Anh đang có nhiều biện pháp chuẩn bị cho ngày nắng nóng kỷ lục trong tuần này. Một số trường học dự định đóng cửa, bệnh viện hủy bỏ những thủ tục không cần thiết, viện dưỡng lão lên kế hoạch bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương, trong khi bãi biển chật cứng người đến giải nhiệt vào cuối tuần vừa rồi.
Anh đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và lần đầu tiên đưa ra cảnh báo đỏ đặc biệt về nắng nóng. Cảnh báo này đồng nghĩa với việc nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm tới tính mạng, với nhiệt độ có thể tăng tới 41 độ C vào hai ngày đầu tuần này. Đây là mốc nhiệt cao nhất từng ghi nhận ở Anh. Kỷ lục hiện tại là khoảng 38 độ C thiết lập vào năm 2019, theo cơ quan thời tiết quốc gia Anh.
"Báo động đỏ: Đợt nắng nóng 'hung dữ sắp đưa nhiệt độ vượt quá 40 độ C", tờ Guardian giật tít. Tờ Mirror miêu tả nước Anh giống như "một chiếc đèn hàn". Trong khi đó, tờ The Sun tuyên bố xứ sở sương mù đã "nóng hơn cả sa mạc Sahara, Ấn Độ, Pakistan, Algeria, Ethiopia".
Hầu hết tòa nhà ở Anh được thiết kế để giữ nhiệt, vì cái lạnh từng là mối quan tâm lớn hơn trong quá khứ. Ngoài ra, rất ít tòa nhà có trang bị điều hòa, khiến người dân đặc biệt dễ bị tổn thương khi nhiệt độ tăng cao. Trong ảnh là cảnh người dân đổ xô đến bãi biển ở Vịnh Joss ở Broadstairs hôm 17/7.
“Chúng tôi kêu gọi mọi người chú ý đến hàng xóm và những người dễ bị tổn thương xung quanh”, Bộ trưởng Y tế Anh, Steve Barclay, cho biết hôm 16/7, nói thêm các biện pháp bổ sung đang được thực hiện, ví dụ như dịch vụ xe cứu thương sẽ làm thêm giờ.
Cùng ngày 16/7, chính phủ cũng đã họp khẩn để chuẩn bị phương án đối phó nắng nóng, nhưng Thủ tướng Boris Johnson được cho là đã không tham gia mà thay vào đó chọn tổ chức tiệc chia tay, theo Sky News.
Một số trường học có ý định đóng cửa. "Một số cửa sổ thì đóng kín, không có quạt, không có máy lạnh luôn", Guy Arnel - 44 tuổi, ở Ascot, thị trấn phía tây London - cho biết trường học của cô con gái 18 tuổi gợi ý học sinh có thể học từ xa. "Tốt hơn hết là không nên ở trong cái 'hộp nhiệt' như vậy".
Một số phụ huynh lên kế hoạch để con cái ở nhà, ngay cả khi trường học mở cửa. "Chúng tôi giữ con ở nhà để theo dõi chúng ăn gì, uống gì và tình trạng ra sao", Zoe - 46 tuổi, mẹ của cặp song sinh 8 tuổi - nói. Cô cho biết một bé mắc chứng tự kỷ và chức năng thận suy giảm, nên bé đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nhiệt.
Một số bệnh viện hủy bỏ hoạt động không khẩn cấp, với lý do rủi ro cho cả bệnh nhân và nhân viên. “Chúng tôi quyết định từ chối cuộc hẹn khám và phẫu thuật ngoại trú thông thường vào ngày 18-19/7 vì sức khỏe của những người đến khám đều yếu, và do tính chất nguy hiểm khó đoán khi nhiệt độ tăng cao", Joe Harrison - Giám đốc điều hành Bệnh viện Đại học Milton Keynes - cho biết.
Tại Forrester Court Care Home ở London - nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân dễ bị tổn thương, ban lãnh đạo cho biết các nhân viên đảm bảo giữ cho bệnh nhân đủ nước và phát kem giải nhiệt. Giống như hầu hết tòa nhà ở Anh, tòa nhà này cũng thiếu máy lạnh và nhân viên đang yêu cầu mua thêm quạt.
Các nhà bán lẻ báo cáo nhu cầu tăng đột biến quạt và thiết bị điều hòa không khí. Thông thường, đây đều là những mặt hàng không được chú ý bởi khí hậu mát mẻ ở đây. Trong ảnh là người dân nhảy xuống hồ nước ở Đông London hôm 17/7.
Lara Brittain, chuyên gia về thiết bị của Currys cho biết nhà bán lẻ điện tử lớn nhất Anh chứng kiến lượng bán quạt trong ba ngày qua tăng 300% so với tuần trước.
Dịch vụ vận chuyển đi lại cũng sẽ bị ảnh hưởng vào ngày 18-19/7. Cơ quan Vận tải London khuyên người dân chỉ nên thực hiện những chuyến đi thực sự cần thiết.
Nhiều người cho biết họ có ý định ở nhà. "Tôi sẽ làm việc ở nhà vào ngày 18/7 vì trời nóng", Bertie Maher - 25 tuổi, người làm việc cho một công ty thương mại điện tử ở London - cho biết. "Tôi có thể tắm nước lạnh trong ngày và đón nắng khoảng 20 phút trong giờ nghỉ trưa".
Phương Linh
Ảnh: Reuters, AFP, Guardian