Dặm xa chung lối

Mối thân tình giữa gia đình tôi và cô chú Nghiêm, Hạnh bắt đầu từ những cuộc trò chuyện giản dị. Sau khi về hưu, cô chú dành phần lớn thời gian cho gia đình và các chuyến phượt khám phá khắp mọi miền Tổ quốc. Dù đã đi qua nhiều cảnh đẹp, chú Nghiêm vẫn có chút khắc khoải trong lòng, vì chưa có cơ hội đến Bình Phước, mảnh đất tôi thường nhắc đến với niềm tự hào và yêu mến.

Cô chú vốn là người gốc Bắc, chọn TP. Vũng Tàu để lập nghiệp. Chú Nghiêm từng gắn bó với công việc kỹ thuật trên tàu biển, sống cùng bao nhiêu cơn sóng gió của đại dương. Còn cô Hạnh mang trái tim nhân hậu, luôn là điểm tựa vững chắc cho gia đình. Khi về hưu, cô chú chuyển về TP. Hồ Chí Minh ở để gần gũi gia đình, thuận tiện chăm sóc các em nhỏ đang tuổi ăn học.

Trong các buổi trò chuyện, tôi thường kể cho cô chú nghe về tỉnh Bình Phước - nơi gia đình tôi sinh sống. Về con người hiền hòa, chân chất, cảnh sắc sườn đồi lượn sóng nơi đây vừa hùng vĩ vừa lãng mạn… là lời giới thiệu, đồng thời cũng gửi gắm tình cảm, tâm tư tình yêu mến đối với nơi tôi gọi là quê hương.

Tôi kể cho cô chú nghe về mảnh đất biên giới Tây Nam kiên cường trong chiến tranh, miêu tả về những ngày tháng lịch sử hào hùng, về sự hy sinh lớn lao và ý chí quật cường của người dân nơi đây, đã không ngừng đấu tranh để gìn giữ và xây dựng quê hương, khiến cô chú càng thêm tò mò, háo hức muốn đến thăm.

Và đầu năm vừa rồi, chú Nghiêm, cô Hạnh đã quyết định đến thăm vùng đất “Bình Phước anh hùng”. Ban đầu, trong suy nghĩ của cô chú, miền biên viễn hoang sơ, với lác đác ngôi nhà nhỏ nép mình dưới chân đồi, nơi nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Nhưng khi đến đây, cô chú đã ngỡ ngàng trước sự phát triển hiện tại. Con đường rộng, cây bên đường cao lớn xanh mướt, xe cộ đi lại tấp nập, nhịp sống vừa nhộn nhịp vừa thanh bình. Khác xa với hình dung ban đầu.

Khi cô gửi định vị và thông báo tới Lộc Ninh rồi: “Sáng mai, lúc 7 giờ sẽ đi Bù Đốp rồi ghé nhà Phương chơi!”, cả nhà tôi vui vẻ, đầy háo hức khi nhận được tin. Cô chú đã vượt qua bao dặm xa trên con đường đất đỏ quanh quanh dẫn lối, men theo góc phố nhỏ đến cánh rừng cao su bát ngát, để tới thăm nhà tôi. Đó là minh chứng sống động cho tình yêu quê hương và sự đồng cảm sâu sắc, đã kết nối hai gia đình.

Hôm sau, bố mẹ tôi đã dậy từ tờ mờ sáng. Mẹ ra vườn hái rau, củ tươi ngon nhà trồng, còn bố tôi thì đến nhà người quen để lấy thịt heo rừng, đặc sản được nuôi thả tự nhiên trong vườn.

Trong khi đó, đám trẻ nhỏ trong nhà cũng tự động dậy sớm, chăm chỉ quét dọn từng góc nhà, từ trước ra sau, để mọi thứ đều tươm tất và sạch sẽ. Bác Chiến - họ hàng thân thiết, cũng sơ vin chỉn chu, ra sớm để đón khách và phụ giúp gia đình công việc chuẩn bị, tạo thêm bầu không khí ấm cúng, thân mật. Ai cũng vui vẻ, chăm chút từng việc với tấm lòng mến khách.

Các món ăn được chuẩn bị với cả tấm lòng, sẻ chia từng câu chuyện và tiếng cười, đã kết nối mọi miền quê, mọi vùng đất. Từ món thịt heo rừng được chế biến cẩn thận đến rau, củ tươi ngon từ vườn nhà, tạo nên bữa tiệc giản đơn mà đầy hương vị, ý nghĩa. Bên cạnh đó, không thể thiếu đặc sản hạt điều rang muối Bình Phước với vị thơm bùi, giòn tan hoàn hảo, đã thêm nét đậm đà cho cuộc trò chuyện nối dài.

Từng câu chuyện, từng tiếng cười và khoảnh khắc sẻ chia đã làm cho mối thân tình giữa hai gia đình trở nên khăng khít hơn. Cảm ơn tình người và tình yêu quê hương đã mở ra cho tôi kỷ niệm kết nối quý giá về tình cảm, là điểm gặp gỡ dù ở muôn dặm trùng xa.

Trần Thị Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/161852/dam-xa-chung-loi