Đám rước
Hai cô con gái của ông bà đã yên bề gia thất cả rồi. Cô chị có con trai ba tuổi. Cô em có con gái đang tập nói. Đầu năm mới, hai cô cùng cho con về chúc tết ông bà. Bà nằm giữa giường, hai cháu ngồi hai bên.
Đứa bập bẹ: “Quoại… quoại”, đứa bi bô: “Bà ơi … bà ơi”. Vậy là mãn nguyện lắm rồi. Tháng sau bà mất vì một căn bệnh hiểm nghèo. Năm ấy ông Ba bưu điện mới năm chục tuổi, còn khỏe, vẫn đi làm viên chức bưu điện trên huyện. Vài năm sau, bạn bè ái ngại cho hoàn cảnh ông một mình thui thủi cơm nước, giặt giũ, khuyên ông tục huyền nhưng ông không chịu.
Các con thay nhau năn nỉ bố chuyển cư về thành phố cho chúng tiện bề hầu hạ, ông cũng không chịu nốt. Không có bàn tay người đàn bà quán xuyến việc nhà, vậy mà một ngàn mét vuông vườn tược ông không để cỏ rậm, nhà cửa không lúc nào lôi thôi bừa bộn.
Sinh thời, bà và ông có cùng sở thích nghe nhạc cổ điển Đức. Nay chiều nào ông cũng dành cả tiếng đồng hồ vào lúc nhập nhoạng tối mở bản Sông Đa-nuýp xanh của Johann Strauss, vặn âm thanh vừa đủ du dương lan tỏa khắp ba gian nhà cô đơn nhưng chẳng có chút nào lạnh lẽo.
Ông có linh cảm linh hồn bà chẳng nỡ đi đâu xa, vẫn lẩn quẩn cùng ông, vẫn như xưa im lặng ngồi bên ông cùng mơ màng thưởng thức từng giai điệu ngọt buồn, từng khúc du ca thánh thót để rồi cùng dìu nhau vào từng bước nhảy khoan hòa, bay bổng trong rất nhiều buổi chiều lãng mạn ông bà đã từng có với nhau trong đời.
Có một buổi chiều như bao nhiêu chiều êm ái ấy, một anh họa sĩ lang thang tản bộ nghe được khúc nhạc nao nao buồn phát ra từ nhà ông. Anh ta gõ cổng lên tiếng xin vào. Quá ngạc nhiên thấy ông Ba đứng giữa đàn chim sẻ, tay vẩy thóc như cho gà ăn, anh lễ phép xin ngồi cùng ông đàm đạo rồi cảm mến vì tâm hồn đồng điệu, đã vẽ tặng ông một bức chân dung. Vẽ xong, chăm chú ngắm tác phẩm của mình dưới ánh đèn vàng vọt, anh họa sĩ trầm ngâm phát biểu:
- Sống mũi hơi cong như sống liềm là người tinh tế. Môi mỏng, râu thưa là biểu hiện tâm hồn lãng mạn đa tình. Còn trán vuông, lông mày rậm mắt sâu thì chỉ có ở những ai thông minh sâu sắc, kiên định và giàu lòng trắc ẩn.
Con mắt họa sĩ thật tinh đời. Ông Ba bưu điện quả là người như vậy.
Chẳng biết tự lúc nào người ta tự nhiên đổi tên ông Ba bưu điện thành ông Ba từ tâm. Hình như bắt nguồn từ cái bữa bà Bảy nhấp nhô tự nguyện mất nhà đất lần thứ hai khi đứa con gái trời đánh của bà bị bắt vào tù vì dính líu với thằng Râu dê mở động mại dâm. Ba thằng con của ả ta nợ chồng nợ chất bọn giang hồ, không trả được thì chỉ có mà đền mạng. Để cứu cháu, bà đành nuốt nước mắt bán đi mười mét đất cuối cùng lấy tiền trả nợ thay chúng nó. Đất thị trấn khi ấy đang kỳ cao chót vót, vậy mà vẫn chưa đủ. Rồi bọn chủ nợ cũng cho qua. Xong xuôi êm thấm, ba thằng cháu ngoại lặng lẽ chuồn êm. Để mặc bà ngoại già nua cùng ông cậu dở người lặng lẽ ôm mớ xống áo ít ỏi ra ngủ lều chợ.
