Đam Rông và bài toán ngân sách

Xây dựng phương án, lộ trình tự chủ ngân sách là yêu cầu mà UBND tỉnh Lâm Đồng đặt ra cho các huyện, thành phố và Đam Rông cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, với Đam Rông, vấn đề này thực sự là bài toán khó cần rất nhiều nỗ lực để giải quyết.

Phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở quan trọng để hoàn thành các mục tiêu về thu ngân sách ở Đam Rông

Phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở quan trọng để hoàn thành các mục tiêu về thu ngân sách ở Đam Rông

Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Đam Rông, trong giai đoạn 2016 - 2020, thu ngân sách Nhà nước của địa phương này đạt 293,35 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân 7,3%. Thu ngân sách địa phương thực hiện trên 2.688 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân là 11,35%. Chi ngân sách địa phương trên 2.579 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển trên 736 tỷ đồng; chi thường xuyên trên 1.638 tỷ đồng.

Sự phát triển của Đam Rông những năm trước đây chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư của ngân sách Trung ương, của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, địa phương này đã có nhiều nỗ lực để đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 12,1%/năm. Kinh tế tuy có bước phát triển nhưng chưa thực sự tương xứng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu hút đầu tư không đáng kể; dịch vụ và một số lợi thế về du lịch vẫn ở dạng tiềm năng. Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên một số lĩnh vực chưa rõ nét. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; một số chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch, nên chưa tạo ra đột phá, tăng tốc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhất là các tuyến giao thông đối ngoại kết nối địa phương với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh xuống cấp nghiêm trọng.

Căn cứ trên tình hình hiện nay, huyện Đam Rông đã đặt ra những kế hoạch, mục tiêu cụ thể để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Đó là cơ sở để địa phương này đặt ra những con số mục tiêu cụ thể hơn trong vấn đề ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2025. Đơn cử như thu ngân sách Nhà nước dự kiến trên 533 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 14,77%. Thu ngân sách địa phương dự kiến trên 2.460 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 2%. Chi ngân sách địa phương dự kiến trên 2.434 tỷ đồng.

Những mục tiêu của Đam Rông đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phấn đấu tăng dần khả năng cân đối ngân sách, giảm dần kinh phí trợ cấp ngân sách tỉnh. Năm 2021, tỷ lệ nhận trợ cấp từ ngân sách tỉnh là 84%, đến năm 2025 tỷ lệ nhận trợ cấp từ ngân sách tỉnh là 79% (giảm 5%), phấn đấu đến năm 2045 là huyện phát triển khá của tỉnh, tự cân đối được ngân sách.

Để thực hiện mục tiêu trên, phát triển kinh tế xã hội được xem là giải pháp trọng tâm hàng đầu mà huyện Đam Rông tập trung thực hiện. Cụ thể, tập trung thực hiện sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững từng bước ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; nâng cao thu nhập và mức sống cho Nhân dân; thực hiện tốt an sinh xã hội. Hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2025. Song song với đó, công tác thu ngân sách Nhà nước cũng cần được thực hiện chặt chẽ. Việc quản lý, chỉ đạo thu cần tiến hành rà soát từng nguồn thu, sắc thuế cụ thể; theo dõi bám sát tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và của từng ngành, xã; các ngành, các cấp phải có sự phối kết hợp để dự báo thu kịp thời và tham mưu cho UBND huyện đề ra giải pháp cụ thể khai thác triệt để mọi nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhằm phấn đấu đạt và vượt dự toán thu Ngân sách được giao. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế. Cương quyết xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi gian lận về thuế như thốn thuế, lậu thuế. Ngoài ra, huyện Đam Rông cũng xác định những nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện chi ngân sách đảm bảo đúng luật. Chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và UBND các xã chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ngân sách Nhà nước. Trong thực hiện chi đầu tư xây dựng cơ bản: Tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng để trả nợ các dự án đã hoàn thành, dự án chuyển tiếp, triển khai thực hiện ngay từ đầu năm để đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Tăng cường quản lý các nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là công tác đẩy nhanh quyết toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, hạn chế chuyển nguồn sang năm sau. Đối với việc chi thường xuyên: Tổ chức thực hiện điều hành ngân sách theo dự toán được giao, hạn chế bổ sung các khoản chi phát sinh trong năm, trừ các trường hợp cần thiết, cấp bách mới phát sinh. Tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và đối tượng khó khăn trong xã hội.

Hướng tới tự chủ ngân sách là xu thế tất yếu. Khó khăn là điều không tránh khỏi với địa phương Đam Rông. Nhưng bài toán khó này cũng mở ra cho mảnh đất này những cơ hội thực sự để phát huy nội lực. Sự đoàn kết, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, là cơ sở quan trọng để Đam Rông từng bước thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202204/dam-rong-va-bai-toan-ngan-sach-3112360/