gian qua, giá kén tằm khá cao, ổn định nên đây là nguồn thu nhập khá đối với nông dân.

“Đam Rông đang triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ổn định vùng nguyên liệu tơ tằm với diện tích 800 ha, sản lượng kén sản xuất đạt 1.200 tấn/năm; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất giống dâu, giống tằm, hỗ trợ thiết bị và kỹ thuật cho các hộ kinh doanh tằm giống, đồng thời huy động mọi nguồn vốn đầu tư để xây dựng 2 cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao với quy mô mỗi cơ sở 2.000 hộp/năm và 3 liên kết về tổ chức sản xuất, chăn nuôi tằm, tiêu thụ kén tằm, ươm tơ”, ông Chính cho biết.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/dam-rong-phat-trien-ben-vung-nghe-trong-dau-nuoi-tam-2962263/