Hàng xóm ai cũng ái ngại thương tình nhưng chẳng giúp được gì. Nhìn cảnh bà Bảy nhấp nhô bước thấp bước cao cùng thằng con trai miệng ca sáu mươi năm cuộc đời chậm rãi đi qua cổng, ông Ba bưu điện chạy ra nhét vội vài trăm bạc vào tay bà Bảy rồi tần ngần vào nhà ngồi nín lặng trong bóng chiều chạng vạng. Tối ấy, lần đầu tiên trong nhà ông im bặt khúc nhạc Sông Đa-nuýp xanh du dương dìu dặt. Sau một đêm buồn bã thao thức tính toán, chưa sáng hẳn, ông đã sang nhà ông Tư chủ vựa ve chai uống trà. Hai ông già chụm đầu vào nhau thầm thì lâu lắm.
Đúng giờ Ủy ban thị trấn mở cửa làm việc, ông Ba lên gặp ông Chủ tịch và ông Thương binh - Xã hội xin ý kiến, mọi sự suôn sẻ, ông vội vã ra về. Ngày hôm sau đã thấy ông ấp trưởng cùng đông đủ bà con trong tổ dân phố nhanh nhảu dọn một góc vườn nhà ông Ba bưu điện rồi dựng lên chỗ ấy một căn nhà lá xinh xắn gọn gàng. Đất ông Ba hiến tặng, tiền của mọi nhà hảo tâm trong tổ đóng góp, còn thiếu bao nhiêu ông Tư chủ vựa ve chai chi nốt. Căn nhà hoàn thành thì các thủ tục pháp lý cũng xong, hai ông già cùng với đại biểu chính quyền đoàn thể ra mời mẹ con bà Bảy nhấp nhô về nhận nhà mới. Ngày hôm ấy không khí con hẻm vui mừng như ngày hội. Từ đấy bà Bảy nhấp nhô mới yên thân cùng anh con trai sống nốt quãng đời gian truân của mình.
Căn thứ hai các ông cũng dựng lên theo cách ấy. Chả là anh Hèng cháo lòng tuy chết rồi nhưng vợ con anh ta đâu có yên thân vì món nợ gần chục cây vàng của bọn xã hội đen cờ bạc. Dầu công an đã được báo cáo, đã tung đủ mọi ngón nghề nghiệp vụ nhưng có làm cho chúng lộ diện được đâu mà trừng trị. Vì quá lo sợ cho con cái mình phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp như cha chúng, như thằng bạn của cha chúng, chị Hèng đành phải gạt nước mắt bán cửa tiệm cháo lòng rồi bí mật trả nợ cho êm chuyện. Giao nhà cho người mua rồi, chị mới thấy chới với nhận ra rằng cái lo mất mạng cũng ngang bằng cái lo ăn lo ở hằng ngày. Anh em ruột thịt chẳng có ai gần kề, thôi thì mẹ con đánh liều ra lều chợ trú đêm xem sao. Động lòng trắc ẩn, hai ông già lại ra tay. Lần này chóng vánh hơn lần trước, chỉ mất hai ngày mọi người làm việc cật lực, mẹ con chị Hèng đã được trở về tổ đoàn kết cũ sống cạnh mẹ con anh Tư Dồ, trong vòng che chở của hai ông già tốt bụng.
