Dân Afghanistan rơi từ trên không khi cố 'đu bám' máy bay Mỹ, thiệt mạng

Một quan chức Mỹ cho biết ít nhất bảy người đã thiệt mạng do tình trạng hỗn loạn ở sân bay Kabul khi hàng ngàn người dân Afghanistan tìm cách rời khỏi đất nước.

Một quan chức Mỹ cho biết ít nhất bảy người đã thiệt mạng khi hàng ngàn người Afghanistan tập trung ở sân bay Kabul nhằm tìm cách rời khỏi đất nước sau khi lực lượng Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô, hãng tin AP cho hay.

Những thương vong này được ghi nhận khi Mỹ cùng các đồng minh tiếp tục nỗ lực sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi Afghanistan. Trong đám đông được mô tả là “tuyệt vọng” ở sân bay Kabul - nơi lực lượng của Mỹ đang giữ quyền kiểm soát không lưu, không ít người đã cố bám víu vào một chiếc máy bay quân sự khi nó cất cánh và rơi xuống đất khi máy bay tăng tốc và tăng độ cao.

Hình ảnh người dân Afghanistan không thể “trụ lại” trên chiếc máy bay quân sự có thể được nhìn thấy qua những đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội. Video này được kênh truyền thông địa phương Tolo News cùng nhiều hãng tin khác chia sẻ lại.

Một video được chia sẻ trên Twitter hôm 16-8 với mô tả ba thị dân Kabul cố "đu bám" máy bay Mỹ thì bị rơi đất, tử vong. Nguồn: TOLO NEWS

Theo video, ít nhất ba người đã rơi từ trên không xuống đất. Con số bảy người thiệt mạng do một nguồn tin quân sự cao cấp của AP tiết lộ. Chưa có bên nào công khai xác nhận con số này.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt hai người bị cáo buộc mang theo vũ khí. Ông Kirby cũng cho biết 1.000 quân Mỹ nữa sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh cho sân bay Kabul và hỗ trợ 2.500 lính đang làm nhiệm vụ tại đây.

Tất cả các chuyến bay - cả quân sự và dân sự - sẽ bị tạm dừng cho tới khi người dân Afghanistan có thể được đưa ra khỏi khu vực đường bay - ông Kirby cho biết thêm.

Đêm muộn ngày 16-8, hàng trăm người dân Afghanistan vẫn còn bị mắc kẹt ở sân bay Kabul khi lực lượng Mỹ cố đẩy họ ra khỏi sân bay, trong khi lực lượng Taliban cố giữ những người này lại ở sân bay, AP thuật lại.

Nhiều người khác cũng tìm cách rời khỏi Afghanistan nhưng không thành. AP cho hay lực lượng phòng không nước láng giềng Uzbekistan đã bắn rơi một máy bay quân sự Afghanistan đi vào không phận Uzbekistan mà không xin phép. Hai phi công bị thương và đã bị tạm giam.

Trong khi đó, ông Ashraf Ghani - người đã tuyên bố từ chức Tổng thống Afghanistan - cũng không còn ở trong nước. Báo chí Nga đưa tin ông Ghani bị nghi ngờ rời Afghanistan với bốn chiếc ô tô và một trực thăng chứa đầy tiền. Những thông tin ban đầu cho hay ông Ghani đã sang Tajikistan - một quốc gia láng giềng khác của Afghanistan - nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức về điểm đến của ông Ghani.

Người dân Afghanistan cố "đu bám" một máy bay quân sự Mỹ khi máy bay đang cất cánh từ sân bay Kabul hôm 16-8. Ảnh: AP

Người dân Afghanistan cố "đu bám" một máy bay quân sự Mỹ khi máy bay đang cất cánh từ sân bay Kabul hôm 16-8. Ảnh: AP

Kabul - thành phố với 5 triệu dân - đã rơi vào tay lực lượng Taliban một cách chóng vánh và Taliban tuyên bố chiến thắng hôm 15-8. Theo AP, chưa có báo cáo về tình trạng bạo lực, giao tranh hay các hành động bất lương xảy ra sau khi Taliban kiểm soát Kabul. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ vì nghe thông tin về sự trả thù của Taliban và thấy một số nhà tù đã bị phá, không còn phạm nhân nào.

Truyền thông quốc tế cho hay tốc độ tiến công và giành chiến thắng của Taliban khiến một số quan chức Mỹ choáng váng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đổ lỗi sự thất bại nhanh chóng ở Kabul là do quân đội Afghanistan yếu kém, thiếu tinh thần chiến đấu.

Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế cảnh báo rằng hàng ngàn người Afghanistan có thể đã bị thương trong các cuộc giao tranh trong cả nước Afghanistan. Bên cạnh đó, vẫn có những địa phương được chuyển về tay Taliban một cách hòa bình.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo: “Thế giới đang dõi theo các diễn biến tại Afghanistan với trái tim nặng nề và sự lo âu sâu sắc về những gì còn ở phía trước”.

Ông Filippo Grandi, Cao ủy LHQ về người tị nạn, chia sẻ rằng những tương tác giữa cơ quan của LHQ với lực lượng Taliban là “tương đối tích cực”.

Taliban từng là bên lãnh đạo nhà nước Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001, trước khi bị chính Mỹ cùng các đồng minh lật đổ. Trong thời kỳ đó, Taliban đã áp dụng luật Hồi giáo theo cách diễn giải hà khắc của lực lượng này, đe dọa nghiêm trọng tới phụ nữ và có những hành động tàn bạo với những người bị tình nghi phạm tội. Tuy nhiên, AP lưu ý rằng Taliban đã tiết chế lại trong những người gần đây, song không ít người vẫn hoài nghi về sự thay đổi này.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/video-dan-afghanistan-roi-tu-tren-khong-khi-co-du-bam-may-bay-my-thiet-mang-1008681.html