Nhà bà Hai Bắc cách nhà ông Ba bưu điện dăm nhà. Khi ông Ba dọn về đây thì ông Hai Bắc còn sống. Hai Bắc hơn ông Ba chừng mươi tuổi. Đối đãi với nhau tuy chẳng thân tình lắm nhưng gặp nhau ở quán cà phê, vẫn thường thay nhau trả tiền nên quan hệ cũng gọi là thân mật. Ông Hai Bắc có hai gái một trai. Anh con trai lấy phải con vợ quá lăng loàn, ở chung được một năm thì ông bà có chút tiền dành dụm mua được miếng đất nho nhỏ vừa làm đủ một căn nhà cho vợ chồng chúng ra ở riêng. Còn đứa con gái út duyên số cũng chẳng hơn. Chồng nó là loại siêng ăn nhác làm, một mái lều che thân cũng không xoay xở nổi. Ông bà thương tình cho mấy mét đất bên cạnh dựng nhà. Con chị cả cao số, tính khí đành hanh, tới khi ông Hai Bắc qua đời vẫn chưa lấy được chồng. Sau khi bố chết, chả hiểu do vợ xui khiến hay nghe ai ác độc thầy dùi, anh con trai mỗi ngày vài bận đến đòi chia đất, đòi về ở nhà bố mẹ với lý do đất của mình đang ở kém giá trị vì kẹt trong hóc hẻm lại nhỏ hẹp, nên chẳng có giá bao nhiêu. Cô chị gái cũng chẳng vừa, thế là tung bành hục hặc chị em, mẹ con om sòm chẳng ra thể thống gì. Đến khi cô chị cả vớ được một thằng giăng há trôi sông dạt chợ lôi về làm chồng thì bi kịch mới thực sự xảy ra. Gái già khát tình khỏi phải nói cô ta chiều thằng đó như thể chiều vong. Nó ngỏ ý vợ chồng ở chung với người già không được tự do ân ái, thế là con gái gói ghém quần áo mẹ già thành một bọc dẫn tới cổng nhà em trai xưng xỉa:
- Nuôi mẹ già xưa nay nghĩa vụ chính là của con trai, bà sang nhà nó mà ở.
Bà mẹ già lật bật bước chưa tới giọt gianh đã bị thằng con trai dang hai tay đứng chắn ngay giữa cửa nói:
- Bà xưa nay ở đâu thì cứ về đấy mà ở.
Cực chẳng đã bà lại lật bật bước ra. Về nhà mình thì cổng đóng mất rồi. Nhà con gái út cũng cài then im ỉm. Vậy là người mẹ già khốn khổ ấy phải rân rấn nước mắt lần dò từng bước ra gốc gòn ngồi như tượng đá tay ôm bọc đồ, mắt đau đáu nhìn về phía cổng nhà xem có đứa con nào ra đón mẹ không. Đến tối mịt thì ông Tư chủ vựa ve chai cầm tay dắt bà vào nhà mình mời cơm nước và cho ngủ tạm. Ba bốn ngày liền ba đứa con bà vẫn chẳng hề động tâm. Đoàn thể, chính quyền vận động, lôi cả luật pháp ra chúng vẫn đùn đẩy nhau như đẩy con chó ghẻ ra đường. Vậy là vẫn theo thể thức cũ, ngôi nhà thứ ba cho bà Hai Bắc được mọc lên trên vườn ông Ba bưu điện, sát cạnh nhà mẹ con chị Hèng cháo lòng. Dãy nhà ấy liên tiếp mọc thêm dăm bảy căn nữa cho dăm bảy bà cụ, ông cụ khốn khó cô đơn tương tự như hoàn cảnh mấy người được giúp đỡ mới rồi. Ngày ngày người ta lại được nghe tiếng trẻ bi bô học bài, tiếng anh Tư Dồ ca cẩm sáu mươi năm cuộc đời. Và đôi lúc hai ông Tư ngồi chuyện vãn với mấy cụ ông cụ bà vui vẻ trong những chiều nắng ráo như cuộc đời xưa nay chẳng có sự gì buồn bã cả.
Cái khu nhà ấy ông Ba bưu điện gọi là khu nhà Từ tâm. Và tên ông người ta cũng gọi là ông Từ tâm. Dần dà các cụ sống trong ấy lác đác theo nhau về trời. Căn nhà vắng người mấy bữa lại có những cụ ông cụ bà hoàn cảnh tương tự được đón đến ở thế chỗ. Bà Bảy nhấp nhô chết. Bà Hai Bắc chết. Rồi chị vợ anh Hèng cũng già nua lụ khụ về già ở đấy. Các con chị lớn khôn lấy vợ, lấy chồng đều có nhà ra ở riêng. Ngày tết chúng về đông đủ chúc tết ông Từ tâm và ông Tư chủ vựa ve chai thành kính như ông nội của chúng. Người sống lâu hơn cả có lẽ là anh Tư Dồ. Anh ta chẳng biết tuổi mình đã đành, cả những người từng biết anh khi trước cũng chỉ lờ mờ suy đoán hình như tám mươi hay chín mươi gì đó. Bây giờ râu tóc anh trắng phớ như bông. Lâu lắm rồi, anh không ra chợ xách nước kiếm tiền được nữa. Ông Tư và ông Ba bưu điện nuôi anh ngày hai bữa. Ông Tư chết, lương hưu ông Ba cũng đủ chi dùng cho hai người. Già lụ khụ rồi nhưng Tư Dồ không bỏ được thói quen cũ, vẫn hát một câu đều đều bất kể nắng mưa, đêm ngày. Có điều xưa “Sáu mươi năm cuộc đời…” thì nay thành “Sống trong đời sống phải có một tấm lòng…”. Có điều xưa giọng trong trẻo, vỡ vạc, nay tiếng hát lào khào nghe ảo não thương tâm lắm. Lần đầu nghe Tư Dồ hát câu hát mới, ông Ba Từ tâm vụt nói lớn như thể sợ người đời không nghe thấy:
- Đúng lắm! Đúng lắm! Sống trong đời phải có một tấm lòng…
Nói rồi, ông bật khóc. Rồi như là chợt chẳng hiểu sao mọi người bạn ông đều đã quy tiên cả rồi, đến hai đứa con gái ông cũng đã chết già từ lâu lắm mà mình cứ còn mãi trên cõi đời này là sao vậy? Tư Dồ điên dại, trong đầu anh ta chẳng có quá khứ, chẳng có tương lai nên anh ta vô tư sống lâu cũng phải. Ông Từ tâm bây giờ cũng nhiều lúc lú lẫn và ngây dại gần gần như Tư Dồ. Tuổi ông bao nhiêu, một trăm, trăm mốt hay trăm hai? Năm nay là năm thứ 2030 hay 2050 ông cũng chẳng hề bận tâm. Ông chỉ biết có Tư Dồ và đàn chim sẻ hằng ngày sà xuống đậu trên vai ông, trên đầu ông kêu lích chích, thậm chí chúng ỉa bậy những hòn phân trăng trắng li ti bám đầy cổ, đầy áo ông cũng chẳng hề bận tâm. Trước đây, Tư Dồ đưa gì ông ăn nấy, uống nấy, không đưa ông cũng chẳng đòi. Nhưng vài tháng nay ông không ăn nữa, chỉ uống chút nước trong vắt múc từ lòng giếng giữa vườn. Một chiều ông kêu lạnh bảo Tư Dồ khoác cho ông chiếc padesus có từ thời cha ông là viên chức bưu điện từ lâu lắm. Tay ông cầm thêm chiếc ba-toong có tay nắm hình đầu chó, rồi chậm rãi đi vòng quanh vườn, vòng quanh khu nhà Từ tâm đang thiêm thiếp dưới trăng. Ông đi cả ngày, đi suốt đêm không dừng một bước. Có người hiếu kỳ hỏi:
- Sao cụ không ngủ?
Đáp: - Để cho người tỉnh táo.
Lại hỏi: Sao cụ cứ đi vòng quanh suốt đêm ngày vậy?
Đáp: Phải cảnh giác, luôn luôn cảnh giác.
Chẳng biết ông luôn luôn cảnh giác cái gì?
Rồi một buổi sáng tinh mơ, Tư Dồ thấy ông Từ tâm đứng im lìm giữa sân trong tư thế hai chân dang rộng, cây ba-toong chống doãi ra phía trước thành thế chân vạc, tấm áo padesus sạch bong không một vết phân chim trùm kín vai kín cổ, trùm kín chân, trùm sát đất chỉ chừa ra cái đầu tóc tai lòa xòa mây trắng và khuôn mặt ngẩng lên nhìn trời cùng chòm râu dài như sợi cước phơ phất rẽ sang hai bên để lộ đôi môi đỏ tươi he hé cười và vầng trán vuông vức của ông hằn rõ mấy đường nhăn lăn tăn như những con sóng mơn man bờ cát. Hình như toàn bộ tinh thần ông toát ra nơi sống mũi, cái sống mũi mà anh họa sĩ năm nào nhận xét rằng chỉ có ở những người tinh tế thính nhạy đau đời thì lúc này trông nó cong cong hơn biểu thị một câu hỏi nào đó gửi lại cho hậu thế.
Đến khi người ta thành kính đỡ ông nằm xuống tấm chăn vải lụa điều, cởi chiếc áo choàng khỏi người ông thì cùng ồ lên kinh ngạc thấy toàn bộ thân thể ông chỉ còn là một tấm da bọc xương khô đét, thơm lừng mùi trầm hương. Hóa ra linh hồn ông đã về trời tự bao giờ.
Khi tổ chức tang lễ, hỏi tên ông chả ai biết. Hỏi nhân viên phụ trách hộ tịch lại càng mù mờ vì anh ta đã là người thay thế thứ mười mấy. Sổ ghi danh sách cư dân thế kỷ trước chuyển sang đã mục nát dưới đáy tủ sắt từ lâu lắm. Người ta đành miễn cưỡng ghi cáo phó: Họ tên: Từ Tâm. Năm sinh: Vô thủy. Hưởng thọ: Vô cùng. Tới khi ông trưởng ban Thương binh - Xã hội chuẩn bị đọc điếu văn truy điệu thì từ ngoài đường cái ùn ùn chạy đến hơn mười chiếc xe đò. Trên xe ùn ùn kéo xuống mấy trăm người trẻ già trai gái, người nào cũng đội khăn tang, khuôn mặt người nào cũng na ná giống nhau nơi sống mũi cong cong, hai làn môi mong mỏng và vầng trán vuông vức thông minh trên cặp lông mày rậm rạp che đôi mắt sâu thăm thẳm. Ai cũng nhận mình là hậu duệ của người quá cố. Đoàn đưa tang ông Từ tâm đi trước là dàn kèn đồng hùng tráng mở đường. Đi sau là phường bát âm nỉ non than khóc. Sau linh cữu là đoàn người khăn áo trắng toát nối nhau dài vô tận. Đoạn đầu xuất phát hàng tiếng đồng hồ rồi mà đoạn cuối vẫn chưa ra khỏi cổng. Xế trưa vẫn không hết những người mặt mũi na ná người quá cố từ những đâu đâu đến nhập vào hàng người đưa tiễn. Tới quá ngọ rồi, mấy người đi đầu hỏi nhau: Ta đang đi đâu nhỉ? Đến nghĩa trang chứ còn đâu? Thế nghĩa trang ở đâu? Ờ nhỉ, nghĩa trang ở đâu cà? Những mẩu đối thoại như vậy râm ran truyền xuống cuối hàng, càng về cuối lời đối đáp càng mơ hồ huyền hoặc. Trong khi phía cuối hàng, người ở đâu ra mà cứ nối dài vô số những khuôn mặt như đúc cùng khuôn với người quá cố. Trẻ có, già có, nam có, nữ có. Có cảm tưởng như người khắp thế gian này đều là hậu duệ của ông Ba Từ tâm vậy.
Kết cục họ quên tiệt mục đích ban đầu. Bỗng đâu đó có người cao hứng xướng to lên: Đây là đám rước. Lập tức mọi người đồng thanh: Ừ thì đám rước, đám rước, tùng tùng dinh, tùng tùng dinh. Đám rước ấy kéo dài vô cùng tận. Có thể đến bây giờ họ vẫn còn đang rùng rùng chuyển động ở một nơi nào đó trên bề mặt trái đất này cũng nên. Hỏi khắp thế gian có nghĩa trang nào làm nơi an nghỉ cho những người như ông Ba Từ tâm?
Và, ông Ba Từ tâm làm sao mà chết được?
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dam-ruoc-a173888.html